HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Tôi tìm đến nơi có khát vọng giống mình

Đầu năm 2021, chuyện HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chia tay CLB Ngân hàng Công thương để chuyển về dẫn dắt CLB Quảng Ninh đã gây xôn xao làng bóng chuyền nữ Việt Nam. SGGP đã có cuộc trò chuyện đầu Xuân Tân Sửu với HLV Nguyễn Tuấn Kiệt để hiểu rõ hơn về điều này:

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

*Rời CLB Ngân hàng Công thương sau nhiều năm tháng gắn bó, đâu là điều tiếc nuối nhất đối với anh? Quãng thời gian làm việc ở đây, anh được gì và mất gì?

-Tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng được một đội hình trẻ, đồng đều với trình độ chuyên môn tốt, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng ngôi vị cao nhất của bóng chuyền trong thời gian ít nhất 5-7 năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó yếu tốlớn nhất là cách quản lý hợp đồng VĐV không có sự giàng buộc chặt chẽ nên họ cứ hết thời hạn hợp đồng là chủ động ra đi. NHCT đã mất nguyên một đội hình, đỉnh điểm là vào cuối năm 2020, trước vòng 2 giải VĐQG, có đến 8 VĐV sinh năm 2002 vì nhiều lý do đã xin nghỉ, bỏ lại lỗ hổng lớn, đẩy đội bóng vào cuộc khủng hoảng nhân sự đáng ngại.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Tôi tìm đến nơi có khát vọng giống mình ảnh 1 HLV Nguyễn Tuấn Kiệt gắn liền với những thành công của NHCT nhiều mùa bóng đã qua.
*Ở đội bóng ngân hàng, từ thuở ban đầu gắn bó đến giờ, hình như anh vẫn luôn trăn trở với việc nâng tầm cho các VĐV, từ năng khiếu, lứa trẻ cho đến đội hình chính. Anh và đội bóng đã đi được đến đâu trên chặng đường ấy? Thế hệ tiếp theo của CLB có đủ sức nối tiếp điều đó hay không?

-Trong thời gian ngắn, tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng được lối chơi hiện đại từ đội 1 đến đội trẻ. Điều quan trọng là các VĐV đã thay đổi được tư duy lối chơi cổ điển kéo dài nhiều năm của NHCT. Tôi tự hào vì số VĐV của 3 tuyến đều đáp ứng được lối chơi ở trình độ cao lên tới 35-40 em. Tiếc là bây giờ đội bóng NHCT chỉ còn lại 1/3 quân số ấy vì các cháu rời đi quá nhiều. Tôi cho rằng thế hệ tiếp theo của NHCT thời điểm hiện tại còn rất trẻ, nên ở góc độ quan sát của tôi, đấy là những VĐV có tiềm năng, thể hình tốt. Nhưng còn đủ sức tiếp nối điều đó hay không còn phụ thuộc và cách huấn luyện và dẫn dắt của Ban huấn luyện và các HLV của đội. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ với NHCT.

*Vẫn có những đàm tiếu về chuyện anh rời khỏi đội bóng ngân hàng, trong đó có cả việc các học trò của anh chuyển hướng sự nghiệp, nhưng đấy là sau khi được… HLV tư vấn. Anh bình luận gì về điều này?

-Tôi không cần phải thanh minh. Thực tế là các VĐV đã đủ lớn, đủ trưởng thành để hiểu rằng ai là người sẽ giúp họ nâng tầm, chắp cánh cho tương lai.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Tôi tìm đến nơi có khát vọng giống mình ảnh 2 Đội hình NHCT liên tục được bổ sung những gương mặt trẻ tài năng.
*Đến với Quảng Ninh, đội bóng dù tham vọng nhưng chưa thể chen chân vào nhóm những đội bóng hay nhất ở Việt Nam, anh có cảm nhận được sức ép phải thành công là rất lớn hay không? Với những “chất liệu” con người hiện tại, đội bóng đất Mỏ ra sao có triển vọng trở thành một trong những “thế lực” ở làng bóng chuyền nữ Việt Nam trong tương lai hay không?

-Trong thể thao, đội bóng nào cũng luôn mong thành công. Đối với cá nhân tôi, sức ép luôn được xem là động lực để vươn tới thành công. Điển hình như năm 2018, khi tôi nhận lời dẫn dắt Đội tuyển nữ Việt Nam dự Asiad 2018 và sau đó là SEA Game 30-2019. Khi sức ép đổ lên vai, bạn cần bình tĩnh, giải quyết từng khiếm khuyết một, tập trung hoàn toàn tâm trí cho mục tiêu mình sẽ hướng đến, giữ cho cái đầu tỉnh táo và không bị xao lãng bởi những chuyện ngoài chuyên môn. Với tôi, cứ làm việc hết mình thì tự khắc thành công sẽ tìm đến.

