Nhật Bản, Olympic và giấc mơ an lành

Khi lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 diễn ra giữa một sân vận động vắng lặng, người ta càng có lý do để khẳng định, nó không nên diễn ra. Nhưng khi những giai điệu bất hủ của ca khúc Imagine vang lên, đài lửa được tay vợt nổi tiếng Naomi Osaka thắp sáng, thì lịch sử thể thao thế giới đã bước sang chương mới.
Olympic Tokyo 2020 được người Nhật gửi gắm nhiều kỳ vọng
Olympic Tokyo 2020 được người Nhật gửi gắm nhiều kỳ vọng

1. Người Nhật yêu thể thao, và cũng đừng ngạc nhiên khi họ có những cột mốc đặc biệt với Thế vận hội (Olympic). Từ một quốc gia có đời sống xã hội khép kín đến tận năm 1868, thì ở kỳ Thế vận hội lần thứ 5, tổ chức tại Thụy Điển năm 1912, Nhật Bản lại là quốc gia châu Á đầu tiên và duy nhất góp mặt. Năm 1964, họ khiến thế giới phải kinh ngạc với sự vươn lên ngoạn mục của một quốc gia bị tổn thất, tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Đó là kỳ Thế vận hội đầu tiên của châu Á, một kỳ tích thật sự của người Nhật.

Bây giờ, Olympic Tokyo 2020 còn đối diện với thử thách nặng nề hơn, nhưng Nhật Bản lại cho thế giới thấy cách mà họ hồi phục ngay trong đại dịch Covid-19 và 10 năm sau thảm họa kép kinh hoàng 2011. Nếu chúng ta cần tìm một ví dụ để chứng minh các giá trị quan trọng nhất của thể thao đối với đời sống con người, thì câu chuyện Nhật Bản với Thế vận hội sẽ là điều đó. Ema Ryan Yamazaki, nhà làm phim tài liệu có tham gia vào dự án phim về Olympic Tokyo 2020, nhận định: “Lịch sử Nhật Bản có mối quan hệ thú vị với Thế vận hội mỗi khi họ cần chứng tỏ sức mạnh của quốc gia đối với thế giới. Hãy gặp những người lớn tuổi ở Nhật Bản, bạn sẽ nghe họ kể về sự hy sinh và tự hào khi nói về Thế vận hội”.

Một bài viết gần đây của trang thể thao ESPN có đưa ra lý giải: triết lý sống của người Nhật Bản, nhất là thế hệ lớn tuổi, đó là “ngưng than thở và tận hưởng nỗi đau”. Không ai tưởng tượng nổi, nếu Thế vận hội diễn ra ở một quốc gia khác, khi có đến 80% người dân không muốn nó diễn ra, khi các cuộc biểu tình phản đối xảy ra ngay trước lễ khai mạc, thì liệu có thể được tiến hành hay không, nếu không có cách suy nghĩ “tận hưởng nỗi đau” để sống tiếp như người Nhật.

2. Những gì mà thế giới thấy trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 chính là một phần của câu trả lời. Chưa có một lễ khai mạc nào mà có nhiều chi tiết khiến người ta chùng lòng xuống nhiều như vậy. Hình ảnh các thế hệ VĐV chuyền tay nhau đưa ngọn đuốc vào sân, trong đó có người gần như không thể đi nổi, phải dìu từng bước mệt nhọc, có người phải ngồi xe lăn, có những thiếu niên đại diện cho 6 tỉnh, thành Nhật Bản đã hứng chịu thảm họa kép 2011. Hành trình rước đuốc ấy khiến người xem vừa xúc động, vừa trân trọng nỗ lực của người Nhật. Kết thúc phần rước đuốc là Naomi Osaka, tay vợt nổi tiếng thế giới sống phần lớn cuộc đời ở Mỹ nhưng sinh ra tại Nhật Bản và đã chọn quê hương để khoác áo thi đấu tại Olympic lần này.

Quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 của Nhật Bản là một sự dũng cảm. 1.432 ngày chờ đợi, tính từ Olympic Rio 2016, rốt cục cũng đã đến điểm dừng sau khi đài lửa được thắp sáng. Là một quốc gia yêu thể thao, Nhật Bản không thể để cho sự chờ đợi kéo dài thêm nữa. Thể thao Nhật Bản đã từng khiến châu Âu phải sửng sốt, khi hàng trăm cơ quan truyền thông cử phóng viên thường trú sang tận Italy chỉ để đưa tin về danh thủ Nakata khi anh xuất hiện tại Serie A. Điều tương tự đang diễn ra với Shohei Ohtani, VĐV bóng chày Nhật Bản đang chơi ở giải thể thao giá trị nhất thế giới tại Mỹ. Khát vọng và nỗ lực chứng tỏ với thế giới, đó là cách mà thể thao Nhật Bản lựa chọn. Tokyo 2020 vì thế đã diễn ra và sẽ thành công.

3. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn ở phía trước. Người ta đang lo lắng về ngân sách khổng lồ mà Nhật Bản đã bỏ ra cho Olympic Tokyo 2020. Theo thống kê các kỳ Thế vận hội từ năm 1968-2012, trung bình các quốc gia đăng cai đều phát sinh 150% ngân sách so với dự toán. Tính đến nay, Olympic Tokyo 2020 đã dự kiến chi 20 tỷ USD, tạm xếp thứ 2 sau Olympic mùa đông Sochi 2018 về mức độ tốn kém trong lịch sử. Nhưng có thể khi Thế vận hội kết thúc, ngân sách Olympic Tokyo 2020 sẽ còn tăng với những chi phí liên quan đến y tế và kiểm soát dịch Covid-19 hiện nay. Điều đó khiến nước chủ nhà lâm vào cảnh nợ nần.

Với sức mạnh kinh tế cũng như quyết tâm của mình, Nhật Bản sẽ vượt qua các vấn đề về tài chính. Nhưng vấn đề quan trọng là Thế vận hội phải diễn ra và kết thúc tốt đẹp, không biến thành một “thảm họa” về y tế. Giờ đây, chính các cuộc thi tài, những màn tranh đấu hấp dẫn giữa các VĐV, sẽ là cứu cánh cho kỳ Thế vận hội “không thể hình dung” nổi này.

Tin cùng chuyên mục