Lượm lặt ở Manila

Nhóm phóng viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng hàng chục phóng viên báo đài đã đặt chân đến Manila (Philippines) để đồng hành “chiến dịch săn vàng” cùng U22 Việt Nam và HLV Park Hang-seo, đồng thời để thông tin, sát cánh cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30. Tác chiến dài ngày, khoảng 3 tuần lễ, trên đất nước bạn với cánh phóng viên, là điều không dễ dàng…

1.Khi đang “rối não” chuẩn bị đồ đạc cá nhân cho chuyến đi đến Philippines, tôi nhận thêm được “mật lệnh” bất ngờ từ đồng nghiệp Dũng Phương: “Mì gói là phải mang sang rồi, để khi chán có thể đổi món, vì đồ ăn Philippines rất ngán, rất khó ăn, nó… kỳ kỳ làm sao đó.

Hoặc tối khuya đói bụng, có thể nấu gấp 1 tô mì tráng dạ. Nhưng phải mang thêm cả gạo”. Trước ánh mắt thắc mắc của tôi, anh bạn phì cười: “Không có gì. Bên Philippines không phải là không có gạo. Nhưng do mình mới sang, trong những ngày đầu tiên, khi tạm thời chưa tìm được cửa hàng bán gạo, thì mình nấu cơm từ gạo mang sang”.

Do đây mới là lần đầu tiên đi Philippines, tôi cũng chỉ có thể gật gật đầu, dù trong lòng hồ nghi rất ghê gớm. Tuy nhiên, vẫn chưa dừng lại ở đó, anh đồng nghiệp dặn tiếp: “À quên, ông nhớ mang theo xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp, đặng mình ăn chung với cơm, với mì. Vì bên đó, đồ ăn rất khó ăn (lần thứ 2 tôi được nhắc đến sự “khó ăn”, và nó đã trở thành thứ gây ám ảnh với tôi). Đến ớt cũng không có nữa, tôi phải mang theo 2 hũ ớt”.

Mang theo thắc mắc trong lòng, tôi lên mạng “điều tra”, và đọc được kinh nghiệm sơ lược từ những người từng đi đến nước mà chúng tôi sắp đến: “Có những thứ không được mang khi nhập cảnh vào đất nước Philippines. Ngoại trừ các loại thuốc cấm, các loại vũ khí… thì một số loại thực phẩm tươi sống, chưa được chế biến, như rau củ quả, cả lạp xưởng, cũng không được mang vào Philippines”. Tôi mang thắc mắc này, chat với đồng nghiệp trên Facebook, anh cười: “Thôi ông mang mì gói với gạo đi, mấy cái kia để tôi mang cho, cả đồ hộp, giò chả... Tôi mang hoài, có thấy sao đâu”.

Và thế là, chúng tôi đã bay sang Philippines với những túi va li căn phồng, để chuẩn bị chặng dừng chân 23 ngày tác nghiệp SEA Games tại Manila, Philippines trong điều kiện “không-có-nhiều-loại-thực-phẩm-và-đồ-ăn-rất-tệ”.

Lượm lặt ở Manila ảnh 1 Kiểm tra an ninh tại sân bay Ninoy Aquino


2.Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý ký gửi, chúng tôi rời khỏi khu sảnh, hướng đôi chân về phía cửa ra của phi trường quốc tế Ninoy Aquino với tâm trạng khá háo hức. Tôi hoàn toàn quên khuấy chuyện sẽ bị an ninh sân bay “hỏi thăm” ngay ở cửa ra vào, rằng các anh mang theo những gì vào Philippines, có được phép hay không?

Thế là, tôi - người thận trọng nhất trong nhóm - không dám mang cả lạp xưởng, xúc xích, lại bất ngờ bị chặn lại, bị yêu cầu quay vào khu kiểm tra hành lý, trong khi đồng nghiệp Dũng Phương, người mang hàng tá thực phẩm “không được phép”, thảnh thơi đứng một bên, chống nạnh cười quan sát và không quên chụp, quay lại cái khoảnh khắc đáng nhớ này của tôi.

Còn tôi, khi đó, phải loay hoay mở khóa va li, gỡ đồ đạc trong túi ra, để nữ nhân viên an ninh kiểm soát. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của tôi, đó chỉ là màn kiểm tra khá qua loa. Ngay cả túi thuốc cá nhân, với các loại thuốc cảm cúm, tiêu chảy, vốn được gói kín, cũng không bị nhân viên an ninh yêu cầu mở ra xem xét.

