Người đi ngược nắng

Năm 1997, futsal đã có mặt tại Việt Nam. Khi đó, môn chơi này còn mang tên bóng đá 5s để chỉ việc thi đấu với 5 người trên sân và chơi theo luật riêng. Cho đến đầu những năm 2000, futsal liên tục có những giải đấu quốc gia, quốc tế tạo được không khí sôi nổi.
Đội trưởng Văn Vũ trước tình huống áp sát từ cầu thủ Nga tại futsal World Cup 2021
Đội trưởng Văn Vũ trước tình huống áp sát từ cầu thủ Nga tại futsal World Cup 2021

Nhưng thay vì phát triển, bộ môn 5s chuyển dần sang phong trào, thậm chí có lúc còn bị xem là một nhánh của bóng đá phủi. Người ta hình dung futsal là biến thể của môn bóng đá 7 người sân cỏ thành 5 người đá sân trong nhà. Futsal vì thế phát triển mạnh ở phía Bắc, nơi hệ thống “bóng đá phủi” hoạt động nhộn nhịp hơn phía Nam.

Đến khoảng thời gian 2005-2007, futsal hầu như không còn được nhắc đến. Thậm chí còn xuất hiện các sự cố liên quan đến tiêu cực, bạo lực khiến cho hình ảnh của môn chơi này sa sút nghiêm trọng, cho đến khi ông Trần Anh Tú xuất hiện. Có một sự trùng hợp thú vị, đó là người mang bóng đá 5s về Việt Nam cũng là họ Trần, là ông Trần Văn Nghĩa, một chuyên gia về… bóng ném, bóng chuyền và tiếp thị thể thao. 

Công sức của ông Nghĩa tưởng đổ sông đổ biển, nhưng đã được “bầu” Tú gầy dựng lại. Điều đáng ngạc nhiên, đó là ông Tú xuất thân từ ngạch kỹ thuật quân sự, chuyển sang kinh doanh thiết bị điện, rất mê bóng đá, nhưng lại khởi đầu bằng futsal. Những ngày đầu tiên khi thành lập đội bóng Thái Sơn Nam, ông Tú đã lên kế hoạch thuê nhà thi đấu quận 8 để làm “căn cứ” cho đội bóng. Có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”, ông Tú bắt đầu chi tiền để nâng cấp trang thiết bị chuyên dụng phục vụ futsal, đáp ứng mọi yêu cầu từ các chuyên gia nước ngoài được ông thuê sang giúp thay đổi hoàn toàn trình độ của futsal Việt Nam.

Phải ở trong thời điểm đó, mới thấy sự liều lĩnh của ông chủ Thái Sơn Nam. Futsal là một nội dung thi đấu có tính đặc thù, từ kỹ thuật cho đến trang thiết bị. Nếu không đầu tư ngay từ đầu thì việc phát triển sẽ rất chậm. Vấn đề là phải có một khao khát lớn đến mức nào thì ông Trần Anh Tú mới mạnh dạn đưa futsal vào điểm xuất phát chuyên nghiệp ngay từ đầu. Bởi ở thời điểm đó, nói đến futsal, người ta chỉ hình dung đó là một dạng bóng đá phong trào, chỉ cần mang giày vải vào sân nhà thi đấu là đá được. Khó khăn kế tiếp, đó là hầu như không có một hệ thống thi đấu nội địa, do bản chất của các CLB futsal khi đó chỉ nằm ở mức phong trào. 

Đấy chính là một trong những điều đáng tiếc của futsal Việt Nam. Từ năm 1997, khi tổ chức giải vô địch quốc gia bóng đá 5 người đầu tiên của Việt Nam, ông Trần Văn Nghĩa đã bỏ tiền nhập hẳn một sàn thi đấu dành riêng cho futsal về lắp tại nhà thi đấu. Nghĩa là ngay từ đầu, chúng ta đã được tiếp cận với futsal chuyên nghiệp. Nhưng phải đến hơn 10 năm sau, những đột phá của ông Nghĩa mới được ông Tú tiếp nối và cuộc hành trình đầy mạo hiểm, vô cùng tốn kém đó đã thành công.

Công lao của ông Trần Anh Tú với futsal Việt Nam thì không cần phải bàn, nhưng cũng phải thấy rằng, có không ít người tin vào khả năng phát triển của bộ môn này trước và sau ông Tú để duy trì và phát triển futsal trong hơn 2 thập niên qua. Phải có những người dám đi ngược nắng như thế thì mới có những kỳ tích World Cup hôm nay cho futsal Việt. Thật đáng trân trọng! 

Tin cùng chuyên mục