Ngày phán quyết

Ngày mai 10-1, tay vợt Novak Djokovic sẽ đứng trước Tòa án tại Melbourne để tham dự phiên điều trần lý giải liệu anh có lý do chính đáng để nhập cảnh vào Australia hay không, và quyền miễn trừ y tế đặc biệt mà chính quyền bang Victoria cùng với Ban tổ chức giải Australian Open (Liên đoàn Quần vợt Australia) trao cho anh liệu có “hợp pháp” hay không? Djokovic đang đứng trước “Ngày phán quyết”.
Djokovic sẽ phải điều trần trước tòa vào ngày 10-1
Djokovic sẽ phải điều trần trước tòa vào ngày 10-1

Trong suốt sự nghiệp chơi quần vợt chuyên nghiệp dài 19 năm (từ năm 2003 đến nay), chưa bao giờ Djokovic phải đối diện với khoảnh khắc thế này. Nó khác hoàn toàn những thời khắc, cột mốc thời gian khác trong lịch sử trải nghiệm của tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia. Nó không giống như lần anh giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên (tại Australian Open 2008), cũng không giống lần anh vươn lên ngôi số 1 (ngày 4-7-2011), càng không phải thời điểm anh giành danh hiệu Grand Slam thứ 20.

Ngày mai, Djokovic sẽ phải đối mặt với “mối quan hệ nhân - quả” do chính anh tạo ra khi không lựa chọn tiêm ngừa vaccine Covid-19, và chấp nhận quyền miễn trừ y tế đặc biệt từ bang Victoria, khiến nhiều người dân Australia phẫn nộ, vì trong khi họ phải trải qua quãng thời gian cách ly, hạn chế chống dịch bệnh đầy khắc nghiệt suốt thời gian vừa qua như lẽ thường, lại có những người như Djokovic “đứng trên pháp luật”(!?).

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Djokovic luôn đối lập với Roger Federer và Rafael Nadal, dù có sự nghiệp vĩ đại tương tự (thậm chí có phần vượt hơn các đàn anh của mình). Tuy vậy, anh không ngần ngại trở thành “hiện thân của cái ác”, chấp nhận là “bản đối lập” với “2 đại hiệp” Federer và Nadal, vì chỉ muốn là chính bản thân mình, muốn đấu tranh cho những người yếu đuối và bảo vệ tôn nghiêm của đất nước Serbia.

Tuy vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hành động của Djokovic “không ổn”, gây ra tranh cãi và cả bất ổn trong xã hội. Ở những ngày đầu của dịch bệnh, anh từng tổ chức tour đấu giao hữu tại quê nhà, mời nhiều tay vợt nổi tiếng đến tham dự trong thời điểm nhiều nơi bắt đầu phải cách ly và hạn chế tiếp xúc xã hội, khiến họ mắc Covid-19 và chính bản thân anh cùng vợ - Jelena Djokovic, cũng dương tính với virus SARS-CoV-2.

Gần đây, việc Djokovic liên tục từ chối tiêm vaccine Covid-19 và từ chối tiết lộ tình trạng y tế của bản thân đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Trước thông tin Ban tổ chức giải Australian Open yêu cầu các tay vợt tham gia giải đấu đầu năm nay phải tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, cha của anh, ông Srdan Djokovic thậm chí còn “đe dọa” rằng, con ông sẽ từ bỏ không bảo vệ ngôi vô địch của giải đấu. Để rồi khi anh nhận được quyền miễn trừ y tế, sự nổi giận đã bùng phát ở Australia.

Djokovic làm đúng hay sai, tùy quan điểm của mỗi người. Anh cũng sẽ không bị trục xuất khỏi Australia nếu giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý vào ngày mai. Tuy vậy, dù thắng hay là thua, tay vợt người Serbia tiếp tục trở thành “biểu tượng xa mặt cách lòng” với giới mộ điệu quần vợt thế giới, những người luôn xem Federer và Nadal là hình mẫu của một quý ông chơi quần vợt, là đặc tính truyền thống và lịch sử của môn banh nỉ lừng danh này.

Tin cùng chuyên mục