Khơi nguồn lực mới cho thể thao

Những vấn đề xung quanh việc sử dụng cầu thủ ngoại nhập tịch trong bóng đá Việt Nam đã từng gây nhiều tranh luận do yếu tố gốc gác, dù ai cũng thấy những lợi thế mà bóng đá Việt Nam có được. Nhưng vấn đề VĐV Việt kiều lại là một câu chuyện khác, rất cần phải có những quyết sách đúng lúc của nhà quản lý.

Vẹn cả đôi đường

Tin vui đến với quần vợt Việt Nam trong những ngày đầu năm 2021 khi CLB Hưng Thịnh TPHCM vừa nhập quốc tịch thành công cho tay vợt Thái Sơn Kwiatkowski. Hiện đang xếp hạng 219 ATP, tay vợt người Mỹ gốc Việt này nghiễm nhiên là số 1 Đông Nam Á, từng dự vòng loại 3 giải Grand Slam và chỉ mới 26 tuổi. Sau Thái Sơn Kwiatkowski, nhiều khả năng tay vợt nữ người Pháp gốc Việt Alize Lim cũng sẽ được nhập tịch và điều đó sẽ giúp cho quần vợt Việt Nam có thể thống trị nội dung này ở SEA Games 31 vào cuối năm nay. Tại SEA Games 30, Việt Nam từng có trận chung kết đơn nam nội bộ giữa Lý Hoàng Nam và Daniel Nguyễn (Việt kiều Mỹ).

Khơi nguồn lực mới cho thể thao ảnh 1 Tay vợt Thái Sơn Kwiatkowski sẽ khoác áo đội tuyển quần vợt Việt Nam dự SEA Games 31.
Có một thực tế cần phải nhìn nhận, đó là ở một số môn thể thao đặc thù, thể chất của người Việt Nam không phù hợp để tạo ra thành tích nổi bật, không thể hòa nhập sâu vào thế giới thể thao chuyên nghiệp. Đáng tiếc hơn, đa số các môn mà VĐV gặp bất lợi về thể hình lại thường phát triển mạnh trên thế giới ở khía cạnh nhà nghề, như bóng đá, quần vợt, bóng rổ… 

Nói cách khác, nếu cứ mặc định “thuận theo tự nhiên”, đợi thể chất người Việt ngang bằng người Âu, Mỹ thì chẳng biết đến bao giờ thể thao Việt Nam mới tiệm cận đến trình độ quốc tế. Chúng ta không thể có một “kỷ lục gia” Đông Nam Á nếu Nguyễn Thị Ánh Viên có tố chất về thể hình hơn người trong môn bơi, nơi mà chiến thắng có thể chỉ được quyết định bằng một vài centimet hơn nhau ở sải tay. Ở chiều ngược lại, kỹ thuật đánh cầu của Nguyễn Tiến Minh dù có tốt bao nhiêu thì tay vợt từng đứng hạng 7 thế giới cũng không thể thắng các đối thủ to lớn của Trung Quốc hay Malaysia, Đan Mạch…

Vấn đề là những môn thể thao có nhiều trở ngại ấy lại được người Việt Nam yêu thích, có phong trào rất tốt trong nước. Đấy là một nghịch lý… đáng yêu. Ý thức cầu tiến, năng lực hòa nhập với cái mới, khiến cho những môn thể thao chuyên nghiệp như bóng đá, quần vợt, bóng rổ, golf, xe đạp… được phát triển mạnh tại Việt Nam. Xét về mặt trình độ thì không có gì cản được VĐV Việt Nam, nhưng thể hình rõ ràng là rào cản khó vượt qua. Trong khi đó, cùng với sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước, làn sóng Việt kiều hướng về quê cha đất mẹ ngày một nhiều và họ thực sự muốn được đóng góp cho quê hương.

Cần một chiến lược dài hơi

Câu chuyện ở quần vợt ít nhiều cũng gợi ra một “dư địa” nhưng cũng là khoảng trống nhiều mâu thuẫn của thể thao Việt Nam trong thời gian qua, khi mà nguồn lực từ những người con mang dòng máu Việt đang thành công ở nước ngoài vẫn chưa được khơi thông một cách đúng mức theo một chiến lược bài bản với một tham vọng lớn hơn.

Khơi nguồn lực mới cho thể thao ảnh 2 Thủ môn Đặng Văn Lâm là điển hình cho sự thành công của các cầu thủ Việt kiều.
Chúng ta đã có một thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên được chuyển nhượng chính thức tại giải đấu hàng đầu châu Á là J-League (Nhật Bản). Không có tố chất của một người sinh ra tại Nga thì cũng khó để Đặng Văn Lâm vươn lên như vậy. Một Việt kiều khác là Filip Nguyễn rất mong mỏi khoác áo đội tuyển Việt Nam nhưng vướng thủ tục nhập tịch dù anh này trình độ còn cao hơn Đặng Văn Lâm.

