Ngoại binh ở làng thể thao Việt

Giới bóng đá quen với ngoại binh ngót nghét 20 năm nay, nhưng ở những môn thể thao đỉnh cao khác như bóng rổ hay bóng chuyền, khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ suốt một thời gian dài. Chỉ đến khi sự xuất hiện của ngoại binh giúp chất lượng các trận đấu (và giải đấu) được nâng lên, khán giả đến xem đông hơn và tiền bán vé thu về nhiều hơn, người ta mới thấy giá trị của ngoại binh.
Các ngoại binh Lê Kim Nhung (Irina) và Vũ Maika (Katya) một thời của bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: P.NGUYỄN
Các ngoại binh Lê Kim Nhung (Irina) và Vũ Maika (Katya) một thời của bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: P.NGUYỄN

“Mở cửa” sau 10 năm

Sau nhiều lần “nâng lên, đặt xuống”, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhận định việc cho phép các VĐV nước ngoài được trở lại thi đấu bắt đầu từ giải vô địch quốc gia 2022 là cần thiết. Điều đó, theo nhận định của ông Lê Trí Trường (Tổng Thư ký VFV), sẽ “giúp cải thiện chất lượng của nhiều trận đấu đang có chiều hướng thụt lùi. Chưa kể, ngoại binh xuất hiện sẽ khiến thị trường chuyển nhượng trong nước giảm nhiệt, bớt đi chuyện nâng giá vô tội vạ, giảm tình trạng chèo kéo VĐV đội khác…”.

Cái được nữa, theo ông Trường, trình độ chuyên môn cao của các ngoại binh (Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Brazil, Argentina, Cuba…) sẽ giúp bóng chuyền Việt Nam tạo ra được “sản phẩm” chất lượng thực sự để kéo người hâm mộ đến nhà thi đấu, tiến dần đến chuyện bán bản quyền truyền hình các giải đấu do VFV quản lý.

“Lần này sẽ khác, VFV sẽ tham gia với vai trò rõ rệt hơn, để vừa giúp quản lý các hoạt động của bóng chuyền, vừa kiểm soát thị trường chuyển nhượng ngoại binh, ngăn chặn việc tranh chấp và phá giá. Mỗi đội bóng được thuê 2 ngoại binh, nhưng chỉ 1 VĐV được thi đấu trong sân, vì dù sao thì chúng ta vẫn phải tạo điều kiện cho VĐV trong nước phát triển, cho các VĐV trẻ học hỏi và tiến bộ nữa”.
Tổng Thư ký VFV LÊ TRÍ TRƯỜNG

Hơn 10 năm trước, sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam từng chào đón rất nhiều ngoại binh của Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Myanmar đến thử sức. Thậm chí, nhiều người trong số họ đã nhập quốc tịch Việt Nam và thi đấu như một nội binh, chẳng hạn như các chủ công: Đinh Hoàng Chai (tên Thái Lan là Supachai), Nguyễn Văn Đa (tên tiếng Thái là Kitsada) của CLB nam Tràng An Ninh Bình, hoặc Lê Kim Nhung (tên tiếng Nga là Irina Meliakova), Vũ Maika (tên tiếng Nga là Katya Martynova) của CLB nữ Vietsov Petro (đã giải thể).

Không khí bóng chuyền khi đó rất sôi nổi, nhưng việc giành giật ngoại binh và “thổi giá” chuyển nhượng giữa các đội bóng khiến làng bóng chuyền hỗn loạn, công tác đào tạo VĐV trẻ bị kìm hãm và ngưng trệ buộc giới chức VFV phải đi đến quyết định cấm sử dụng ngoại binh ở hệ thống giải đấu chính quy.

Có điều, sau 10 năm vắng ngoại binh, công tác đào tạo VĐV trẻ của bóng chuyền Việt Nam vẫn không tiến bộ, sản sinh ra quá ít VĐV tài năng kiểu như Trần Thị Thanh Thúy, Bùi Thị Ngà, cho nên giới chức VFV muốn đưa ngoại binh trở lại, để xem đó như một giải pháp kích thích sự phát triển.

Nhộn nhịp “Tây” ở giải VBA

Giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) có lẽ là sân chơi sử dụng cầu thủ nước ngoài nhiều, chỉ thua kém bóng đá. Thậm chí, sự xuất hiện của các cầu thủ đến từ các giải nhà nghề Mỹ (NBA, NCAA) danh tiếng, hay từ giải nhà nghề châu Âu đã tạo nên một cơn sốt thực sự đối với người hâm mộ bóng rổ Việt Nam suốt từ khi nó ra đời (năm 2016) đến nay.

Ngoại binh ở làng thể thao Việt ảnh 1 Vincent Nguyễn (trái) là ngoại binh đa năng trong màu áo CLB Hochiminh City Wings. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các cầu thủ người Mỹ và cầu thủ Việt kiều chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của VBA, vì theo ông Đặng Hà Việt (Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam), lối đánh hiện đại, tư duy chiến thuật sắc sảo và tính chuyên nghiệp của các ngoại binh đã giúp người làm bóng rổ trong nước học tập, tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm quý giá cho sự phát triển về sau.

Mỗi đội bóng dự giải VBA đều có 2 suất ngoại binh, chủ yếu đến từ nước Mỹ, nơi có nền bóng rổ phát triển mạnh nhất thế giới. “Xu hướng sử dụng cầu thủ Mỹ lan tỏa khắp thế giới, chứ không riêng tại Việt Nam. VBA đang đi theo mô hình của giải NBA danh tiếng ở Mỹ, nên sử dụng chính những cầu thủ từng chơi bóng tại Mỹ sẽ giúp các CLB của Việt Nam tiếp cận với bóng rổ hiện đại và tính chuyên nghiệp”, ông Erik Olson (HLV trưởng CLB Hochiminh City Wings) cho biết.

Đội bóng rổ TPHCM mấy mùa vừa qua dựa rất nhiều vào phong độ của cầu thủ Việt kiều Vincent Nguyễn - người từng vô địch Siêu cúp bóng rổ Hà Lan - trong vai trò dẫn dắt lối chơi. Cầu thủ này hội tụ đủ những phẩm chất của một ngôi sao, vì anh vừa có thể ghi điểm, kiến tạo và “đầu mối” truyền tải chỉ đạo từ HLV Olsen đến các VĐV trên sân.

Ngay cả khi ở mùa bóng 2021, CLB Hochiminh City Wings chiêu mộ thêm 2 ngoại binh Makinde London và Jeremy Smith từ các giải NCAA Division 1 và NBA G-League, thì Vincent Nguyễn vẫn được xem như “trái tim” của đội bóng TPHCM.

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy (CLB Bình Điền Long An) hiện là VĐV duy nhất của bóng chuyền Việt Nam đang thi đấu ở một giải nhà nghề (khoác áo CLB BlueCats tại giải vô địch Nhật Bản) với mức lương hơn 10.000 USD/tháng. Trước đây, bóng chuyền Việt Nam từng có các ngôi sao khác xuất ngoại như Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Kiên, Đỗ Thị Minh, Trần Thị Bích Thủy (thi đấu cho các CLB nữ tại Thái Lan), chủ công Ngô Văn Kiều từng thi đấu cho một đội bóng ở giải vô địch Indonesia.

Tin cùng chuyên mục