Kỳ vọng và thất vọng

Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Lê Tú Chinh, Thạch Kim Tuấn… là những gương mặt được kỳ vọng sẽ giành được HCV tại Asiad 2018. Không chỉ vì họ đã có những thành tích ở đẳng cấp thế giới, sự kỳ vọng đặt vào họ nhiều hơn những VĐV khác mà còn là vì các môn thi đấu mà họ đang tranh tài, mà chúng ta vẫn hay gọi chung là “nhóm môn Olympic” vốn khắc nghiệt và danh giá hơn.

Thế nhưng, đa số đều gây thất vọng. Nói đúng hơn, họ đều thất bại ở những nội dung sở trường với những thành tích còn kém hơn so với tập luyện. Đó chính là vấn đề khá nghiêm trọng đối với thể thao Việt Nam.

Những môn thể thao thuộc “nhóm Olympic” có đặc điểm là thường dễ dự đoán kết quả nhờ vào thành tích trong quá trình tập luyện. Dựa trên các con số đó, sẽ xác định được đối thủ cần phải vượt qua cũng như chọn điểm rơi trong thi đấu. Các VĐV khi được chọn dự Asiad đều phải bảo đảm được các thông số cá nhân ổn định trong thời điểm gần thời gian tranh tài. Thế nên, khi có thành tích quá kém so với các thông số trong tập luyện thì chủ yếu là do tâm lý, bản lĩnh không được vững vàng ở thời điểm quan trọng. Nói đúng hơn, đó là vấn đề áp lực.

Trước Asiad, cựu trưởng đoàn Asiad 2002, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận xét rằng thể thao Việt Nam hiện nay chỉ mới dừng ở trình độ “có khả năng tranh chấp” chứ chưa thể “chắc chắn” đối với các mục tiêu HCV. Thậm chí, theo ông Minh, các “hy vọng Vàng” cũng ở mức 50-50 và thấp hơn.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thể thao Việt Nam chủ yếu dựa vào một vài cá nhân chứ không mạnh đồng đều ở một nhóm nội dung thi đấu, nên sẽ không có chuyện người này thi đấu thất bại sẽ có người khác thay thế để hoàn thành mục tiêu. Những tính toán thành tích khó khăn hơn.

Trong khi đó, với những “hy vọng vàng”, ngoài việc không có người chia sẻ trách nhiệm, họ còn chịu áp lực từ sự kỳ vọng vốn đã rất lớn dồn vào một vài cá nhân. Như vậy, bên cạnh đối thủ, còn là các khó khăn mang tính chủ quan.

Thời điểm ông Nguyễn Hồng Minh làm trưởng đoàn ở Asiad 2002, thể thao Việt Nam đã lập kỷ lục khi đoạt đến 4 HCV. Một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là sự thoải mái. Trước Asiad 2002, thể thao Việt Nam chỉ có 2 HCV, chia đều cho các kỳ Asiad 1994, 1998 và đều đến từ một nội dung duy nhất là hạng 56 kg Taekwondo.

Sau thời điểm Asiad 2002, TTVN bắt đầu ổn định tốp 3 SEA Games nhưng khi bước ra sân chơi Asiad thì giảm dần số lượng HCV mặc dù tăng rất nhanh số HCB. Điều này phản ảnh bản lĩnh thi đấu của VĐV Việt Nam vẫn đang chịu rào cản về áp lực tâm lý.

Bên cạnh đó, còn là sự phát triển thiếu chiều sâu của thể thao thành tích cao nên một vài cá nhân phải gánh vác trọng trách cho hàng trăm người khác cũng có mặt nhưng chỉ để “học hỏi kinh nghiệm”. Điều này ngược hẳn với SEA Games, nơi chủ yếu là “đếm huy chương” hơn là quan tâm đến chất lượng.

Vì sao tâm lý thi đấu VĐV Việt Nam luôn kém? Vì sao thể thao Việt Nam thường cứ phải hồi hộp đếm huy chương thay vì biết chắc chắn (tương đối) số lượng? Đấy là vấn đề mang tính vĩ mô của một nền thể thao vẫn còn đang vận hành theo kiểu “nuôi gà chọi” với việc tập huấn suốt năm nhưng thiếu nghiêm trọng các giải đấu cạnh tranh để rèn luyện bản lĩnh cũng như tạo tính kế thừa.

Tin cùng chuyên mục