Nhưng cũng có trường hợp như Lee Nguyễn hay Tristian Đỗ thì lại chọn nơi khác để cống hiến. Hoặc hiện nay, có trường hợp Jason Pendent với tên Việt Nam là Quang Vinh (bố người Pháp, mẹ người Việt) đang chơi bóng ở giải nhà nghề Mỹ khi mới 19 tuổi, chưa quyết định có nhập tịch Việt Nam hay không.

Quyết định của mỗi cá nhân là điều thiêng liêng. Những VĐV Việt kiều thì về lý thuyết đều có từ 2 quốc tịch trở lên, khi thành công, thông thường họ sẽ lựa chọn việc thi đấu cho nơi có thể giúp tài năng mình phát triển tốt nhất. Điều này cho thấy bên cạnh yếu tố cội nguồn thì các chiến lược về phát triển nguồn lực của nhà quản lý thể thao rất quan trọng. Lấy ví dụ như ở môn quần vợt, với các tay vợt Việt kiều có trình độ cao có thể đặt tham vọng lớn tại những đấu trường như Asiad hay Cúp quần vợt đồng đội Davis. Hoặc như bóng đá, khi cơ hội tham dự World Cup không còn là một giấc mơ, thì việc đẩy nhanh nhập tịch cho các cầu thủ Việt kiều cũng là một giải pháp cần chú trọng.

Chúng ta không thể thành công ở quần vợt, bóng đá hay bóng rổ, bóng chuyền… với thể chất hiện nay. Những ưu thế về thông minh, khéo léo cần phải được bổ sung yếu tố thể hình và tư duy ngoại. Hơn nữa, làn sóng Việt kiều nhập tịch để khoác áo tuyển Việt Nam còn mang đến giá trị hình ảnh và có tính chất truyền cảm hứng tốt cho nền thể thao. 

Tức là nếu thể thao Việt Nam không thể hiện tham vọng một cách cụ thể, không có môi trường thi đấu chuyên nghiệp thì liệu có nhận được sự quan tâm của những VĐV Việt kiều hay không, kể cả khi họ thực sự muốn nhập tịch Việt Nam? Để có thể nhập tịch, bản thân các VĐV Việt kiều cũng đã phải hy sinh nhiều thứ, thế nên họ cũng cần có sự hỗ trợ và những định hướng lâu dài của những nhà quản lý.

Chưa kể, nếu chúng ta có một chiến lược đúng đắn thì cũng cần có những nhà chuyên môn theo dõi hoạt động của các VĐV Việt kiều tiềm năng trên thế giới để mời gọi trở về với quê hương. Ở một CLB bóng đá châu Âu, người ta sẵn sàng tung người đi khắp nơi để tìm kiếm nhân tài phù hợp thì thể thao Việt Nam với việc có sẵn một nguồn lực được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài, nếu tận dụng tối đa để phục vụ cho hành trình hòa nhập làng thể thao thế giới của mình sẽ vô cùng thuận lợi.

Xu thế nhập quốc tịch

Thể thao Việt Nam còn e dè với việc sử dụng các VĐV Việt kiều, nhưng ở làng thể thao Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã sử dụng chính sách nhập tịch từ rất lâu chứ không chỉ là những người có gốc gác. 20 năm trước, bóng bàn Singapore đã đi tiên phong trong việc cấp quốc tịch cho những VĐV người Trung Quốc, nhờ đó thống trị môn này suốt 7 kỳ SEA Games liên tiếp. “Chiêu” này được áp dụng sang môn bóng đá, để Singapore có 3 chức vô địch AFF Cup. Thái Lan thì ưa chuộng việc nhập tịch cho các VĐV điền kinh có quốc tịch Mỹ. Indonesia thì tận dụng những VĐV sinh ra tại Bồ Đào Nha, còn Philippines thì có nhiều VĐV đến từ châu Âu.

Tuy nhiên, không phải việc nhập tịch ồ ạt đều đem đến thành công. Điền kinh, bóng đá hay kể cả quần vợt, bơi lội của Việt Nam đều có thể đứng đầu khu vực dù không cần đến những ngoại binh. Nhưng nếu để đạt đến tầm vóc châu Á lẫn thế giới, chúng ta lại cần phải nghĩ đến chính sách này, bởi tại sân chơi châu lục, sự thua sút về thể hình là thiệt thòi rất lớn ngay cả khi trình độ chuyên môn của VĐV rất giỏi.

                                                                                          CHU NGỌC

Tin cùng chuyên mục