Còn ở đội bóng Quảng Ninh hiện tại, lực lượng VĐV rất mỏng nên muốn trở thành thế lực trong làng bóng chuyền Việt Nam là chuyện của… tương lai. Lúc này, tôi và các HLV sẽ cùng ngồi lại để xây dựng một lộ trình, hướng đi rõ ràng, đầu tiên là giúp củng cố lại các tuyến VĐV, sau đó là định hình bộ khung và lối chơi. Tôi nghĩ cũng sớm thôi, Quảng Ninh sẽ trở thành một đội bóng mạnh ở sân chơi quốc gia.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Tôi tìm đến nơi có khát vọng giống mình ảnh 3 Nhận lời chuyển về dẫn dắt CLB Quảng Ninh là một quyết định gây xôn xao làng bóng chuyền nữ của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt.
*Động lực nào đã kích hoạt quyết định của anh về Quảng Ninh làm việc, thay vì nhận lời mời chào đến từ những đội bóng mạnh khác, kể cả ở miền Bắc lẫn miền Nam?

-Sau một lần được gặp và làm việc cùng các anh Nguyễn Thanh Tùng và Lương Quảng ở Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, tôi đã bị thuyết phục trước sự nghiêm túc và quyết tâm xây dựng đội bóng chuyền nữ của tỉnh thành một tập thể mạnh. Chúng tôi đã nói nhiều về hướng đi, về con người, về khát vọng… của bóng chuyền nữ Quảng Ninh và nhận thấy cần phải đồng hành cùng nhau vì một tương lai mới mẻ hơn. Tôi đang tìm đến nơi có khát vọng giống mình.

*Ở góc nhìn của một HLV trưởng, tức là người toàn quyền hoạch định chiến thuật và sử dụng con người, điều cần thiết tạo nên một tập thể mạnh là gì, theo anh? 3 năm làm việc tại Quảng Ninh, đích ngắm quan trọng nhất của anh là gì?

-Đối với tôi, đầu tiên là tính kỷ luật và đoàn kết VĐV phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết. 3 năm làm việc thì đích ngắm quan trọng nhất chính là tôi sẽ giúp đội bóng cải thiện thành tích, ổn định lực lượng lẫn lối chơi để tạo nền móng vững chắc lâu dài. Tôi luôn ưu tiên mở ra cơ hội cho những VĐV trẻ, vì họ chính là tương lai của đội bóng.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Tôi tìm đến nơi có khát vọng giống mình ảnh 4 Trợ lý cho ông Kiệt ở đội Quảng Ninh sẽ là HLV Lê Thị Hiền (giữa), từng cùng chung vai đấu cật đưa Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vượt khó ở giai đoạn 2018-2019.
*Bóng chuyền nữ Quảng Ninh đang ở đâu so với những tên tuổi giàu truyền thống như Thông tin LVPB, VTV Bình Điền Long An, Thái Bình hay kể cả đội bóng cũ mà anh từng phục vụ là Ngân hàng Công thương? Đấy là chưa kể sự xuất hiện của các đội bóng mới như Kinh Bắc Bắc Ninh hay Hoá chất Đức Giang HN đang tạo nên cuộc tranh đua khốc liệt? CLB Quảng Ninh sẽ ở đâu giữa cuộc chiến ấy?

-Trước khi tôi đến, đội bóng Than Quảng Ninh đang nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng. Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu đưa Quảng Ninh vào tốp 4 hoặc cao hơn nữa là tranh chấp huy chương.

*Bóng chuyền Việt Nam hiện vẫn phát triển kiểu tự phát, ai giàu tiềm lực tài chính thì làm một kiểu, còn các đội bóng nhà nghèo thì “an phận thủ thường” với khoản đầu tư kinh phí ít ỏi từ địa phương. Điều đó đã làm nảy sinh sự phức tạp trong chuyển nhượng VĐV. Anh đánh giá vấn đề này ra sao?

-Quan điểm của tôi là nếu không phát triển tốt mảng thể thao học đường để tìm kiếm nguồn nhân lực, đồng thời nếu không thay đổi cách làm hiện nay theo hướng chuyên nghiệp hơn thì sự phức tạp này sẽ còn kéo dài. Tất nhiên, điều đó sẽ tác động không tốt đến môi trường bóng chuyền lành mạnh, khiến các địa phương, CLB đang xây dựng bài bản cảm thấy thất vọng.

*Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi.

Tin cùng chuyên mục