Hành trình “săn vàng” của cung thủ An San

Lần đầu tiên đến với đấu trường Olympic, An San mang trong mình những ước mơ và hoài bão của cô gái tuổi đôi mươi. Để trở thành vận động viên (VĐV) đầu tiên trong lịch sử bắn cung Olympic hiện đại giành được 3 HCV Thế vận hội, nữ cung thủ người Hàn Quốc phải trải qua chuyến hành trình rất dài và đầy thử thách.

An San trở thành biểu tượng mới của bắn cung Hàn Quốc sau Olympic Tokyo 2020. Ảnh: GETTY
An San trở thành biểu tượng mới của bắn cung Hàn Quốc sau Olympic Tokyo 2020. Ảnh: GETTY

Olympic Tokyo 2020 đã mang đến cho người hâm mộ thể thao nhiều bất ngờ và những khoảnh khắc khó quên. Đó là cảm xúc vỡ òa khi Philippines lần đầu giành được tấm huy chương vàng Olympic, cho đến những kỷ lục Olympic mới được xác lập. Giữa rất nhiều khoảnh khắc như thế, giới mộ điệu đặc biệt chú ý đến là hình ảnh một nữ cung thủ Hàn Quốc 3 lần nhận được tấm HCV danh giá. Đó chính là An San, nữ cung thủ mới 20 tuổi nhưng đạt được thành tích đáng nể trong kỳ Olympic đầu tiên của mình.

Từ năm 1972 cho đến năm 1984, khi môn bắn cung lần nữa được thêm vào Thế vận hội thì chỉ tranh tài ở nội dung cá nhân. Các nội dung đồng đội bắt đầu được thi đấu từ năm 1988, như vậy một cung thủ có thể giành được 2 huy chương Olympic. Ở Olympic Tokyo 2020, nội dung hỗn hợp nam- nữ lần đầu được tổ chức tranh tài, nâng tổng số huy chương mà một cung thủ có thể nhận là 3. Và chính An San, người đã xô đổ kỷ lục Olympic tồn tại 25 năm qua khi ghi được 680 điểm trong vòng loại, cũng trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử bắn cung Olympic hiện đại giành HCV cả ở cả 3 nội dung: hỗn hợp, đồng đội và cá nhân.

An San theo học bắn cung từ hồi tiểu học. Năm lớp 3, cô xin vào câu lạc bộ bắn cung ở trường chỉ với mục đích duy nhất là để nhận những gói bim bim. Cô nàng sinh năm 2001 cũng không ngờ rằng sẽ có ngày mình giành được 3 HCV ngay lần đầu tiên tham dự Olympic. Khi được hỏi liệu nữ VĐV có xem bản thân là một trong những cung thủ giỏi nhất trong lịch sử Hàn Quốc hay không, An San nói: “Tôi không nghĩ mình nằm trong số đó. 3 HCV không phải là tất cả, tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Sau khi giành HCV nội dung đồng đội và hỗn hợp, tôi đã rất băn khoăn không biết mình có thể giành được HCV thứ 3 hay không. Nhưng cuối cùng tôi đã làm được, tôi cảm thấy biết ơn những người thầy, người đồng đội đã giúp đỡ tôi để đạt được thành tích này.”

Hành trình “săn vàng” của cung thủ An San ảnh 1 Với 3 HCV, An San giúp bắn cung Hàn Quốc thành công mỹ mãn tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: REUTERS
Giành được HCV cá nhân tại Olympic không phải điều dễ dàng, hơn nữa việc này cũng ít xảy ra với những VĐV lần đầu tham dự Thế vận hội. Vậy điều gì đã giúp An San làm nên những chiến thắng? Các cung thủ thường đề cập đến “sự tự tin” đã giúp họ tạo nên chiến thắng. Sự tự tin được nói đến có thể lý giải như việc họ tuyệt đối tin tưởng vào bản thân, bình tĩnh thực hiện những lượt bắn.

Lần đầu tiên tại Thế vận hội, nhịp tim của các cung thủ trong lúc thi đấu được hiển thị trực tiếp trên màn hình, giúp khán giả phần nào cảm nhận được những áp lực của cung thủ khi hoàn thành một lượt bắn. Trong lượt bắn quyết định tại trận chung kết nội dung đơn nữ Olympic, nhịp tim của An San vẫn ở mức bình thường 100 nhịp mỗi phút. Trong khi đó, đối thủ của cô là VĐV Osipova (ROC) cảm thấy khá căng thẳng với mức nhịp tim là 160 nhịp mỗi phút. Chính sự điềm tĩnh như thế đã giúp An San đưa tên vào thẳng điểm 10 và giành HCV ở nội dung đơn nữ.

Chia tay Olympic Tokyo 2020, giới mộ điệu đầy mong chờ đến Olympic Paris 2024 diễn ra vào 3 năm tới. Tất nhiên, những người hâm mộ bộ môn bắn cung mong muốn sẽ được thấy sự trưởng thành của An San qua các giải vô địch thế giới trong thời gian sắp tới cũng như hy vọng cô sẽ có mặt tại kỳ Thế vận hội Paris 2024 để làm nên lịch sử một lần nữa.

Tin cùng chuyên mục