Năm thăng trầm của thể thao Việt Nam

Một năm đã đi qua và nhìn lại suốt 12 tháng, thể thao Việt Nam đã có không ít thăng trầm trong các hoạt động của mình. Ở đó, những người làm thể thao nước nhà vẫn chưa thể cải thiện được nhiều kết quả bởi sự ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 là quá lớn....

Thể thao Việt Nam đã có không ít thăng trầm trong năm 2021.
Thể thao Việt Nam đã có không ít thăng trầm trong năm 2021.

Bước ngoặt lớn khi hủy V-League 2021, dời thời điểm tổ chức SEA Games 31

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 23-9, Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định dừng và không tiếp tục tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2021 (V-League 2021) từ lượt trận thứ 13. Ngoài V-League 2021, giải hạng Nhất quốc gia 2021 và Cúp quốc gia 2021 cũng hủy. Quyết định hủy giải đấu là sự kiện lần đầu trong lịch sử làng bóng đá Việt Nam tuy nhiên, đại diện các đội bóng đều đồng ý với phương án này bởi dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động thể thao phải dừng lại. Khi dừng giải đấu, ban tổ chức V-League 2021 không công nhận các danh hiệu cá nhân, tập thể theo điều lệ quy định cũng như không có suất lên, xuống hạng ở năm nay.

Một bước ngoặt quan trọng không kém sự kiện trên chính là việc chủ nhà Việt Nam đã đồng ý dời lịch tổ chức SEA Games 31 sang tháng 5-2022 thay vì diễn ra vào tháng 12 năm 2021 như dự kiến. Yếu tố dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính khiến kế hoạch tổ chức SEA Games 31 phải thay đổi và Việt Nam nhận được sự đồng tình từ các quốc gia tại Đông Nam Á trong các cuộc họp trực tuyến của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á khi đưa phương án trên.

Tuy nhiên, không vì thế mà công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 chậm tiến độ. Bộ VH-TT-DL cùng Tổng cục TDTT vẫn thực hiện giám sát việc nâng cấp, sửa chữa các công trình chuẩn bị cho SEA Games 31 thời điểm này, trong đó có nhóm cụm công trình thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia (Mỹ Đình – Hà Nội), trường bắn súng quốc gia tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, nhà thi đấu tại Trường đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), khu trường đua xe đạp tại Hòa Bình...

Tới lúc này, thời gian ấn định tổ chức SEA Games 31 sẽ từ ngày 12 tới 23-5-2022 và điểm diễn ra chính tại Hà Nội. Ngoài ra, một số địa điểm thi đấu phụ trợ sẽ tổ chức ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang. Ban tổ chức SEA Games 31 đã công bố lịch thi đấu chính thức của SEA Games 31 với 40 môn và 525 nội dung tranh tài. 

Năm thăng trầm của thể thao Việt Nam ảnh 1 Hoàng Xuân Vinh thất bại Olympic.

Hoàng Xuân Vinh thất bại Olympic và Ánh Viên xin rời tuyển quốc gia

Để chuẩn bị cho SEA Games 31, tất cả các đội tuyển thể thao quốc gia đều được tập luyện tập trung từ đầu năm 2021. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các Trung tâm HLTTQG đã thực hiện cấm trại để HLV, VĐV tránh tiếp xúc bên ngoài. HLV, VĐV của nhiều đội tuyển được tiêm vaccine phòng Covid-19 theo quy định.

Dù thế, thể thao Việt Nam ở năm 2021 vẫn có đoàn tham dự đấu trường danh giá nhất thế giới là Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020. Chúng ta đã có 18 tuyển thủ góp mặt ở 11 môn thể thao. Đáng tiếc, đoàn Việt Nam thất bại không giành được kết quả huy chương. Trong thi đấu Olympic tại Tokyo, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) bị loại tại nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi dù góp mặt với tư cách là đương kim vô địch. Hai niềm hy vọng huy chương là Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên ở môn cử tạ thất bại. Gương mặt sáng giá Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu không hiệu quả tại Olympic Tokyo. Kết quả tốt nhất của đoàn chỉ là suất bán kết nội dung 400m của tuyển thủ điền kinh Quách Thị Lan.

