Giải mã tuyển Thái Lan

Dựa vào phong cách làm việc ở đội tuyển Nhật Bản trước đây, giới quan sát nhận định rằng, HLV Akira Nishino nhiều khả năng sẽ áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 cho đội tuyển Thái Lan trong trận đấu với Việt Nam vào chiều 5-9.
Các tuyển thủ Thái Lan tập luyện trước cuộc đối đầu căng thẳng với tuyển Việt Nam. Ảnh: NHẬT ANH
Các tuyển thủ Thái Lan tập luyện trước cuộc đối đầu căng thẳng với tuyển Việt Nam. Ảnh: NHẬT ANH

Đấy là lý do vì sao vị chuyên gia người Nhật Bản triệu tập rất ít tiền đạo, trong khi chọn nhiều tiền vệ. Rõ ràng, kể từ ngày tiếp quản đội tuyển Thái Lan, ông Nishino đã đưa ra những cách tân về mọi mặt, trong đó có việc xây dựng một tuyến giữa vừa có sức mạnh, lại vừa giỏi kiến thiết lối chơi.

Có trong tay khá nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, đặc biệt là tiền vệ khá sáng tạo Chanathip Songkrasin, HLV Nishino rất tham vọng thúc các học trò chiếm lĩnh khu trung tuyến ngay từ phút nhập cuộc, tạo nên một thế trận khoáng đạt và luôn gây được sức ép lớn lên phần sân đối phương.

Nhờ tuyến tiền vệ quy tụ được hầu hết các gương mặt tài năng như Chanathip Songkrasin, Tanaboon Kerasat, Sarach Yooyen, Thitiphan Puanchang hay Sanrawat Dechmitr, đội bóng xứ chùa vàng có phần tự tin trước thời điểm khai cuộc vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Theo đánh giá của báo chí Thái Lan, những cầu thủ này được xác định là đặc biệt quan trọng trong lối chơi của đội tuyển, thậm chí có khả năng xoay chuyển cục diện hoặc quyết định số phận trận đấu.

Nhưng với quỹ thời gian làm việc chưa nhiều, không dễ gì cho ông Nishino cải thiện được phong độ đang có chiều hướng đi xuống của Thái Lan. Nên nhớ rằng, nơi yếu nhất của đội bóng xứ chùa vàng chính là hàng phòng ngự khá lỏng lẻo và chưa thể hiện được khả năng bọc lót cho nhau trong nhiều trận đấu gần đây.

Hầu hết những bàn thua của Thái Lan kể từ AFF Cup 2018 đến Asian Cup 2019 và King’s Cup 2019 đều xuất phát từ sai lầm của các cầu thủ phòng ngự, ngay cả khi họ đá với các đối thủ bị đánh giá thấp hơn như Indonesia, Philippines hay Malaysia. Có thể nhận thấy, các hậu vệ Pansa Hemviboon, Adisorn Promrak, Manuel Bihr mặc dù sở hữu thể hình cao to, giàu sức mạnh nhưng thiếu tính linh hoạt, khả năng xoay trở chậm chạp, phán đoán tình huống không tốt… luôn đặt cho khung thành của Thái Lan vào trạng thái nguy hiểm.

Nên trong cuộc đối đầu với Việt Nam, đội bóng mà hầu hết các tuyển thủ Thái Lan đều cho rằng “khó nhằn” nhất tại bảng G của vòng loại, nếu hàng phòng ngự lơ đễnh, thầy trò của ông Nishino có thể nếm trái đắng trước những cầu thủ giàu tốc độ và “át thủ” như Quang Hải, Văn Toàn, Công Phượng, Anh Đức…

Còn một chi tiết nữa đó là, lịch sử đối đầu đang nghiêng về Việt Nam ít nhất là trong 11 lần đụng độ gần nhất (Việt Nam thắng 6 và hoà 5 trận).

Tin cùng chuyên mục