Lê Quang Liêm kiếm hơn 700 triệu đồng sau một tuần đấu cờ tại Mỹ

Đại kiện tướng cờ vua của Việt Nam đã có kết quả chiến thắng trong trận cuối cùng tại giải FTX Crypto Cup 2022 qua đó đứng hạng 4 chung cuộc và có phần thưởng rất đáng kể. Từ những kết quả của Lê Quang Liêm, chúng ta vẫn đi tìm kiếm thêm gương mặt trẻ có thể nối bước đàn anh.

Lê Quang Liêm đã có hạng 4 chung cuộc và tổng thưởng 30.000 USD tại giải. Ảnh: Chess24
Lê Quang Liêm đã có hạng 4 chung cuộc và tổng thưởng 30.000 USD tại giải. Ảnh: Chess24

Liêm nhận thưởng 30.000 USD

Rạng sáng 22-8 theo giờ Việt Nam, Lê Quang Liêm đã chiến thắng đại kiện tướng người Mỹ Hans Niemann với tỷ số 2,5 -1,5 qua đó đứng hạng 4 chung cuộc giải cờ nhanh FTX Crypto Cup 2022 đấu ở Miami (Mỹ). Đây là giải đấu các kỳ thủ gặp nhau trực tiếp nhưng để tránh ảnh hưởng của Covid-19, hai phía thi đấu nhìn qua màn hình mà không tiếp xúc trực tiếp.

Với hạng 4 chung cuộc cùng việc quy định mỗi trận tháng được nhận 7.500 USD của ban tổ chức, Lê Quang Liêm có tổng 4 chiến thắng nên nhận 30.000 USD thưởng (hơn 700 triệu đồng). Chưa kể, Quang Liêm và các kỳ thủ góp mặt còn được thưởng tiền bitcoin theo quỹ thưởng của giải đấu.

Góp mặt trong 7 ván cờ nhanh với thời gian vỏn vẹn 1 tuần tham dự, Lê Quang Liêm đã có phần thưởng đáng kể và đây không phải lần đầu, đại kiện tướng cờ vua người TPHCM làm được điều này. “Chúng ta thấy rất rõ, VĐV cờ vua có những ưu thế về khả năng kiếm tiền thưởng rất tốt nếu họ có trình độ và tên tuổi trong làng cờ. Tuy nhiên, để có được điều này, Liêm và những đối thủ của Liêm đã phải rèn luyện và thi đấu rất nhiều năm trước tích lũy chuyên môn và kinh nghiệm”, Phó Chủ tịch Liên đoàn cờ Việt Nam đồng thời là phụ trách bộ môn cờ (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Minh Thắng đã trao đổi.

Kỳ thủ trẻ ở đâu

Nhà quản lý cờ vua tại các địa phương và Liên đoàn cờ Việt Nam cùng bộ môn cờ (Tổng cục TDTT) nhìn nhận rất rõ, những kết quả thi đấu của Lê Quang Liêm ở quốc tế là một trong những động lực giúp nhiều gia đình tạo điều kiện cho con em tập, thi đấu cờ vua hơn. Tuy nhiên, để một VĐV nhí từ chơi cờ tới trở thành một kiện tướng, đại kiện tướng cờ vua quốc tế, công cuộc đầu tư là không ít.

Các kỳ thủ trẻ của Việt Nam luôn cần được nhiều nguồn lực đầu tư để có cơ hội phát triển. Ảnh: ChessVN

“Nguồn lực quan trọng nhất vẫn là từ gia đình. Địa phương hay bộ môn cờ, Liên đoàn cờ và đội tuyển quốc gia chỉ cùng giúp sức thêm được một phần trong việc đầu tư để một kỳ thủ từ mức triển vọng đạt tới một kỳ thủ thi đấu được ở đỉnh cao”, ông Thắng phân tích thêm. Mỗi năm, bộ môn cờ (Tổng cục TDTT) được phân bổ ngân sách hoạt động trong khoảng 50.000 USD. Nguồn kinh phí đó vừa đủ cho tập luyện, tổ chức các giải đấu chứ chưa dư giả để đầu tư chuyên biệt cho riêng một kỳ thủ nào. Nguồn quỹ từ Liên đoàn cờ Việt Nam được bổ sung thêm để các đội tuyển theo nhóm tuổi được thi đấu giải quốc tế.

“Tuy nhiên, để thi đấu liên tục và có thể thuê được thầy tốt thì tiền cần rất nhiều. Với kỳ thủ cờ, việc tập, đấu phải hàng ngày thì tư duy sẽ có những sự tiếp nạp chuyên môn hiệu quả nhất. Chúng ta có thể thấy Lê Quang Liêm thành danh vào lúc này nhưng trước đó, kỳ thủ đã phải tập luyện và thi đấu rất nhiều giải. Lúc này Liêm thi đấu có tiền thưởng, bản thân kỳ thủ cũng tự đầu tư cho mình để tiếp cận với các giải đấu cấp cao nâng cao chuyên môn hơn”, HLV cờ vua Bùi Vinh từng phân tích.

Trung tuần tháng 9, cờ vua Việt Nam cử đội hình gồm Nguyễn Trường An Khang, Nguyễn Văn Nhật Linh, Đinh Nho Kiệt, Đậu Khương Duy, Nguyễn Huỳnh Thiên Thanh, Phạm Như Ý, Tống Thái Hoàng An, Trần Lê Vy thi đấu giải lứa tuổi thiếu niên thế giới 2022 tại Georgia. Trong đầu tháng 9, đội hình Phạm Trần Gia Phúc, Phạm Anh Kiên, Nguyễn Quốc Hy, Võ Phạm Thiên Phúc, Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Thiên Ngân, Ngô Đức Trí, Nguyễn Huỳnh Minh Thiên sẽ thi đấu giải vô địch trẻ thế giới 2022 ở Romania. Họ là những gương mặt được cờ vua Việt Nam đánh giá triển vọng nhất ở lứa tuổi trẻ vào lúc này. Tuy nhiên, ai sẽ vượt lên để có chuyên môn giỏi như Quang Liêm, Trường Sơn còn là dấu hỏi.

Tin cùng chuyên mục