Mục tiêu nào cho ASIAD 2022

Thể thao Việt Nam cùng các quốc gia trong châu lục đã nắm được thời điểm của Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19-2022 (tổ chức từ 23-9 tới 8-10 năm 2023) sau khi Hội đồng Olympic châu Á (OCA) thông tin chính thức. Chúng ta vẫn đặt mục tiêu khiêm tốn về số HCV với đấu trường này.

Đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 18-2018 đã có 5 tấm HCV quan trọng nhưng sau bốn năm, ai sẽ là những tuyển thủ tiếp theo làm nên thành công? Ảnh: TCTDTT
Đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 18-2018 đã có 5 tấm HCV quan trọng nhưng sau bốn năm, ai sẽ là những tuyển thủ tiếp theo làm nên thành công? Ảnh: TCTDTT

Bốn năm trước, thể thao Việt Nam đã giành 5 HCV ở các môn pencak silat (2 chiếc), điền kinh (2), đua thuyền rowing (1). Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã chia sẻ rất cụ thể trong lần trao đổi trước đây rằng với thể thao, mỗi một năm là có một sự biến động về chuyên môn do đó sau 4 năm sự biến động càng nhiều hơn. Vì thế, chúng ta phải tìm và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả để nhắm vào nội dung mà mình nắm chắc cơ hội chiến thắng thì mới thành công chứ không thể lấy từ kết quả trước để so sánh với kết quả sau.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn từng trao đổi rất thẳng thắn “chuyến công tác của tôi tới Hungary trong thời điểm đội tuyển bơi Việt Nam dự giải vô địch thế giới 2022 vừa qua với mục đích làm việc cùng Ủy ban Olympic và lãnh đạo thể thao nước bạn, qua đó kết hợp tập trung huấn luyện tối đa cho mũi nhọn mà chúng ta nhắm cho kết quả ASIAD lần 9-2022 là Nguyễn Huy Hoàng”. Bơi Việt Nam đang có 4 gương mặt tập huấn dài hạn tại Hungary gồm em trai cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Ánh Viên là Nguyễn Quang Thuấn; Trần Hưng Nguyên; Phạm Thanh Bảo và Nguyễn Huy Hoàng. Cả 4 người họ là các ngôi sao thi đấu hiệu quả tại SEA Games 31. Tuy nhiên, đấu trường ASIAD hoàn toàn không dễ giành huy chương như SEA Games.

Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam là những nền thể thao của Đông Nam Á từng có huy chương môn bơi tại ASIAD. Chúng ta lần đầu có huy chương bơi lội tại Đại hội này là kỳ thi đấu năm 2014 tại Hàn Quốc qua kết quả 2 HCĐ của Nguyễn Thị Ánh Viên (400m hỗn hợp cá nhân, 200m ngửa). Nguyễn Huy Hoàng là người nối tiếp thành tích khi giành cú đúp huy chương tại kỳ ASIAD 18-2018 ở 4 năm trước trong các nội dung 1500m tự do (đạt HCB) và 800m tự do (HCĐ). Đại diện bộ môn bơi (Tổng cục TDTT) từng chia sẻ, “giành huy chương ASIAD là có cơ hội nhưng chúng ta chỉ có thể nhắm ở nội dung nhất định bởi với khả năng chuyên môn của những tuyển thủ tốt nhất thì đấu trường này vẫn là một thách thức về thành tích. Tuy nhiên, chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ đoạt HCV”.

Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2045 đang được ngành thể thao biên soạn và sẽ là một trong những cơ sở để đầu tư tìm cơ hội vươn tầm ra khu vực và thế giới chứ không thể mãi trong đấu trường SEA Games.

Giành được 205 HCV trên sân nhà tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã có một kết quả hồ hởi và làm nức lòng người hâm mộ. Nhà quản lý tại Tổng cục TDTT cũng nhìn thẳng vào vấn đề rằng trong 205 tấm HCV ấy, gần như khó tìm được nhiều tuyển thủ chắc chắn giành được HCV nếu thi đấu ASIAD 19-2022. Chọn VĐV nào, nhắm thành tích huy chương ở môn nào là bài toán không dễ vì sự đầu tư phải đi đồng bộ từ thực lực VĐV cho tới các chế độ tập luyện, dinh dưỡng và khả năng cọ xát tăng cường thi đấu. “Chúng ta đặt kỳ vọng giành từ 3 tới 5 tấm HCV tại ASIAD 19-2022 và mục tiêu này cũng là rất cao rồi. Ngành thể thao đang có sự chuẩn bị để tập trung những con người tốt nhất thực hiện các chương trình đầu tư. Quan trọng nhất vẫn phải là có nguồn lực về vật chất thì mới hiệu quả”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định với báo giới trong buổi họp khi kết thúc thi đấu SEA Games 31 (ngày 22-5).

Tin cùng chuyên mục