Nếu bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc rời giải, điều này không bất ngờ

Nhiều đồn đoán cho rằng đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc sẽ rút lui khỏi giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 khi cuộc đấu chưa khai màn dù cho địa phương Vĩnh Phúc là chủ nhà một bảng đấu. Nếu đó là sự thật, việc rút lui này sẽ không quá bất ngờ.

Bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc từng ra mắt hoành tráng nhưng do khó khăn kinh phí vào thời điểm hiện tại nên việc rút khỏi giải vô địch quốc gia 2022 đã được tính tới. Ảnh: I.T
Bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc từng ra mắt hoành tráng nhưng do khó khăn kinh phí vào thời điểm hiện tại nên việc rút khỏi giải vô địch quốc gia 2022 đã được tính tới. Ảnh: I.T

Trao đổi mới nhất cùng SGGP, HLV Nguyễn Trung Dũng của đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc cho biết “chúng tôi vẫn đang chờ những quyết định từ lãnh đạo của địa phương. Hiện tại, với kinh phí khó khăn, đội bóng chắc khó có thể thi đấu được ở giải vô địch quốc gia năm nay”.

Thực tế vào lúc này, đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc chỉ còn 14 cầu thủ trong đội hình và con số là đủ để đăng ký thi đấu. Tuy nhiên, lời chia sẻ rất thật từ ban huấn luyện của đội rằng những cầu thủ chất lượng nhất từng được thuê về thi đấu đã rời đi và người còn lại hiện nay chủ yếu cầu thủ trẻ chưa hoàn thiện đầy đủ kỹ thuật cơ bản. Vì thế, nếu ra thi đấu, khả năng đánh bóng của cầu thủ cũng như tinh thần tập thể rất khó ở phong độ cao nhất.

Một năm trước, bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc thăng hoa khi vô địch giải hạng A toàn quốc 2021 giành quyền lên chơi giải vô địch quốc gia 2022. Với sự hậu thuẫn từ nhà tài trợ Bamboo airways (một thương hiệu của tập đoàn FLC) thì đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc được cho là có nguồn lực tài chính mạnh, đồng thời ngay khi thăng hạng đã đặt mục tiêu đúng trong tốp 3 giải vô địch quốc gia 2022. Ngay sau khi vô địch giải hạng A năm 2021, đội bóng được nhà tài trợ thưởng hơn 2 tỷ đồng động viên.

Sau một năm, nhà tài trợ đã không còn đủ lực song hành cùng đội bóng. Bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc trở lại với thực tại là tồn tại hay không tồn tại phụ thuộc ở nguồn ngân sách dành cho thể thao của địa phương. Qua tìm hiểu, ban huấn luyện cùng các nhà quản lý trực tiếp của đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc đã trình những kế hoạch và vẫn chờ quyết định sẽ được cấp kinh phí từ địa phương hay không.

Một khi bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc không còn tồn tại, điều này sẽ không quá bất ngờ. Trong lịch sử, bóng chuyền Việt Nam đã chứng kiến nhiều đội bóng đã giải thể khi mà các nguồn xã hội hóa không thể đồng hành tới cùng.

Một minh chứng rõ nhất và cũng được xem là lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam là đội Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương. Đội bóng tồn tại vỏn vẹn 3 năm, từng đấu giải vô địch quốc gia, sau đó bị giải thế. Năm 2011, đội bóng này ra đời và thuê HLV Trần Minh Khang huấn luyện rồi vô địch hạng A toàn quốc, lên chơi vô địch quốc gia. Một năm sau, gặp khó khăn về kinh phí, đội bóng đổi tên thành Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương do tìm được nguồn tài trợ. Nhưng cũng tiếp theo một năm, đội bóng tưởng chừng có thể sáp nhập với nữ Vietsovpetro tuy nhiên do không còn chủ trương đầu tư vào thể thao từ các công ty của ngành dầu khí thì đến đầu năm 2015, đội bóng của HLV Trần Minh Khang chính thức giải thể.

Về nam, ở những năm gần đây nhất, việc giải thể nhà cựu vô địch quốc gia Đức Long Gia Lai là ví dụ rất cụ thể ở câu chuyện bóng chuyền muốn tồn tại phải có đủ lực tài chính bằng không rất khó trụ vững.

Câu chuyện của nữ Vĩnh Phúc thì người trong giới chuyên môn thấy rất rõ trước đây qua sự tồn tại của đội nữ Hòa Phát- Hưng Yên trước đây. Khi có tài trợ, nữ Hưng Yên từng đặt mục tiêu lên chơi vô địch quốc gia và lọt vào tốp đầu. Tuy nhiên, khi không còn nhà tài trợ, giờ bóng chuyền nữ Hưng Yên phải địa phương quản lý và tồn tại phù hợp với giải đấu hạng dưới thay vì lên sân chơi vượt tầm là vô địch quốc gia.

Để duy trì một đội bóng chuyền thi đấu tại giải vô địch quốc gia, nguồn quỹ của một đội bóng tiêu tốn không dưới 5 tỷ đồng/năm. Bởi các yếu tố về di chuyển, tập luyện, sân bãi, lương thưởng cho cầu thủ là chi phí không thể không có. Chưa kể, đội bóng còn phải có nguồn kinh phí quan trọng khác ngoài khoản trên để đào tạo tuyến VĐV trẻ, tuyến năng khiếu. Do vậy, một thực tế của làng bóng chuyền được nhiều người ở chuyên môn thấy rõ là không phải đơn vị nào cũng mặn mà tranh suất lên chơi giải vô địch quốc gia. Nếu có mặt ở vô địch quốc gia, việc đầu tư kinh phí không ít. Thế nên, nhiều đội không có kinh phí mạnh đều hài lòng ở việc duy trì, chơi ở sân chơi hạng A toàn quốc.

Bây giờ, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đưa trở lại yếu tố ngoại binh thi đấu cả giải hạng A và vô địch quốc gia. Một số đội bóng nhà nghèo đang rơi vào thế khó vì không thể ngồi yên khi thấy các đối thủ thuê ngoại binh trong khi mình không đủ kinh phí chuyển nhượng dù muốn...bằng bạn bằng bè.

Qua tìm hiểu, đội nữ Vĩnh Phúc đã đề đạt ý định rời giải vô địch quốc gia 2022 tới Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và chờ quyết định cuối cùng. “Gần như 99% đội bóng sẽ không đủ lực để đấu giải năm nay”, một thành viên ban huấn luyện đội Vĩnh Phúc tiết lộ.

Khi nữ Vĩnh Phúc gặp khó do nhà tài trợ trực tiếp không còn đủ tiềm lực, một đội khác ít nhiều cũng ảnh hưởng là nữ Bộ tư lệnh Thông tin. Đây là đội bóng có cùng nhà tài trợ như nữ Vĩnh Phúc ở mùa giải 2021. Năm ngoái, đội nữ Bộ tư lệnh Thông tin ra mắt nhà tài trợ mới với gói kéo dài 5 năm, riêng năm 2021 được nhận 20 tỷ đồng (15 tỷ tiền năm, 5 tỷ bằng hiện vật). Hiện tại, Bộ tư lệnh Thông tin đang là đương kim vô địch quốc gia giải nữ.

Tin cùng chuyên mục