Ngày hối hả của các tuyển thủ quốc gia

Để vào được “đại bản doanh” Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM và tận mắt chứng kiến các tuyển thủ quyền Anh, điền kinh, bơi lội… tập luyện bình thường trở lại sau vài tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi đã đăng ký với lãnh đạo trung tâm vài ngày trước, tuân thủ mọi yêu cầu phòng chống dịch…
Võ sĩ Nguyễn Văn Đương tập luyện cùng HLV Nguyễn Anh Dũng tại Trung tâm HLTTQG TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Võ sĩ Nguyễn Văn Đương tập luyện cùng HLV Nguyễn Anh Dũng tại Trung tâm HLTTQG TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thích nghi với điều kiện tập mới

Cái nắng nóng oi ả của buổi chiều tháng 11 không hề làm gián đoạn buổi tập được định sẵn cho “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh và các thành viên của đội tuyển bơi trẻ. Sân vận động (SVĐ) của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TPHCM chưa sửa chữa xong, đường chạy còn khá ngổn ngang thiết bị, nhưng Tú Chinh tự tìm cho mình một không gian vừa đủ để lắp đặt rào chạy khởi động, trước khi bước vào bài tập chính thiên về tốc độ.

Bắt đầu “cấm trại” tại trung tâm từ tháng 6, nhà vô địch Lê Tú Chinh thậm chí đã phải nhờ lãnh đạo trung tâm liên hệ để sang… tập ké bên SVĐ Dĩ An (Bình Dương) vài buổi/tuần. Thế nhưng, nói như Tú Chinh: “Như vậy vẫn còn may mắn chán, vì còn được ra sân tập, được đổ mồ hôi thay vì chỉ tập chay trong phòng”. 

Tú Chinh hào hứng chia sẻ thêm: “Năm nay, tôi chỉ mới được thi đấu ở một giải, giải vô địch quốc gia sắp diễn ra vào tháng 12 sẽ là giải thứ 2. Hy vọng tôi sẽ nhanh chóng lấy lại cảm giác thi đấu, sau đó là tập trung cải thiện những điểm yếu để chuẩn bị cho SEA Games, Asian Games”. Cũng theo Tú Chinh, trung tâm đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, hoạt động vui chơi giải trí sau những giờ tập luyện, nên các VĐV khi cấm trại ở đây cảm thấy rất thoải mái.

Suốt mấy tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, tại Trung tâm HLTTQG TPHCM, các đội tuyển đã sớm thực hiện quy định “cấm trại” và tập không ngừng nghỉ để chuẩn bị những mục tiêu thành tích trong năm 2021. Để bảo đảm mạch huấn luyện VĐV không bị ngắt quãng, thời gian qua, trung tâm đã nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe, vừa duy trì tập luyện. Trung tâm đã yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tất cả cùng luyện tập, ăn, ở tập trung, không được ra ngoài, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh, đồng thời hạn chế tối đa đón người bên ngoài vào đơn vị. Để tăng sức đề kháng cho các VĐV, thực đơn các bữa ăn theo chế độ dinh dưỡng của từng bộ môn cũng được chú trọng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM Phạm Thanh Tú, đội tuyển bơi lội đang tập huấn tại trung tâm đã lên đường đi tập huấn ở Hungary để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế tới đây.

Háo hức chờ giải đấu

Bước vào phòng tập của đội tuyển quyền Anh quốc gia, nghe tiếng hét “Hự!... Hạ!... Hây!...” vang lên hòa lẫn trong tiếng đấm bao cát bồm bộp của các võ sĩ cho thấy tinh thần quyết tâm cho những giải đấu sắp tới. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, rơi xuống cả sàn tập. Tất cả đều hiểu đã rất gần những giải đấu quốc tế quan trọng, trong đó có kỳ SEA Games 31 diễn ra ngay trên sân nhà của Việt Nam.

Ngày hối hả của các tuyển thủ quốc gia ảnh 1 VĐV Lê Tú Chinh tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ông Nguyễn Anh Dũng, HLV đội tuyển quyền Anh quốc gia, cho biết: “Mỗi ngày, các VĐV sẽ có 2 buổi tập luyện: sáng từ 6 giờ - 8 giờ, chiều từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30. Các VĐV sẽ được tập các bài thể lực và chuyên môn như tập cơ bụng, nhảy dây, đấm bao, đấm gió, chia theo cặp để tập đối kháng… Do tình hình dịch bệnh nên năm nay các VĐV không thể tham gia thi đấu giao hữu hay đi tập huấn nước ngoài, khiến hạn chế cơ hội cọ xát chuyên môn. Sắp tới, giải vô địch quyền Anh toàn quốc diễn ra vào ngày 27-11 ở Bắc Ninh sẽ là cơ hội để các VĐV thể hiện trình độ sau khoảng thời gian dài tập và đấu chay với nhau”.

Giữa giờ giải lao, võ sĩ Nguyễn Văn Đương đã chia sẻ: “Sau khi dự Olympic Tokyo 2020, tôi phải trải qua thời gian giãn cách khá dài, nên khi mới quay lại tập luyện thể lực có phần giảm sút, phải mất một thời gian mới theo kịp nhịp độ của đồng đội. Trước mắt, tôi vẫn tập luyện theo giáo án do HLV đề ra, khắc phục những khuyết điểm trên sàn đấu để chuẩn bị cho giải vô địch toàn quốc sắp tới, sau đó nỗ lực hướng tới các giải đấu quan trọng như SEA Games 31 và Asiad 2022”.

Tại Trung tâm HLTTQG TPHCM, lực lượng võ sĩ gần như được quy tụ hết tại đây, ngoại trừ Trương Đình Hoàng và Nguyễn Thị Thu Nhi được ưu tiên tập huấn tại các CLB tư nhân theo hướng xã hội hóa. Tuy nhiên, trước thời điểm lên đường ra Hà Nội tham dự SEA Games 31 vào tháng 5 năm sau, tất cả các tuyển thủ sẽ tập trung hết ở “đại bản doanh” này.

Ngoài các đội tuyển quốc gia đang tập trung tại trung tâm, nhóm lực sĩ khuyết tật cũng được bố trí tập huấn chung và chờ ngày lên đường tham dự giải cử tạ khuyết tật vô địch thế giới 2021 diễn ra vào cuối tháng 11 này. Á quân Paralympic Lê Văn Công cho hay: “Sau Paralympic Tokyo 2020, chấn thương vai của tôi lại nặng hơn. Cách đây 10 ngày, tôi có tiêm bổ sung một mũi tế bào gốc để giúp giảm đau, cùng đó là điều trị vật lý trị liệu và tập luyện. Giải vô địch quốc gia sắp tới rất quan trọng, vì là vòng loại Paralympic Paris 2024 nên tôi muốn vượt qua nó và giành suất tham dự Paralympic Paris rồi sau đó chữa trị chấn thương tiếp”.

Theo ông Lê Quang Thái, HLV đội tuyển cử tạ người khuyết tật, để chuẩn bị cho giải thế giới sắp tới, lực sĩ Lê Văn Công duy trì luyện tập mức tạ 120-140kg và tránh tối đa bị chấn thương. Ban huấn luyện đã lên kế hoạch từng trọng lượng tạ, bài tập thể lực một cách hợp lý để Công giữ được cảm giác thi đấu cũng như tránh làm chấn thương nặng hơn. Mục tiêu mà ban huấn luyện và Lê Văn Công hướng đến tại giải vô địch thế giới sắp tới là vượt qua mức tạ 150kg.

Tin cùng chuyên mục