Monica Puig - “Biểu tượng” mới của Puerto Rico

Thuần chất Mỹ Latinh

Xứ sở Mỹ Latinh vốn có rất nhiều người đẹp, đến từ các lĩnh vực ca hát, đóng phim, thời trang, thi hoa hậu… nhưng lại hiếm có được những người đẹp thật sự trong môn quần vợt. Đặc biệt, những tay vợt “vừa đẹp người, vừa tài năng” lại càng ít hơn. Những tên tuổi như Gabriela Sabatini, hay sau này Gisela Dulko (đều là người Argentina) vốn là “của hiếm” trong làng quần vợt nữ thế giới suốt bao năm qua. Nhưng giờ đây, với chiến thắng mang “ánh Vàng” ở Olympic Rio de Janeiro hồi mùa hè năm 2016, Monica Puig đã hiện thân như là một biểu tượng mới của nét đẹp Mỹ Latin trong làng quần vợt nữ thế giới…

Thuần chất Mỹ Latinh

Sinh ngày 27-9-1993 ở Hato Rey (San Jose, Puerto Rico), Monica Puig có thuần dòng màu Mỹ Latin chảy trong huyết quản. Cha cô, ông Jose Puig, là người Mỹ gốc Cuba nhưng ông bà nội lại là người Tây Ban Nha (Puig kể rằng, ông bà nội cô là người xứ Catalan, vì lẽ đó, cái họ Puig được phiên âm thành “POOTCH”, thay vì là “POO-IG” theo cách đọc tiếng Anh- Puig là họ có xuất xứ từ Catalan). Mẹ của cô, bà Astrid Machan, tay vợt nữ từng đứng đầu đảo quốc Puerto Rico, cũng có gốc gác Tây Ban Nha từ mấy đời trước, nhưng lại chưa bao giờ chuyển sang chơi chuyên nghiệp.

Đó là lý do, dù lớn lên trên đất Mỹ (gia đình của Puig chuyển sang Miami sinh sống khi cô mới… 1 tuổi, nhưng cô vẫn được quay về quê vào các dịp hè để thăm ông bà nội của mình) và trưởng thành dưới sự đào tạo của làng quần vợt Mỹ, dòng máu của cô vẫn là Mỹ Latin và cô chưa hề quên “quê cha đất tổ”- xứ sở Puerto Rico của mình. Do vậy, Puig đã đại diện màu áo quần vợt Puerto Rico từ khá nhỏ. Năm 16 tuổi, cô đoạt huy chương vàng cho quần vợt Puerto Rico ở Đại hội Thể thao Bắc Trung Mỹ và Caribbean. Đúng 1 năm sau, cô lại đoạt huy chương bạc ở Đại hội Thể thao châu Mỹ. Đó là những thành công mà nếu cô đại diện quần vợt Mỹ, cô sẽ khó có được.

Với làn da nâu mạnh mẽ, bờ mông căng tròn hấp dẫn, gương mặt tỏa nắng với vẻ đẹp đậm đà, Puig được xem là một mỹ nhân Mỹ Latin ngay cả trước khi cô nổi tiếng bằng những chiến thắng đình đám. Hồi năm 2014, cô từng được một trang web quần vợt bầu chọn là tay vợt xếp thứ 60/100 mỹ nữ của làng quần vợt nữ thế giới. Những hình ảnh sexy của cô xuất hiện ở rất nhiều trang web liên quan đến mỹ nhân và thể thao, nhất là có cả những trang web khiêu dâm đưa hình Puig vào thư viện hình ảnh chỉ để thu hút sự quan tâm, tò mò, tọc mạch của cư dân mạng. Nhiều người nhận định, Puig đẹp hoang dã như những bờ biển Mỹ Latin diễm lệ và ngập nắng, là “truyền nhân” đời sau của vẻ đẹp Sabatini và thậm chí, tấm huy chương vàng của cô ở Brazil mùa hè 2016 cũng được xem là “bản nâng cấp” của tấm huy chương bạc mà Sabatini đoạt được ở Olympic Seoul 1988.

Chọn Puerto Rico, không chọn Mỹ

Tấm huy chương vàng Olympic ở nội dung đơn nữ trong môn quần vợt đã chính thức biến Puig trở thành một người đẹp Puerto Rico chói lòa. Trước Puig, từng có 2 vận động viên Puerto Rico giành được huy chương ở đấu trường của Olympic, nhưng không phải “Vàng 10”. Đó là huy chương bạc của võ sĩ quyền Anh Luis Ortiz ở Olympic Los Angeles 1984, và huy chương bạc của đô vật Jaime Espinal ở Olympic London 2012.

Tuy vậy, Puig lại không phải là người Puerto Rico đầu tiên giành huy chương vàng Thế vận hội. Trước cô, Gigi Fernandez đã giành huy chương vàng đôi nữ trong các kỳ Olympic Barcelona 1992 và Atlanta 1996. Thế nhưng, ở thời điểm đó, Gigi đã lựa chọn thi đấu cho màu áo nước Mỹ. Câu trả lời rất dễ hiểu, ở trong màu áo tuyển Mỹ, bà có cơ hội đánh cặp với Mary Joe Fernandez, tốp 4 đôi của WTA trong thập niên 1990. Nếu lựa chọn đại diện Puerto Rico, Gigi sẽ phải chơi cạnh một đối thủ yếu đồng hương. Nhưng cũng chính vì sự lựa chọn đó, Gigi đã đối mặt với chỉ trích, và luôn phải sống trong day dứt suốt nhiều năm, chỉ đến khi Puig đánh bại Angelique Kerber trong trận chung kết ở Trung tâm quần vợt quốc tế, Gigi cho biết, bà mới cảm thấy thư thái trong lòng.

