Hướng đi nào điền kinh TPHCM?

Thiếu vắng Lê Tú Chinh do dính chấn thương ngay trước thềm SEA Games 31 có lẽ là mất mát lớn của đoàn thể thao Việt Nam cũng như đơn vị TPHCM. Đây cũng là nỗi trăn trở của những người làm công tác chuyên môn điền kinh thành phố, làm thế nào để tìm kiếm và đào tạo thêm nhiều tài năng tiếp bước Tú Chinh.

Lê Tú Chinh đang trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật chấn thương. Ảnh: P.MINH
Lê Tú Chinh đang trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật chấn thương. Ảnh: P.MINH

Trở lại thời kỳ huy hoàng, điền kinh TPHCM là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho các danh hiệu cá nhân và toàn đoàn tại các giải cấp quốc gia, nổi bật ở đó là những tên tuổi như: Lương Tích Thiện, Nguyễn Đình Minh, Trịnh Đức Thanh, Nguyễn Thị Thanh Hương… Tuy nhiên, sau khi họ giải nghệ thì điền kinh TPHCM đã bị các địa phương vượt mặt, khiến những người làm công tác chuyên môn luôn trăn trở về việc phát triển phong trào để tìm ra những gương mặt kế thừa xứng đáng.

Dù rằng TPHCM là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước, nhưng để tuyển chọn được tài năng chấp nhận theo con đường đỉnh cao và phát triển công tác đào tạo trẻ là cả một vấn đề của những người làm công tác chuyên môn. Bởi con đường thể thao chuyên nghiệp đó là một quá trình dài đầy gian truân, mà chỉ riêng việc đầu tư đào tạo đã có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm.

Hướng đi nào điền kinh TPHCM? ảnh 1 VĐV đội tuyển điền kinh TPHCM tập luyện tại sân Thống Nhất. Ảnh: NGUYỄN ANH
Sau nhiều năm thử nghiệm và tìm phương pháp mới, ban chuyên môn điền kinh TPHCM đã có những thay đổi với kỳ vọng đưa môn thể thao trọng điểm này trở lại với vị trí vốn có. Và rồi họ nhận ra rằng khó khăn lớn nhất chính là nguồn VĐV của TPHCM đang gặp khó, mà lý do bắt nguồn một phần vì cơ sở vật chất.

Ông Trịnh Đức Thanh – Trưởng bộ môn điền kinh TPHCM cho hay: “Lúc trước điền kinh TPHCM vững mạnh là do có được hệ thống sân bãi để phát triển phong trào ở các quận, huyện. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, các sân thường chuyển công năng, làm thành nhà thi đấu hoặc các dịch vụ khác, do đó phần sân tập điền kinh không còn nhiều dẫn đến việc phát triển phong trào bị chững lại, thiếu nguồn VĐV cung cấp cho các tuyến trên. Chúng tôi phải chuyển hướng tìm quân từ các giải học sinh, giải năng khiếu…rồi sau đó tuyển chọn và đào tạo”.

Giảm nguồn từ các đơn vị “vệ tinh” quận huyện, bộ môn điền kinh TPHCM vẫn đang tìm nhiều hướng tháo gỡ khó khăn và triển khai nhiều phương pháp mới. Đó là thành lập ban tuyển chọn với các HLV giàu kinh nghiệm, vững về chuyên môn “săn tìm” tài năng trẻ ở các địa phương. Song công tác này cũng tốn khá nhiều thời gian mới tìm ra được một “ngọc thô” đủ chuẩn. Mục đích chính vẫn là đưa lực lượng về đội tuyển TPHCM, hiện đóng quân ở sân Thống Nhất để đào tạo.

Tin cùng chuyên mục