Giữ gìn hình ảnh

CLB TPHCM vừa tái bổ nhiệm HLV Chung Hae-seung, chỉ sau một thời gian ngắn tưởng đã chia tay ông này. Vụ việc làm nhiều người thấy lộn xộn, buồn cười. Thực ra thì hợp đồng của HLV người Hàn Quốc và đội bóng chưa hề được thanh lý. Phía CLB muốn chuyển ông sang chức danh GĐKT, còn ông thì lại không muốn nên yêu cầu bồi thường để chính thức chia tay. 

Cách hành xử của ông Chung rõ ràng thể hiện tính chuyên nghiệp cao hơn. Việc nào ra việc ấy, không có chuyện trả lương xong rồi bảo người khác phải làm cái này, cái nọ không đúng thỏa thuận ban đầu.

Tiếc là những “phốt” kiểu này vẫn đều đặn xuất hiện ở bóng đá Việt Nam, chủ yếu với các HLV và cầu thủ nước ngoài, nên hình ảnh của bóng đá Việt Nam không tốt lên được. Mới đầu mùa giải, Thanh Hóa sa thải đột ngột HLV người Italy thông qua buổi bỏ phiếu của cầu thủ; điều này làm chuyên gia nước ngoài tổn thương, giận dữ đòi kiện lên FIFA. Rồi mới đây, 2 đội bóng Quảng Ninh và Hải Phòng trao đổi cầu thủ với nhau, nhưng một ngoại binh vốn là người trong cuộc phải thốt lên “họ xem tôi như món hàng” vì không ai thông báo cho anh cả. Hồi năm ngoái, đội Hải Phòng cũng từng dính một vụ lùm xùm liên quan đến quyền lợi của ngoại binh. 

Nhiều CLB xem đấy là những sự cố nhỏ, khi xảy ra việc thì cũng cố gắng dấm dúi giải quyết cho êm. Nhưng xét ở góc độ rộng hơn, các lùm xùm kiểu như vậy lại phản ảnh tính nghiệp dư trong con mắt của thế giới bóng đá. Chúng ta vừa khiến họ ngưỡng mộ về thành tích thi đấu quốc tế ở cấp độ đội tuyển, qua đó thu hút được nhiều HLV tên tuổi, các cầu thủ ngoại có chất lượng đến làm việc. Thì ngay sau đó, lại phô bày kiểu làm ăn “tùy hứng”, không theo thông lệ quốc tế trong các hoạt động chuyển nhượng, ký kết hợp đồng. Ít nhiều thì uy tín bóng đá Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu sẽ bị ngờ vực. Bởi về lý thuyết, cho dù tài năng đến mấy mà trưởng thành từ môi trường chưa chuyên nghiệp thì cũng khó có triển vọng ở những nơi có đẳng cấp cao hơn.

Đây có thể là điều dùng để giải thích cho việc Công Phượng, Văn Hậu được các CLB mượn về, trả lương nhưng… không sử dụng. Có thể, họ không đủ lòng tin để tạo cơ hội thi đấu cho cầu thủ Việt Nam, lo ngại sẽ có mâu thuẫn nội bộ nếu các cầu thủ khác phản ứng. Điều này khác những cầu thủ Thái Lan khi sang Nhật Bản chơi bóng, đều được đưa ra sân ở J-League 1. Họ chưa chắc giỏi hơn cầu thủ Việt Nam, cũng chưa chắc đủ sức hòa nhập và có chỗ đứng vững chắc. Nhưng chắc chắn là họ luôn được các CLB hàng đầu Nhật Bản tin tưởng sử dụng, nhờ sự bảo đảm từ Thai - League, một giải đấu áp dụng đúng tiêu chuẩn của ngoại hạng Anh từ sân bãi đến các yếu tố nhỏ nhất thi đấu. Những yếu tố mang tính hình ảnh ấy là điều mà nhiều CLB tại V-League không có, chưa kể, họ còn sẵn sàng hạ thấp hình ảnh của chính mình, như kiểu “hết tiền bỏ giải” ở Thanh Hóa mới đây.

Tin cùng chuyên mục