Kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2022): Những giải đấu đi cùng năm tháng

Chưa đầy 1 tháng sau khi mùa giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021 khép lại đầy ấn tượng, thì vào những ngày cuối tháng 3, giải Tiền Phong Marathon năm 2022 lại hối hả chuẩn bị những bước cuối cùng để các vận động viên được trải nghiệm tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sân chơi này đã bước đến tuổi 63, trở thành một trong những giải đấu thể thao lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Nguồn lực xã hội hóa

Có lẽ không ở đâu mà các sự kiện thể thao lại gắn liền với những đơn vị xã hội - truyền thông nhiều như tại Việt Nam. Trong một thế giới thể thao chuyên nghiệp, sự tồn tại lâu dài của các giải đấu không có gì lạ, vì thông thường nó được sinh lợi. Nhưng tại Việt Nam, với các đơn vị tổ chức “tay ngang”, tham gia với mục đích “đóng góp” cho nền thể thao chung trên tinh thần “xã hội hóa”, thì việc duy trì một giải đấu nhiều chục năm tuổi là một điều có thể nói là… phi thường. 

Hãy lấy cuộc đua Cúp truyền hình TPHCM đang bước sang năm tổ chức thứ 44 làm ví dụ. Nếu chỉ nói về chuyên môn, thì mỗi chặng đua chỉ kéo dài trong một buổi sáng, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nhưng rõ ràng một sự kiện kéo dài gần 30 ngày thì khối lượng công việc “phi chuyên môn” quả thật khổng lồ. Cúp truyền hình không đơn thuần là một cuộc đua xe đạp, đó còn là một sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước - con người, và tất nhiên nó sẽ ngốn một số lượng vô cùng lớn nhân lực, thời lượng của nhà đài HTV. 

“Cuộc chơi” ban đầu chỉ là cơ hội để quảng bá cho đài truyền hình, nhưng theo thời gian, đã trở thành sự kiện quan trọng của thể thao Việt Nam, mà nếu chỉ riêng ngành thể thao thì không thể duy trì một cách bền bỉ, đều đặn như vậy.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2022): Những giải đấu đi cùng năm tháng ảnh 1 Cúp truyền hình TPHCM góp thêm màu sắc tươi tắn cho thể thao Việt Nam

Có một điều thú vị, đó là dấu ấn của các đơn vị truyền thông đối với những sự kiện thể thao có tuổi đời lâu dài. Báo Tiền Phong có giải chạy Marathon và Siêu cúp quốc gia. Giải vô địch quốc gia bóng bàn Việt Nam gắn với Báo Nhân Dân đã bước sang tuổi 40. Các giải U21, U19 của bóng đá trẻ được biết đến với sự khởi xướng và tổ chức của Báo Thanh Niên gần 30 năm qua.

Đài truyền hình VTV có giải bóng chuyền nữ, HTV là xe đạp; trong khi đó, từ năm 1995 đến nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng là đơn vị tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam… Còn hơn 10 sự kiện khác, ở nhiều môn thể thao khác nhau, đã và đang được tổ chức bởi những cơ quan báo chí lớn của quốc gia. 

Năm tháng trường tồn 

Sẽ rất khó định lượng các giải đấu do những đơn vị truyền thông tổ chức đã đóng góp bao nhiêu phần trăm vào những chiến tích của thể thao nước nhà hàng chục năm qua, nhưng trong một bức tranh tổng thể của nền thể thao Việt Nam, các sự kiện đó chắc chắn chiếm một vị trí quan trọng.

Ở thời điểm hiện nay, marathon hoặc đơn giản là “chạy bộ thể thao” đã rất phổ biến khi cộng đồng runner rất lớn đi kèm với sự phát triển của đời sống đô thị. Nhưng hãy nhớ rằng, mấy chục năm trước, việc chạy marathon vẫn được xem là của “dân thể thao”. Chính vì vậy, với 63 năm bền bỉ tổ chức, có thể nói giải chạy của Báo Tiền Phong đã “nuôi dưỡng” một môn thể thao tưởng là khó phát triển tại Việt Nam. 

Hay như các giải bóng đá U21 của Báo Thanh Niên, do là sự kiện dành cho bóng đá trẻ nên ít thu hút người xem, khó vận động tài trợ, nhưng cho đến thời điểm này, sẽ không ai có thể đếm được bao nhiêu ngôi sao bóng đá Việt Nam đã được phát hiện và tỏa sáng từ giải đấu trẻ này. Tất nhiên, không có các sự kiện “xã hội hóa” thì hệ thống đào tạo bóng đá trẻ vẫn sẽ được vận hành, nhưng để đến được với công chúng nhanh hơn, dễ tạo được dấu ấn hơn, thì chắc chắn các tài năng trẻ ấy luôn cần một “sân khấu lớn” như giải U21.

Sự phát triển của hệ thống giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam là minh chứng rõ nhất. Từ 3 hạng mục dành cho bóng đá nam, nay đã tôn vinh mọi cầu thủ ở bóng đá nữ, futsal, cầu thủ ngoại. Giải thưởng tạo ra một sự cạnh tranh cho các cá nhân, duy trì khao khát hoàn thiện bản thân ở họ, truyền cảm hứng cho những tài năng trẻ. Được ghi nhận tại Quả bóng vàng Việt Nam nay đã là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp cầu thủ Việt Nam.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2022): Những giải đấu đi cùng năm tháng ảnh 2 Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đời sống thể thao nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Không có một giải thưởng cá nhân, có lẽ cũng không làm thay đổi dòng chảy của lịch sử bóng đá Việt Nam, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến cho các câu chuyện hào hùng nhất khi được kể sẽ mất đi thứ gia vị nồng nàn nhất.

Những giải đấu thì trường tồn, nhưng những người đứng sau các giải đấu thì luôn thầm lặng, có thể bị lãng quên, các khó khăn sẽ ít được đề cập. Nói như vậy để thấy lịch sử thể thao Việt Nam đã có những điều hãnh diện riêng của mình khi mỗi chiến tích, hay lúc thất bại, vẫn luôn có những người bạn đồng hành chia sẻ niềm vui và kiên trì duy trì những sự kiện để gây dựng phong trào, truyền cảm hứng cho xã hội, tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc chinh phục giấc mơ vươn tầm thế giới.

Tin cùng chuyên mục