Khơi lửa phong trào bóng chuyền

Chia tay sự nghiệp VĐV bóng chuyền đỉnh cao cũng gần 20 năm, nhưng anh Nguyễn Hữu Kiệt vẫn đau đáu giấc mơ xây dựng một đội bóng chuyền nghiệp dư, để vừa thoả đam mê lại vừa giúp phong trào bóng chuyền TPHCM hừng trở lại sau một thời gian dài trầm lắng…

CLB bóng chuyền Cấp nước Chợ Lớn (Quận 5) là cái tên quen thuộc trong làng bóng chuyền TPHCM. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
CLB bóng chuyền Cấp nước Chợ Lớn (Quận 5) là cái tên quen thuộc trong làng bóng chuyền TPHCM. Ảnh: PHÚC NGUYỄN

Phong trào nhưng “chất” chuyên nghiệp

Khi rời CLB bóng chuyền Thép Việt TPHCM năm 2008, HLV Nguyễn Hữu Kiệt xin về lại làm nhân viên Công ty CP cấp nước Chợ Lớn (Quận 5), nơi anh từng phục vụ từ những năm 1997. Vì lý do gia đình, sau đó anh xin tạm dừng công việc, trước khi trở lại từ năm 2016, đồng thời đề xuất lãnh đạo công ty cho thành lập đội bóng chuyền phong trào, trước là giúp cán bộ và nhân viên rèn luyện sức khoẻ, sau là để góp phần khơi dậy truyền thống bóng chuyền ngành cấp nước vốn rất hoành tráng khi xưa.

“Nhờ lãnh đạo công ty ủng hộ, tôi tập hợp được các bạn nhân viên vừa làm vừa dành thời gian để tập. Nhiều anh em trong đội Cấp nước Chợ Lớn (Quận 5) từng xuất thân từ bóng chuyền chuyên nghiệp nên không khó khăn khi huấn luyện. Những bạn biết chơi một chút thì phải uốn nắn và gò lại để có thể hoà nhập vào lối chơi chung”, anh Kiệt tâm sự.

Khơi lửa phong trào bóng chuyền ảnh 1 HLV Nguyễn Hữu Kiệt (trái) và học trò. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Làm bóng chuyền phong trào, lại ở một doanh nghiệp nhà nước, nơi công việc bận rộn và choán gần hết thời gian trong ngày, nhưng anh Kiệt vẫn tìm ra được những khoảng trống để duy trì việc tập luyện cho đội bóng, thậm chí khi có giải phong trào mở rộng ở các tỉnh miền Tây, miền Đông là anh đề xuất lãnh đạo công ty đưa đội đi thi đấu.

“Rất đều đặn, tôi sắp lịch cho đội tập vào các ngày thứ 2-4-6 sau giờ làm tại Nhà thi đấu Tinh Võ của Trung tâm TDTT Quận 5. Các anh ở Ban chấp hành công đoàn và nhất là Ban Tổng giám đốc công ty luôn hỗ trợ, kể cả về việc xếp lịch công tác cho phù hợp với lịch tham dự các giải mở rộng, cho đến ủng hộ kinh phí để đội bóng có thêm nguồn chi tiêu trong tập luyện và thi đấu. Cũng may là đội bóng tập bài bản, giành được một số thành quả nhất định nên thầy trò chúng tôi cảm thấy bớt áy náy trước sự quan tâm của lãnh đạo công ty”, anh Kiệt bày tỏ.

Giữ lửa đam mê

Đội bóng Cấp nước Chợ Lớn (Quận 5) giờ đây đã trở thành cái tên quen thuộc của phong trào bóng chuyền TPHCM. Thầy trò HLV Nguyễn Hữu Kiệt từng 2 lần giành ngôi vô địch TPHCM ở các mùa giải 2017 và 2020, vô địch Đại hội TDTT TPHCM năm 2018… Nhưng điều quan trọng, theo anh Kiệt, chính là câu chuyện những VĐV từng một thời chơi cho đội bóng chuyền nam TPHCM như Ngọc Dũng, Văn Khôi, Thanh Phong, Long Thắng, Duy Khương, Quốc Thái… có công ăn việc làm tử tế, thu nhập từ đồng lương của một nhân viên ghi đồng hồ nước, nhân viên phòng kinh doanh tạm đủ để trang trải sinh hoạt cho gia đình, hơn thế, họ vẫn được thoả chí đam mê với môn bóng chuyền từng gắn bó suốt tuổi thanh xuân của mình.

Khơi lửa phong trào bóng chuyền ảnh 2 CLB Cấp nước Chợ Lớn (Quận 5) vô địch giải thành phố năm 2020. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
HLV Nguyễn Hữu Kiệt nói: “Mừng lắm! Cứ nhìn anh em sau giờ làm xúm vào để tập, đoàn kết khi bước vào sân đấu mà nhiều khi mình không kìm được cảm xúc. Họ cần mẫn trong nhiệm vụ  của một nhân viên cấp nước, nhiệt tình khi chơi bóng chuyền và đón nhận cuộc sống theo cách thật nhẹ nhàng. Anh em trong giới bóng chuyền còn keo sơn được với nhau như thế là hạnh phúc lắm rồi”.

Không chỉ có vậy, anh Kiệt và nhiều thành viên trong đội vẫn trăn trở về phong trào bóng chuyền của TPHCM, nơi được xem là đầu tàu của bóng chuyền phía Nam, cả ở góc độ phong trào lẫn chuyên nghiệp. Hiện có khá nhiều đội bóng tập hợp được lực lượng (như CLB Thiên Tân Sports, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Đại học Hutech…, nhưng chủ yếu hoạt động kiểu thời vụ, đặc biệt là các đội bóng sinh viên.

Khơi lửa phong trào bóng chuyền ảnh 3 Thầy trò đội Cấp nước Chợ Lớn (Quận 5) ăn mừng chiến thắng. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
“Nếu được các doanh nghiệp chăm lo thêm chút nữa, tôi nghĩ phong trào của thành phố còn phát triển hơn, vì đầu tư cho các đội bóng như chúng tôi không hề tốn kém, chỉ tận dụng nhân sự hưởng lương trong công ty để tập luyện khi rảnh rỗi là được. Đến gần đấu trường chuyên nghiệp thì tôi chưa nghĩ, nhưng góp phần thúc đẩy bóng chuyền thành phố đi lên ở mức phong trào cũng đã có ích lắm rồi”, anh Kiệt nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục