Không chỉ là danh hiệu

Cuối tuần trước, mặc dù chỉ về nhì tại V-League 2019, nhưng đội TPHCM vẫn có màn ăn mừng khá hoành tráng. Đây chỉ là lần đầu tiên kể từ năm 2012, bóng đá TPHCM mới đến gần với chức vô địch như vậy. 

Hơn thế, khác hẳn Xi măng Xuân Thành 7 năm trước, lần này TPHCM được xây dựng từ gốc. Ba năm đá hạng nhất, thêm 3 năm đá V-League mới có được một nền tảng để kỳ vọng về việc đưa bóng đá TPHCM trở lại thời hoàng kim.

Mùa giải 2018, TPHCM chỉ thu hút được 55.000 khán giả đến sân trong 13 trận đấu tại sân Thống Nhất, và đứng áp chót bảng xếp hạng về lượng khán giả, chỉ xếp trên Sài Gòn FC, đội bóng cùng thành phố. Nhưng mùa này, sau 25 vòng, tổng khán giả của TPHCM đã là 86.000 người, tăng gần gấp đôi. Trong đó có trận “đại chiến” với Hà Nội ở vòng 15 được xếp vào tốp 3 trận đấu có khán giả đông nhất V-League 2019.

Đây là ví dụ cụ thể về sức hấp dẫn của một đội bóng có khả năng tranh chấp chức vô địch, cũng là con số để chứng minh việc đầu tư vào bóng đá một cách nghiêm túc, tham vọng thì sẽ nhận được các lợi ích trước mắt lẫn vô hình. Không cần phải đánh bóng hình ảnh bằng chiêu trò, chỉ cần cố khao khát đua tranh thành tích, khán giả sẽ bị thuyết phục và tự động đến sân. Đó là cách đơn giản và cơ bản nhất để làm bóng đá chuyên nghiệp.

Ngay ở những nơi có sự phát triển chuyên nghiệp cao như giải ngoại hạng Anh, cũng không khác. Theo một thống kê, cuộc đua vô địch giữa Man.City và Liverpool hồi mùa trước đã làm tăng 1,1% kinh tế của thành phố, nơi đội bóng hoạt động. Thành phố Manchester tăng nguồn thu 220 triệu bảng từ các lợi ích trực tiếp trong những ngày Man.City thi đấu, con số này ở thành phố cảng Liverpool là 133 triệu bảng (ít hơn vì quy mô dân số và chỉ số tiêu dùng thấp hơn). Các con số này đến từ nguồn doanh thu bán vé, dịch vụ lưu trú, đồ lưu niệm. 

Trước đây, tác động của thành tích bóng đá đến kinh tế chủ yếu xảy ra đối với cấp độ đội tuyển quốc gia. Lấy ví dụ như từ các năm 1994 - 2014, các quốc gia có đội tuyển vào đến bán kết World Cup sẽ có tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng là 4,5%. Nhưng theo nghiên cứu mới nhất, các cuộc đua vô địch cấp CLB cũng đang thúc đẩy tăng trưởng nhờ vào truyền thông mạng xã hội ngày càng giúp cho các CLB tăng lượng người quan tâm.

Buồn hay vui với kết quả của đội nhà thì cũng tác động đến sinh hoạt tiêu dùng. Cũng theo nghiên cứu mới nhất này, tính từ năm 1999 đến nay, các thành phố có đội bóng nằm trong tốp 3 bảng xếp hạng giải ngoại hạng Anh luôn có tăng trưởng kinh tế cao hơn các năm không thể đua tranh chức vô địch. Mức tăng trung bình là 1,1%. Cá biệt có trường hợp của TP Leicester, hồi năm 2016, có đến 5 trận đấu trên sân nhà của họ đạt doanh thu tăng đến 300% so với cùng kỳ.

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, sân Thống Nhất luôn nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ” về lượng khán giả và hầu như không tạo ra bất kỳ tác động nào đến hoạt động kinh doanh của khu vực quanh sân, chưa nói đến quận 10 hay toàn thành phố. Chính việc có thể tranh chấp chức vô địch của TPHCM đã giúp cho không khí bóng đá tại sân Thống Nhất hồi sinh, tiêu biểu là trận giao hữu giữa U22 Việt Nam và UAE vừa rồi, đã xuất hiện vé chợ đen, một trong những “sinh hoạt kinh doanh” đặc trưng của bóng đá.

Nếu TPHCM duy trì được tham vọng vô địch một thời gian nữa, thì không cần đoạt danh hiệu, bóng đá TPHCM có cơ hội hồi sinh bởi người thành phố vẫn luôn yêu bóng đá.

Tin cùng chuyên mục