Monte Carlo Masters: Djokovic biết bí chiêu của Nadal, bắt đầu “tập 1” chinh phục Roland Garros

Nếu như Rafael Nadal nhắm mục tiêu đăng quang ngôi vô địch thứ 12 ở Monte Carlo Masters, thì Novak Djokovic cũng có mục tiêu của riêng mình ở CLB đồng quê Monte Carlo, đó là chơi thật tốt, hoặc giành lấy danh hiệu thứ 4, hoặc từng bước xây dựng một phong độ đảm bảo để nhắm đến mục tiêu tối thượng ở mùa giải sân đất nện năm nay – chinh phục Roland Garros.

Novak Djokovic
Novak Djokovic

Monte Carlo Masters là “tập 1” cho cuộc chinh phục Roland Garros

Sau ngôi vô địch Australian Open 2019, “Nhà vua ATP” đang có một phong độ không tốt. Anh bị loại ở vòng 2 của Indian Wells (thua tay vợt gạo cội người Đức Philipp Kohlschreiber sau 2 ván đấu), sau đó tiếp tục để thua trước Roberto Bautista Agut ở vòng 3 của Miami Masters sau 3 ván đấu (Bautista cũng từng thắng Djokovic ở bán kết giải đấu khai mùa là Qatar Open).

Tuy vậy, giai đoạn mùa Xuân của mùa giải sân cứng đã khép lại, mùa giải sân đất nện đã trải dài ra trước mắt. Đây là lúc để Djokovic gạt bỏ ra khỏi đầu óc các trận thua trước Kohlschreiber, và trước Bautista để tập trung cho mục tiêu “tối thượng” tiếp theo – đăng quang ở French Open, “bảo toàn” cho tham vọng giành cả 4 danh hiệu Grand Slam ngay trong mùa giải năm nay.

Đăng quang ở French Open – Roland Garros, còn có ý nghĩa đáng nhớ khác, đây sẽ là lần thứ 2 liên tiếp trong sự nghiệp, Djokovic sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng 1 lúc, “chiến công” mà anh từng đạt được ở French Open 2016, trước khi lâm vào cuộc khủng hoảng cùng cực. Nếu làm được điều này, Djokovic sẽ từng bước qua mặt cả huyền thoại Rod Laver.

Tuy nhiên, trước mắt của Nole, đang là Monte Carlo Masters, chứ chưa phải Roland Garros. Để đi đến cùng trong cái mục tiêu “tối thượng” này, anh cần xây dựng phong độ, và niềm tin ở giải Masters 1.000 đầu tiên trên mặt sân đất nện. Nếu Djokovic có thể đăng quang ngôi vô địch, thậm chí đánh bại Rafael Nadal trong trận đấu chung kết, sẽ là rất tuyệt vời.

Nhưng nếu chưa thể làm điều đó, thì việc lọt đến trận chung kết đầy duyên nợ để chống lại tay vợt người Tây Ban Nha, xem như cũng là một thành công với tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia.

Nhưng cũng như Nadal, Djokovic có một nhánh thăm không hề dễ dàng. Ngay ở vòng 2, anh sẽ phải đấu với người thắng trong cặp đấu giữa Thanasi Kokkinakis và Kohlschreiber. Kokkinakis là tài năng rất trẻ của quần vợt Australia, người được kỳ vọng sẽ trở thành một “tài năng tử tế” qua mặt 2 “đàn anh” quá nhiều tai tiếng là Nick Kyrgios và Bernard Tomic.

Trong khi đó tay vợt người Đức Kohlschreiber là người từng thắng Djokovic ở Indian Wells. Cả 2 đều không phải là đối thủ “quá dễ dàng” dành cho “Nhà vua ATP”. Anh phải cận thận ngay từ nước đi đầu tiên.

Ở vòng 3, Djokovic có thể sẽ đấu với Jo-Wilfried Tsonga (Pháp) hoặc Kyle Edmund (tay vợt số 1 của làng quần vợt Anh quốc). Đối thủ ở tứ kết của anh, rất có thể sẽ là “cao thủ của Next Gen” – Stefanos Tsitsipas hoặc “tay súng trẻ người Nga” Daniil Medvedev.

Ở bán kết, nhiều khả năng anh sẽ đụng độ với “Hoàng tử sân đất nện” Dominic Thiem – người duy nhất đánh bại Nadal ở 2 mùa giải sân đất nện gần đây. Nếu vượt qua được “chốt chặn đáng ngại” này, Djokovic có nhiều khả năng đấu với Nadal trong trận đấu chung kết. Đó sẽ là cuộc đối đầu thứ 54 giữa 2 bên.

Đã rõ về những “bí chiêu” của Nadal

Dù có thế nào, nên nhớ 1 điều, Nadal vẫn là “quyền lực tối thượng” trên mặt sân đất nện. Nhưng có vẻ như, phía Djokovic đã tìm ra được cách “khắc chế” Nadal. Theo Craig O'Shannessy – chuyên gia phân tích chiến thuật của đội Djokovic, điểm mạnh, điểm yếu của Nadal cả giao bóng lẫn trả giao bóng đã hiển hiện khá rõ.

Ông O'Shannessy phân tích: “Trong 4 năm trở lại đây, ở 5 giải đấu trên mặt sân đất nện (bao gồm Monte Carlo Masters, Barcelona Open, Rome Masters và Madrid Masters – cùng với French Open), Nadal có tỷ lệ thua khi cầm giao bóng lúc điểm số đang là 30-0 thấp đến mức… rất đáng kinh ngạc – chỉ thua 12 lần trong 424 game cầm giao bóng. Đó giống như là một kiểu lập trình, khiến mọi thứ càng khó khăn hơn cho đối thủ của Nadal. Mà anh rất dễ vượt lên dẫn 30-0 sau 2 điểm đầu tiên của game cầm giao bóng, hơn bất kỳ đối thủ nào khác”.

“Nadal cũng có tỷ lệ thắng điểm lạc quan khi cầm giao bóng lúc điểm số là 15-15, với tỷ lệ chiến thắng lên đến 83% (324/392 điểm). Ngay cả trong các tình thế hiểm nghèo khi cầm giao bóng và bị dẫn 0-30, Nadal vẫn tỷ lệ thắng ngược để hòa điểm lên đến 49%. Trong khi đó, Nadal cũng có tỷ lệ thắng điểm khi trả giao bóng lúc điểm số đang là 15-15 cực cao, lên đến 54% (67/123 điểm). Nghĩa là, game đấu dù chỉ mới bắt đầu, nhưng hiểm họa Nadal thắng break-point của đối thủ đã sớm hiện hữu. Mà để cho Nadal thắng break-point để vượt lên dẫn trước từ rất sớm, thì thắng ngược gần như là không thể. Do vậy, phải chơi táo bạo ngay từ đầu, giành lợi thế về điểm số từ sớm, mới có thể có được chiến công đánh bại Nadal”, ông O'Shannessy giải thích.

Chính chuyên gia O'Shannessy là người đứng sau chiến thắng “hủy diệt” chỉ sau 3 ván đấu của Djokovic trước Nadal ở trận chung kết Australian Open 2019, một chiến thắng từng được giới mộ điệu phân tích, phải là kết quả giữa 2 tay vợt có cách biệt hoàn toàn về đẳng cấp, chứ không phải là diễn biến giữa 2 tay vợt ngang tầm, cùng chung nhóm “bộ 3 quyền lực”, sở hữu hàng chục Grand Slam.

Tin cùng chuyên mục