Tại sao Puig chọn đại diện cho màu áo quê nhà mà không cho làng quần vợt Mỹ? Theo mẹ cô, ban đầu quyết định này chỉ mang màu sắc tài chính, vì Liên đoàn Quần vợt Puerto Rico chi tiền cho Puig nhiều hơn Liên đoàn Quần vợt Mỹ. Dễ hiểu thôi, ở Mỹ hồi 6- 7 năm về trước, Puig chẳng là gì cả, chị em nhà Williams vẫn “độc bá thiên hạ” và dưới họ là rất nhiều tay vợt có triển vọng khác cần được đầu tư. Puig với cái tên đọc lạ hoắc mang màu sắc Mỹ Latin rất khó lọt vào tầm “ra-đa” quan sát. Lý do tiếp theo, đến với Puerto Rico, Puig được lựa chọn đại diện đất nước tham gia nhiều giải đấu lớn, nhờ vậy, cơ hội cọ xát cũng nhiều hơn. Và cuối cùng, đây là những gì Puig tâm sự: “Thi đấu cho Puerto Rico chính là quyết định tốt nhất trong cuộc đời mà tôi từng tạo ra. Tôi rất tự hào với nguồn cội Puerto Rico của mình. Và huy chương vàng ở Rio chính là xác tín điều đó”.

Nhân tố đoàn kết đất nước

Vốn là lãnh thổ thuộc Mỹ, Puerto Rico có nền kinh tế suy thoái, nợ công đến 70 tỷ USD, người người, nhà nhà đang bỏ xứ ra đi, nhưng thể thao vẫn có đất sống- có điều bóng rổ mới là số 1. Ở đây, chiến thắng lịch sử của đội tuyển bóng rổ nước nhà trước Dream Team (biệt danh đội tuyển các ngôi sao NBA của Mỹ tại Olympic Athens 2004) với điểm số 92-73 ngay trận mở màn vòng bảng, khởi đầu cho cơn ác mộng của Dream Team, được xem là điểm son chói lọi trong làng thể thao Puerto Rico. Vì sau đó Dream Team thua tiếp Litva 90-94, rồi thua Argentina 81-89 ở bán kết. Đó là kỳ giải duy nhất bóng rổ Mỹ mất huy chương vàng từ khi môn chơi này cho phép các cầu thủ NBA tham gia vào năm 1992.

Ở Puerto Rico, không chỉ xếp sau bóng rổ, quần vợt còn xếp sau cả các môn bóng chày, quyền Anh, bóng đá, điền kinh, thậm chí cả bóng chuyền. Nhưng màn trình diễn của Puig đã thay đổi trật tự đó. Khi cô quay về quê nhà với tấm huy chương vàng lấp lánh trước ngực áo, hàng chục ngàn người Puerto Rico đổ ra đường phố chào đón nữ anh hùng. Trước đó, trong thời gian cô đấu với Kerber ở trận chung kết, đường phố Puerto Rico vắng lặng như tờ. Mọi người đều ở nhà hoặc trong quán bar xem Puig thi đấu. Cảnh sát Puerto Rico cho biết, trong thời gian đó, tỷ lệ hoạt động tội phạm ở đảo quốc này xuống đến con số thấp nhất, một kỷ lục.

Ông Javier Ortiz-Cortés, nghệ nhân biểu diễn rối, xúc động: “Đây là điều vĩ đại nhất xảy ra với Puerto Rico. Một cô gái trẻ từ Puerto Rico đặt tâm trí hết vào một mục tiêu và chinh phục được nó. Mọi người ở đây đang rất thất vọng, vì tình trạng kinh tế- xã hội của đất nước, vì những tranh cãi liên quan đến thể chế- sẽ là nước độc lập hay 1 bang của Mỹ. Giờ đây, có cảm giác như mọi người đều có được tấm huy chương vàng Olympic. Tất cả đều nhờ cô ấy”. Chính Puig cũng hiểu được tầm quan trọng của chiến thắng mà cô mang về. Đứng trước biển người ở Suan Juan, Puig sung sướng: Cả đảo quốc này như sát cánh cùng nhau. Thật hạnh phúc khi cảm thấy như tôi đã đoàn kết cả nước.

Người hùng của Puerto Rico cũng được, mỹ nhân Mỹ Latin cũng được, chữ “G” thứ 2 ở Puerto Rico cũng được (chữ “G” thứ nhất, nghĩa là “God”, được dùng để miêu tả danh ca nhạc pop Ricky Martin; còn với Puig, chữ G thứ 2 nghĩa là “Gold Medalist”- người thắng huy chương vàng), Puig đang mang lại một làn gió biển Mỹ Latin hoang dã, góp phần khiến WTA Tour trở nên… nóng bỏng hơn, quyến rũ hơn.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục