“Kẹt cứng” vì mạng xã hội

Trong 3 mùa giải, từ 2015 - 2017, tất cả các trận đấu tại V-League đều được phát trực tiếp trên kênh YouTube của Công ty VPF. Thế nhưng đến mùa 2018, hoạt động này đã phải dừng lại vì những nguyên nhân “khó nói”.

Trận CLB TPHCM thắng CLB Sài Gòn 5 - 0 tại vòng 23 Nuti Cafe V.League 2018 trên sân Thống Nhất
Trận CLB TPHCM thắng CLB Sài Gòn 5 - 0 tại vòng 23 Nuti Cafe V.League 2018 trên sân Thống Nhất

Lợi bất cập hại

Nhiều nhà đài ở Việt Nam có một “thói quen” rất dở, đó là đưa các chương trình do mình độc quyền sản xuất lên các nền tảng miễn phí YouTube, với quan điểm: Nếu mình không đưa lên thì cũng sẽ có người khác làm, chi bằng cứ đưa lên rồi nhờ YouTube bảo vệ bản quyền.

Cách làm này trước mắt là giúp các đài được quảng bá nhiều hơn cho các chương trình của mình, đồng thời cũng có nguồn thu từ quảng cáo trên YouTube. Thế nhưng, về lâu dài thì lại có hại bởi người xem sẽ có thói quen chờ đợi bản phát sóng trên YouTube thay vì xem trực tiếp trên tivi. Như vậy thì chỉ có lợi cho các công ty sản xuất chương trình, các nhà tài trợ chứ lượng xem truyền hình khó mà tăng lên, đồng nghĩa là ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo của nhà đài. Đấy là chưa nói đến việc phát miễn phí đó còn vô tình tạo cho YouTube hay các nền tảng như Facebook có được lượng khán giả riêng của họ nhờ những nội dung hấp dẫn mà họ không cần phải bỏ tiền để sản xuất. Không chóng thì chày, YouTube hay Facebook sẽ nghĩ đến chuyện tạo ra nội dung độc quyền, trường hợp mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh là ví dụ điển hình.

Việc phát sóng V-League trên YouTube ban đầu có lẽ cũng đơn giản là “tăng quyền lợi nhà tài trợ” và đưa V-League đến gần hơn với người hâm mộ. Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam cũng chưa nhận được “cú hích” từ U.23. Thế nhưng những mục tiêu ban đầu lại không đạt kết quả. Nhiều trận đấu phát trên YouTube chỉ thu hút 5.000 - 7.000 lượt xem, trong khi đó khán giả đến sân giảm thê thảm, trung bình 2.000 - 3.000 người mỗi trận. Không có con số thống kê của truyền hình nhưng chắc chắn là có sự cạnh tranh.

Lối thoát

Một cái “hại” khác đó là VPF phải “gồng mình” sản xuất 100% các trận đấu để phục vụ “khán giả YouTube”, bao gồm các trận không có đài truyền hình tham gia. Như vậy, chi phí thì tăng nhưng thông thường các trận đấu không được truyền hình quan tâm thì cũng là những trận kém hấp dẫn, dẫn đến việc không có người xem trên Youtube, thiệt hại gấp đôi, ba lần.

Đó là lý do mà khi vừa nhận chức tại VPF, bầu Tú đã chấm dứt ngay việc phát sóng miễn phí để tiến hành đàm phán lại với các đài truyền hình nhằm giảm bớt chi phí sản xuất. Biện pháp mạnh này ban đầu làm giảm số lượng trận đấu được “lên sóng”, nhưng bù lại khán giả đến sân đông hơn, người xem truyền hình cũng nhiều hơn do các trận đấu được chọn lọc. Các nhà tổ chức tập trung cho những chương trình bên lề để phục vụ người xem trên YouTube hay Facebook. Những biện pháp đó cùng với “hiệu ứng U.23” đã giúp người hâm mộ quay lại với V-League một cách thực chất hơn. Và biết đâu đến một ngày đẹp trời nào đó, bản quyền của V-League sẽ được Facebook hay YouTube mua lại?

Tin cùng chuyên mục