Sắp rời sân bay, đồng nghiệp quay sang chọc: “Người ta ghim ông rồi, có đánh dấu lên va li, nên mới kiểm tra. Chứ lý ra tôi mới là “đối tượng” cần bị kiểm tra do mang theo cả đống thực phẩm mà nghe nói đều là thứ không được nhập cảnh vào Philippines”. Tôi chỉ đành cười gượng: “Ờ thì...”.

3.Trong 2 ngày đầu (22-11 và 23-11), tất cả siêu thị nho nhỏ, cửa hàng tạp hóa, chợ tạm ven đường… ở xung quanh khu căn hộ homestay “Leon De Oro Place” (125 Leon Guinto Street, Manila - Metro Manila 1004) - địa điểm khu trú của nhiều phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp SEA Games lần này - đều đã bị càn quét “sạch sẽ”. Rau củ quả, trứng vịt, rồi thịt heo… đều được các phóng viên mua về để “cải thiện” bữa ăn hàng ngày, sao cho hợp khẩu vị với quê nhà, trong những ngày làm việc xa xứ.

Lượm lặt ở Manila ảnh 2 Hai phóng viên của Báo SGGP đã kích hoạt thẻ tác nghiệp tại SEA Games 30. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Hóa ra, ở Manila thứ gì cũng có, từ nhà thuốc, tiệm tóc, quán ăn, bày bán đầy đường; không hề khó mua, hay phải đi tìm đây đó. Tuy vậy, không phải tất cả chúng đều giống loại thực phẩm ở Việt Nam. Như ớt, chỉ có toàn loại ớt kiểu như ớt chuông, màu sắc xanh lét, không hề có ớt hiểm đỏ, kiểu cay xé miệng, xé lòng như ở Việt Nam. Trứng cũng có, nhưng toàn trứng vịt, hoặc thậm chí trứng to kiểu trứng ngỗng, chứ tuyệt đối không thể tìm ra trứng gà ở khu vực này.

Tối 22-11, chúng tôi “mày mò” ra ăn đêm, một quán ăn bình dân ngay ở ngã tư đầu đường, có cái tên khá ấn tượng là “Mami House”. Không rõ đồng nghiệp bên báo Thanh Niên gọi món gì, khi nhân viên quán ăn dọn thức ăn ra, đó là 3 đĩa cơm chiên sơ sơ, có trứng ốp lết và một ít thịt cắt sợi.

Với tôi, vị thức ăn cũng không tệ và không hề quá “khó ăn” như những gì được khuyến cáo. Nhưng đồng nghiệp cứ liên tục lắc đầu chê bai: “Cơm khô quá, khó ăn quá. Canh súp nữa chứ, sao giống nước súp đổ bột ngọt vô vậy. Lại còn không có rau nữa. Ngán quá”.

Khi chúng tôi yêu cầu thêm rau, phục vụ “Mami House” tỏ ra khá ngạc nhiên. Chúng tôi phải lấy điện thoại, gõ từ “vegetable” rồi nhấn nút tìm kiếm để hiện thị các hình ảnh rau quả. Như hiểu nhu cầu của thực khách, cô nhân viên phục vụ mới “À” lên một tiếng. Lúi húi một hồi trong bếp, hóa ra món rau mà chúng tôi mong đợi lại là đĩa bắp cải xào với cà rốt, ăn hơi giống kiểu “đồ xào” trong mì xào dòn ở các quán ăn người Hoa ở quận 5 (TPHCM). 

Giờ đây, tôi bắt đầu ngờ ngợ rằng ở Manila, thực phẩm, đồ ăn không thiếu thốn, song muốn có cái vị Việt Nam thì… không biết tìm đâu.
 
4.Tối 22-11, HLV Park Hang-seo và đội tuyển U22 Việt Nam cũng đã đáp máy bay xuống phi trường quốc tế Ninoy Aquino, để bắt đầu chuyến hành trình chinh phục tấm huy chương vàng. Thể thao Việt Nam đã tham dự SEA Games suốt từ năm 1989 cho đến nay, nhưng bóng đá nam chưa bao giờ có vinh dự chạm tay vào tấm huy chương vàng danh giá, dù bóng đá nữ đã làm được điều đó từ rất, rất lâu.

Đặt chân đến Manila, bóng đá nam Việt Nam mang theo niềm hy vọng. Nhưng đến ngày 10-12 tới đây, sau trận chung kết ở SVĐ Rizai Memorial, mong rằng, chúng ta “cái gì” cũng có, tấm huy chương vàng danh giá, sự tự hào nối dài với những chàng trai đầy tài năng, với ông thầy người Hàn Quốc đầy nhiệt huyết, tâm lý và rất “quái chiêu”, và niềm vui trọn vẹn của hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam tại quê nhà…

Tin cùng chuyên mục