Người hâm mộ Việt Nam và nguy cơ không được xem World Cup 2018: Lửng lơ và đánh đố người xem

Sáng qua 5-6, VTV đã có phản hồi chính thức về quá trình đàm phán bản quyền truyền hình World Cup 2018 và kết quả là họ vẫn cho biết “chưa mua được và không thể mua bằng mọi giá”. Thực tế thì sao?

Cú sốc với người hâm mộ

Người Việt xem World Cup (và cả EURO) trực tiếp qua truyền hình từ năm 1994 đến nay. Không thiếu một lần nào và tất cả đều được xem qua các kênh truyền hình quảng bá quốc gia VTV. Sự quen thuộc đến nỗi ai cũng đinh ninh là kiểu gì cũng sẽ được xem World Cup 2018. Hàng trăm công ty, thương hiệu cũng đã tung các chiến dịch quảng cáo của mình cho mùa bóng đá để phục vụ người xem.

Không chỉ “sốc” vì đến nay Việt Nam chưa có BQTH, mà người hâm mộ (NHM) còn biết tin là nhiều khả năng Việt Nam là quốc gia duy nhất không được xem World Cup một cách chính thức. Sự chờ đợi biến thành bực bội. Thậm chí người ta còn mang cảm giác bị… phản bội bởi lẽ toàn bộ hệ thống truyền hình trả tiền hiện nay tại Việt Nam đều thu hút thuê bao bằng các bản quyền bóng đá, vậy mà đến sự kiện lớn nhất hành tinh, thì tất cả đều chung một hoàn cảnh.

Email và điện thoại liên lạc đến tòa soạn Báo SGGP những ngày qua, nhiều khán giả cho rằng việc không có BQTH chẳng khác nào đẩy NHM đến con đường phải “xem lậu”, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tay cho các hình thức truyền dẫn sóng bất hợp pháp thông qua internet hay chảo vệ tinh trôi nổi trên thị trường. Hệ quả của nó sẽ làm cho thị trường truyền hình Việt Nam trở nên xấu thêm trong mắt giới kinh doanh quốc tế.

Người hâm mộ Việt Nam và nguy cơ không được xem World Cup 2018: Lửng lơ và đánh đố người xem ảnh 1 Người hâm mộ xem truyền hình trực tiếp bóng đá ngoài trời. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lý do chưa thuyết phục

Cho đến nay, VTV vẫn cho rằng họ không thể mua bằng mọi giá, bởi họ là đài truyền hình quảng bá, được phát miễn phí trên nhiều hạ tầng chứ không thu tiền trực tiếp từ thuê bao để có thể cân đối tài chính. Lý do này không thuyết phục được những người trong ngành.

Đại diện của một hệ thống truyền hình trả tiền (PayTV) xin phép giấu tên, cho chúng tôi biết: “Với số lượng thuê bao hiện có, thì không một PayTV nào đủ sức bỏ ra 10-15 triệu USD để mua bản quyền phát sóng trong 1 tháng, vì chắc chắn không thể phát triển số thuê bao để bù đắp chi phí trong khoảng thời gian như vậy. Nhưng VTV thì khác. Họ có nguồn thu quảng cáo dồi dào và quen thuộc. Cho dù số tiền thu về từ quảng cáo chưa đủ để bù lỗ thì VTV vẫn có lợi ích dài hạn hơn, đó là thu hút người xem trên các kênh mới của họ như VTV6”.

Cũng theo vị này, với tiêu chí “phục vụ khán giả” thì hàng năm, những kênh như VTV6 cũng phải xây dựng hàng chục chương trình để thu hút người xem, qua đó có nguồn thu quảng cáo mà không một đài PayTV nào có thể so sánh được. Nếu trước đây, VTV3 cũng sử dụng việc truyền trực tiếp bóng đá để phát triển thành kênh giải trí hàng đầu như hiện nay, thì việc các kênh mới như VTV6 có mua BQTH cũng là cách để giúp VTV có thêm doanh thu dài hạn chứ  đâu chỉ gói gọn trong 1 tháng World Cup. Tóm lại, xét về lâu dài, VTV vẫn có lợi chứ không hề thiệt hại về tài chính.

Trong khi đó, với giới kinh doanh quảng cáo, mỗi sự kiện như World Cup, EURO có đến hơn 50 đơn vị tham gia quảng cáo. Ngân sách nhiều đơn vị có thể lên đến chục tỷ đồng cho 1 tháng World Cup nên nguồn thu của VTV có thể đạt đến vài trăm tỷ đồng. Nếu phải bù lỗ, đó cũng không phải là con số nằm ngoài năng lực tài chính của một đài truyền hình quốc gia. Đấy là chưa nói đến mục đích “phục vụ khán giả” như họ vẫn luôn đưa ra để giải thích cho việc mua bản quyền.

Khi World Cup chỉ còn hơn 1 tuần nữa là bắt đầu, có thể nói dù có hay không có BQTH thì rõ ràng thị trường truyền hình phục vụ lẫn trả tiền của Việt Nam đã bị một cú “đá phản lưới nhà”, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Thứ nhất, nếu có BQTH thì đã rất trễ. Nguồn thu quảng cáo sẽ giảm ít nhất 30% do các doanh nghiệp phải điều chuyển ngân sách cho các hoạt động bổ sung vì sự chậm trễ này. Thế nên dù BQTH có được giảm giá chưa chắc mức giảm đã bù cho thiệt hại về nguồn thu.

Thứ hai, nếu đối tác kiên quyết không giảm giá và VTV cũng không mua, thì đây sẽ là tiền lệ rất xấu cho các hoạt động mua - bán BQTH sắp tới. Rõ ràng, thị trường truyền hình Việt Nam dù rất tiềm năng nhưng lại khá rủi ro, càng khiến cho những nhà kinh doanh nước ngoài khắt khe hơn khi đàm phán.

Cuối cùng, như đã từng đề cập, VTV không mua thì không mất tiền, đối tác không bán cũng chưa hẳn đã lỗ, thiệt hại lớn nhất vẫn là NHM và thị trường truyền hình Việt Nam.

Không VTV vẫn có World Cup

Đã có nhiều thông tin cho biết K+ sẽ vẫn phát sóng World Cup dù VTV không mua được bản quyền. Thông qua công ty mẹ Canal Plus, K+ sẽ được chia sẻ bản quyền, có thể dưới hình thức “sóng không sạch” như trường hợp VTV mua trực tiếp. Dù phủ nhận chuyện thay thế VTV mua bản quyền nhưng theo các thông báo phát đi từ K+ đến những khách hàng của mình, trên hệ thống của họ vẫn sẽ có World Cup nhưng chưa biết nguồn tín hiệu đến từ VTV hay từ đâu?

VTV không mua bản quyền truyền hình bằng mọi giá. Để trả lời những lời đồn đại về chuyện có hay chưa việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2018, lãnh đạo VTV đã có thông báo về việc này vào trưa 5-6. Qua đó, sau thời gian đàm phán, phía VTV cho biết vẫn chưa thể nắm trong tay bản quyền truyền hình của World Cup 2018.

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết: “Trong vấn đề đàm phán, vướng mắc lớn nhất chính là giá cả. Giá cả từ phía ISM (công ty phân phối) đưa ra quá cao so với khả năng tài chính của VTV. Quan điểm của VTV là nỗ lực mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 để phục vụ người dân cả nước, tuy nhiên, sẽ không bằng mọi giá phải mua bản quyền mà chỉ mua với mức giá phù hợp với khả năng tài chính”. Như vậy, mọi chuyện vẫn còn tiếp tục chờ.

Tin cùng chuyên mục