Kiếm tiền cho thể thao

V-League năm thứ 3 liên tiếp có nhà tài trợ mới. Sau 2 nhãn hiệu nội địa là Nuticafe và Wake-up 247, sang năm 2020 đón một thương hiệu nước ngoài LS đến từ Hàn Quốc vốn đã quen thuộc với bóng đá Việt Nam qua giải hạng nhất 2 mùa liên tiếp.

Tất nhiên là những hợp đồng tài trợ ngắn từng năm một không phải là phương án tối ưu cho các nhà tổ chức, ở đây là Công ty VPF. Nhưng qua việc thay đổi xoành xoạch nhà tài trợ chính cũng cho thấy sự khó khăn của hoạt động kiếm tiền cho bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Cái khó lớn nhất chính là áp lực luôn phải kiếm nhiều hơn xuất phát từ đặc thù bán chuyên của thể thao Việt Nam. Khi các nguồn thu từ bán vé, từ bản quyền hình ảnh, từ vật phẩm lưu niệm ngày càng giảm, thậm chí không có, thì áp lực cho khâu tài trợ tăng lên cấp số nhân. Lấy ví dụ như V-League, mặc dù các CLB được quyền khai thác kinh doanh riêng nhưng đa số các đội bóng đều không bán được quảng cáo.

Nguồn thu của họ lại dựa vào nguồn tiền phân phối lại từ Công ty VPF thông qua. Chưa biết giá trị thương mại của V-League có tăng hay không, nhưng số tiền tài trợ thì luôn phải năm sau cao hơn năm trước để bù đắp cho chi phí hoạt động chỉ tăng chứ không giảm. Mà để bán được tài trợ giá cao thì còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, tức phải có thương hiệu chịu chi, lại có chiến lược tiếp thị trong lĩnh vực thể thao, mà số này thì lại không nhiều, nhất là doanh nghiệp nội.

Đấy là nói về một sự kiện lớn, cần đến cả trăm tỷ để hoạt động như V-League. Trên thực tế, ngay việc kiếm tiền cho cá nhân của các VĐV ngôi sao thôi cũng chẳng dễ. Cách đây ít lâu, một công ty truyền thông tuyên bố sẽ “làm thương hiệu” cho các VĐV đỉnh cao của Việt Nam, bằng cách phát triển hình ảnh của họ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, sau đó sẽ thu tiền. Nhưng sau lễ ra mắt ồn ào, mọi thứ im lặng luôn cho đến lúc này, dù SEA Games vừa kết thúc. Không hẳn công ty kia nói mà không làm, có lẽ vì công việc ở lĩnh vực thể thao khó khăn hơn họ nghĩ, khác hẳn cách kiếm tiền của giới showbiz. 

Tóm lại là kiếm tiền trong thể thao không hề dễ, bởi nó xuất phát từ nền tảng nghiệp dư của thể thao Việt Nam. Nếu xem nguồn tiền đổ vào thể thao là một miếng bánh, thì dù lớn hay nhỏ khi chia đều vẫn dễ “nuốt” hơn. Thể thao Việt Nam đã quen với kiểu kinh doanh thời bao cấp, chờ đợi được rót kinh phí, sự chủ động khai thác kinh doanh không tồn tại. Giả sử một CLB làm kinh doanh giỏi, tự đàm phán mua lại bản quyền truyền hình từ ban tổ chức để bán riêng, thậm chí “thầu” hết bảng quảng cáo trên sân và trả tiền ngược lại cho ban tổ chức thì khi đó, Công ty VPF sẽ giảm được áp lực trong việc vận động tài trợ.

Thực tế thì 80% các CLB tại V-League hầu như không có hoạt động kinh doanh gì, dù theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp thì các CLB phải đăng ký với tư cách pháp nhân công ty. Chưa kể, vì chỉ đá bóng mà không làm gì, các CLB cũng thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng hình ảnh tốt cho V-League, càng khiến các nhà tài trợ ngại ngần khi hợp tác lâu dài.

Tin cùng chuyên mục