Lịch sử sắp sang trang

Trong suốt chiều dài gần 100 năm của World Cup, bóng đá Đông Nam Á chỉ có 2 thời khắc đặc biệt. Đầu tiên là tại World Cup 1938, quốc đảo Indonesia góp mặt trong số 15 đội bóng tham gia sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này. 
Niềm vui của Tiến Linh sau bàn mở tỷ số. Ảnh: ANH KHOA
Niềm vui của Tiến Linh sau bàn mở tỷ số. Ảnh: ANH KHOA

Nhưng khi đó, đội bóng này mang tên Đông Ấn Hà Lan, một đại diện cho các thuộc địa của Hà Lan. Chính người Indonesia sau này cũng không thừa nhận sự kiện lịch sử này, cho dù đó là lần đầu tiên của bóng đá châu Á, là lần duy nhất một nền bóng đá đến từ Đông Nam Á được dự World Cup.

Và lần gần nhất, một đại diện Đông Nam Á chạm tay vào cơ hội lịch sử, đó là Thái Lan ở World Cup 2018, khi đội bóng do HLV Kiatisak dẫn dắt vào đến vòng loại cuối cùng khu vực châu Á. Dù không thành công, nhưng người Thái vẫn xem đây là thành tích tự hào. Nhưng chỉ 4 năm sau, vị thế của Thái Lan gần như sẽ bị thay thế bởi Việt Nam, đội bóng có vị trí FIFA cao nhất hiện nay tại Đông Nam Á.

Chiến thắng 2-1 trước Malaysia không những khẳng định ngôi vị số 1 trong khu vực, mà thầy trò HLV Park Hang-seo còn đang có đến hơn 90% cơ hội sớm giành vé vào vòng đấu loại cuối cùng, đến gần giấc mơ World Cup. Với 17 điểm và vị trí đầu bảng, chỉ cần hòa chủ nhà UAE ở lượt trận cuối, chúng ta sẽ nhận vé trực tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi thất bại và rơi xuống vị trí nhì bảng, thì với 11 điểm có được (sau khi trừ 6 điểm so với đội chót bảng Indonesia), cơ hội đi tiếp của Việt Nam vẫn rất rõ ràng.

Sau loạt trận ngày 11-6, hiện đã xác định đội bóng nào đứng nhì bảng F cũng đều chỉ có tối đa 7 điểm khi so sánh với các bảng khác. Kế đến, ở bảng B, Jordan chắc chắn đứng nhì bảng. Nếu họ muốn có cơ hội vào vòng kế tiếp thì phải thắng đội đầu bảng Australia. Khi đó, Jordan sẽ có 11 điểm khi so vị trí nhì bảng với nhau. Tuy nhiên, hiệu số bàn thắng của Jordan hiện chỉ mới +5, nên họ buộc phải thắng Australia tỷ số đậm, hoặc Việt Nam thua UAE cũng rất đậm, thì Jordan mới được xếp trên Việt Nam khi so sánh điểm số. Nhìn chung, khả năng xảy ra điều này là vô cùng nhỏ.

Một đội nhì bảng khác là Iran ở bảng C. Bảng này hiện vẫn chưa xác định 2 vị trí đứng đầu và tình hình gần giống như bảng G của Việt Nam. Hiện Iraq đang đứng đầu bảng C với 17 điểm, chỉ hơn Iran 2 điểm. Vấn đề là 2 đội này sẽ đối đầu trong trận cuối vào ngày 15-6 tới, thời điểm Việt Nam đấu với UAE. Nếu Iran thắng, họ sẽ đầu bảng, còn Iraq đứng nhì và có 11 điểm cùng hiệu số tương đối tốt khi so sánh với các đội nhì bảng khác. Nhưng nếu Iran không thắng được Iraq, thì dù đứng nhì bảng, Iran sẽ chỉ có tối đa 10 điểm để so sánh.

Đây cũng là câu chuyện tại bảng D, nơi Uzbekistan hiện xếp nhì, thua Saudi Arabia 2 điểm, nhưng sẽ đối đầu với nhau vào ngày 15-6 tới. Hoặc như Lebanon, đang đứng nhì bảng H sau Hàn Quốc. Các đội Uzbekistan hay Lebanon hiện chỉ mới có lần lượt là 9 và 10 điểm khi so sánh với các đội nhì bảng khác, nên họ buộc phải thắng trận cuối thì mới vượt qua được Việt Nam. Trong số các đội nhì bảng hiện nay, chỉ có Oman ở bảng E với 12 điểm (đã hết thi đấu) là chắc chắn có vé vào vòng trong.

Tin cùng chuyên mục