Sau Olympic, vào tháng 10, kình ngư nữ số 1 Việt Nam là Nguyễn Thị Ánh Viên đã nộp đơn xin thôi tập trung đội tuyển quốc gia để trở lại đơn vị Quân đội và tập luyện ở Cần Thơ. Quyết định của Ánh Viên khiến mọi người bất ngờ tuy nhiên, sau cuộc làm việc giữa các đơn vị quản lý, Ánh Viên được chấp nhận nguyện vọng. Hiện tại, cô không còn là tuyển thủ quốc gia.

Năm thăng trầm của thể thao Việt Nam ảnh 2 Đoàn Việt Nam thất bại không giành được kết quả huy chương Olympic.

Võ thuật tạo dấu ấn thăng hoa

Diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam không thể tập huấn, thi đấu giải quốc tế, nhiều đội tuyển lỡ cơ hội dự vòng loại tranh vé Olympic Tokyo 2020. Mặc dù vậy, ở năm thi đấu 2021, các VĐV võ thuật vẫn kịp giành nhiều kết quả khích lệ là HCV thế giới, châu Á hay danh hiệu vô địch quốc tế đáng trân trọng.

Điểm nhấn là đai vô địch WBO thế giới hạng ruồi của nữ võ sĩ quyền Anh Nguyễn Thị Thu Nhi sau khi thượng đài thắng đối thủ Nhật Bản Etsuko Tada và giành chiến thắng (tháng 10). Đai vô địch WBO thế giới của Thu Nhi là thắng lợi đầu tiên mà 1 tay đấm quyền Anh của Việt Nam từng có được về danh hiệu thế giới. Trong thành tích này, giới chuyên môn đánh giá cao nỗ lực của Thu Nhi nhưng ghi nhận sự thành công bắt nguồn từ việc VĐV được tập luyện phát triển chuyên môn bằng nguồn xã hội hóa của CLB quyền Anh chuyên nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Ngoài kết quả trên, đội tuyển taekwondo giành HCV châu Á 2021 (Trương Thị Kim Tuyền), karate giành 3 HCV châu Á 2021 (đồng đội kumite nữ, Hoàng Thị Mỹ Tâm (HCV hạng 55kg nhóm tuổi U21, vô địch  hệ đội tuyển)); jui-jitsu giành 2 HCV thế giới (Đặng Thị Huyền, Phùng Thị Huệ), muay giành 2 HCV thế giới (Huỳnh Hữu Hiếu, Bàng Thị Mai)

Sự ra đi của cây đại thụ

Năm 2021, ngành thể thao Việt Nam đón nhận tin buồn khi Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới – ông Hoàng Vĩnh Giang đã qua đời ở tuổi 76. Không chỉ là một VĐV khi còn trẻ, cố Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang còn là một nhà quản lý thể thao để lại nhiều dấu ấn với thể thao thủ đô Hà Nội và thể thao Việt Nam nói chung. Trong sự nghiệp của mình, ông Hoàng Vĩnh Giang từng giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban Olympic châu Á và là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam trong nhiều đại hội thể thao quốc tế.  

Năm 2021, thế thao Việt Nam còn có kết quả đáng khích lệ như việc đội tuyển bóng đá nam Việt Nam lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, nằm cùng bảng đấu với đội tuyển Saudi Arab, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Oman. Chúng ta chưa có được điểm nào trong các lượt trận đã thi đấu, tuy nhiên, đội tuyển lọt tới vòng loại thứ 3 World Cup đã là thành tích lịch sử. Ngoài ra, đội tuyển bóng đá nam trong nhà (futsal) Việt Nam đã dự giải vô địch thế giới 2021 (tháng 9 ở Lithuania). Việt Nam đã vượt qua vòng bảng và lọt vào lượt đấu trực tiếp với tư cách là 1 trong những đội hạng 3 có kết quả tốt nhất nhưng sau đó đã dừng bước tại vòng 1/16 khi thua 2-3 trước Nga. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã dành nhiều khen ngợi với đội futsal Việt Nam qua kết quả giải đấu.

Năm nay, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận khi lực sĩ Lê Văn Công giành tấm huy chương duy nhất - HCB tại hạng 49kg ở Paralympic Tokyo (Nhật Bản) 2020. Cách đó 4 năm, Lê Văn Công từng giành HCV ở hạng cân khi thi đấu Paralympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016. Sau thành công trên, vào tháng 11, Lê Văn Công tiếp tục giành HCB nội dung khi dự giải cử tạ người khuyết tật vô địch thế giwois 2021 tại Georgia.

Tin cùng chuyên mục