Nghĩ cho đơn giản

Đoàn Văn Hậu vẫn chưa được đá chính, Công Phượng lại không được đăng ký thi đấu. Những thông tin quen thuộc đó vẫn được nhiều nơi đăng tải, khiến người đọc từ chỗ tò mò đọc tin bắt đầu chuyển sang trạng thái khó chịu. Một số người tin rằng, đăng tải các thông tin kiểu như vậy vô tình tạo hiệu ứng xấu. Kiểu như mọi thứ đang bình thường, cứ nói đi nói lại, trở thành bất thường.

Vì sao Đoàn Văn Hậu không được ra sân? Đơn giản là vì hậu vệ trẻ của chúng ta chưa đủ chất lượng để đứng trong đội hình chính. Ở các CLB chuyên nghiệp, một vị trí luôn có 2-3 cầu thủ dự phòng. Văn Hậu có thể chỉ là lựa chọn số 3, chưa đến lượt anh được chọn, vậy thôi. Có đăng thông tin, có bất mãn vào mạng xã hội của CLB để phản đối hay nài nỉ, thì số 3 cũng không chuyển thành số 2 hay số 1 được.

Việc Công Phượng không ra sân thậm chí còn đơn giản hơn. Ngày đưa anh sang Bỉ, bầu Đức đã nói đó là “thắng lợi về thương mại”. Nghĩa là CLB của Bỉ trả lương đầy đủ cho Phượng, thì họ có quyền để Phượng ngồi ngoài. Họ có lãng phí tài năng hay không, có lẽ không cần “Dạy người giàu kiếm tiền”, hay đơn giản là Phượng chưa đủ tài năng để đá ở Bỉ. 

Mọi chuyện chỉ có vậy, nhưng dường như việc nghĩ cho mọi thứ đơn giản, thì không phải ai cũng làm được. Con đường thành công ở môi trường đỉnh cao như bóng đá châu Âu là cực kỳ khó khăn, thậm chí, hầu như không có tỷ lệ nào để dự báo. Việc đặt quá nhiều hy vọng khiến cho sự việc trở nên méo mó, không bình thường. Trong khi đó, thực tế thấy rõ là ngay ở đội tuyển quốc gia, chính HLV Park Hang-seo còn phải đau đầu để tìm nhân sự mới.

Ví dụ như sau 2 năm làm việc tại Việt Nam, ông Park không có trong tay một tiền đạo thực thụ nào. Ông buộc phải gọi lại Nguyễn Anh Đức, người hiện 35 tuổi và từng từ giã đội tuyển. Ông Park Hang-seo triệu tập cả Việt Phong, người ghi 1 bàn duy nhất tại V-League, và cả Công Phượng suốt 4 tháng không đá ở CLB. 

Một thời gian dài, bóng đá Việt không sản sinh nổi một tay săn bàn nên khi những Lê Công Vinh, Quang Hải, Việt Thắng… chia tay sân cỏ thì người cùng thế hệ là Anh Đức mới trở thành Vua phá lưới V-League 2017 ở tuổi 33. Ghi nhận nỗ lực bền bỉ của Anh Đức là một chuyện, nhưng cần phải báo động về sự thiếu hụt chân sút trong khâu đào tạo.

Có người lấy lý do sử dụng ngoại binh nên tiền đạo nội bị thui chột. Nhưng lấy ví dụ như Hà Đức Chinh, một trong những người được HLV Park Hang-seo kỳ vọng. Tiền đạo này sau 2 năm, kể từ giải U23 châu Á 2018 đến nay, vẫn chưa đủ năng lực để được chơi ở đội tuyển quốc gia. Cứ cho là ở SHB Đà Nẵng, Đức Chinh không có cơ hội ra sân, nhưng ngay khi được ông Park Hang-seo ưu ái, thì tài nghệ của anh vẫn không phát triển, hiện phải cạnh tranh vị trí chính thức ở đội U22 với Tiến Linh. Vậy nhưng, người ta đã chỉ trích HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng  “trù dập” Đức Chinh, trong khi ở đội bóng này, tiền đạo nhập tịch Đỗ Merlo mới là người ghi bàn nhiều nhất để giúp SHB Đà Nẵng trụ hạng thành công. Nếu dùng Đức Chinh mà đội xuống hạng, ai chịu trách nhiệm? 

Những Văn Hậu, Công Phượng hay Đức Chinh đều là tài năng, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng hãy nghĩ đơn giản, là họ chưa đủ để vươn đến một đẳng cấp khác. Hãy để họ có thêm thời gian thay vì ngồi đếm từng ngày họ được thi đấu.

Tin cùng chuyên mục