Lại chuyện cầu thủ xuất ngoại

Ngay sau Asian Cup 2019, thủ môn Đặng Văn Lâm sẽ sang thi đấu cho CLB Muangthong United ở giải Ngoại hạng Thái Lan (T-League). Đây là cầu thủ mới nhất của Việt Nam xuất ngoại thi đấu chuyên nghiệp và cũng là cầu thủ được hy vọng thành công nhiều nhất nếu xét những nỗ lực của cá nhân cầu thủ mang 2 dòng máu Việt - Nga cũng như đẳng cấp vừa phải của giải T-League.

Nhân sự kiện này, mới nhớ là dù đạt được nhiều thành công trong năm 2018 vừa qua nhưng số cầu thủ Việt Nam có khả năng xuất ngoại lại không nhiều. Điều này cho thấy năng lực thực thụ của bóng đá Việt Nam trong con mắt của các nhà quan sát châu Á vẫn là một dấu hỏi. Hơn nữa, sau các chuyến xuất ngoại của Lê Công Vinh, Xuân Trường, Công Phượng… thì cơ hội thành công của cầu thủ Việt Nam là không lớn, đồng nghĩa với tính hiệu quả sẽ không cao cho các CLB nước ngoài.

Có một khoảng cách giữa trình độ cầu thủ và khả năng thành công khi chuyển ra nước ngoài thi đấu. Một ngôi sao hàng đầu của Việt Nam chưa chắc đã có chỗ đứng ở giải J-League 2 hay thậm chí là T-League. Trở ngại lớn nhất chưa hẳn là ở ngôn ngữ bởi về lý thuyết, bất kỳ cầu thủ nào chuyển đến nơi khác thi đấu thì cũng gặp những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ. Cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thì cũng đối diện với những khó khăn giống như Chanathip của Thái Lan sang Nhật mà thôi. Thành công hay không nằm ở khả năng thích ứng và điều này, chính là điểm yếu của cầu thủ Việt Nam.

Nguồn gốc sâu xa vẫn là ở tính chuyên nghiệp. Cụ thể hơn, đó là khả năng hoạt động độc lập của một cầu thủ chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam dù đã gần 20 năm “lên chuyên” nhưng thực tế vẫn chỉ “nghiệp dư lãnh lương cao”. Động lực thi đấu của các CLB tại Việt Nam rất thấp, tính cạnh tranh chủ yếu diễn ra ở khu vực “chống xuống hạng”, điều này dẫn đến nỗ lực thi đấu của cầu thủ cũng chỉ vừa phải, thiếu khát vọng lớn. Mang tâm thế  đó ra nước ngoài, chắc chắn nhận thất bại khi phải cạnh tranh ở vị trí ít dành cho ngoại binh tại các CLB.

Lứa cầu thủ của HA.GL như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… được đào tạo tốt, nói được tiếng Anh nhưng vẫn không thể thành công tại Nhật, tại Hàn cũng vì họ chưa quen với việc hoạt động một cách độc lập. Cầu thủ xuất ngoại không giống như “xuất khẩu lao động”. Họ không chỉ cần làm “được việc” mà phải cố gắng giỏi hơn mỗi ngày để có suất đá chính. Điều đó không phụ thuộc vào tài năng, mà còn ở ý chí cá nhân. Tuy nhiên, đó là điều khó có thể có được từ sự trải nghiệm ở V-League.

Đây là sự khác biệt rất rõ giữa bóng đá Thái Lan và Việt Nam. Từ những ngày đầu của V-League, cầu thủ Thái Lan đã sang Việt Nam đá thuê và thành công. Tính chuyên nghiệp của bóng đá Thái Lan có từ sớm, trước khi họ phát triển giải T-League. Nhờ nền tảng đó, mới có một Chanathip tỏa sáng ở J-League 1 ngay tại CLB Sapporo, nơi Lê Công Vinh từng thất bại dù khi đó chỉ đá ở J-League 2.

Chính thành công của Chanathip là một chi tiết cho thấy dù có những phát triển rất đột biến nhưng chưa thể khẳng định bóng đá Việt Nam đã ngang bằng với Thái Lan. Chúng ta có thể tạo được thành tích với một tập thể tài năng nhưng những thành công ấy vẫn không bền vững nếu như các cầu thủ không được tiếp tục phát triển năng lực của mình ở các môi trường thi đấu chuyên nghiệp hơn, đẳng cấp hơn, giàu tính cạnh tranh hơn.

Có thể đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục gây sốc tại Asian Cup 2019 sắp diễn ra, nhưng chỉ khi nào những Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường… được các CLB tại J-League hay K-League “trải thảm” mời sang thi đấu mà không kèm theo các điều khoản về quảng cáo, truyền thông thì lúc đó nền bóng đá Việt mới thực sự vươn tầm châu Á.

Tin cùng chuyên mục