Giải điền kinh VĐTG London 2017: Farah muốn thắng “cú đúp”

Cũng như Usain Bolt, Mo Farah là một nhân vật chính đáng chú ý ở giải điền kinh VĐTG 2017 tại London (Anh quốc). 
Thứ nhất, anh cũng là một ngôi sao sáng trong làng điền kinh thế giới. Thứ hai, cũng như Bolt, đây sẽ là lần cuối cùng anh tham gia các cự ly sở trường, với anh, đó là chạy 5.000m và 10.000m, nhưng không như Bolt – người sẽ giải nghệ, với Farah, sau giải đấu tại London năm nay, anh sẽ tập trung vào các cự ly đường trường như là bán marathon, và marathon, để hướng đến Olympic Tokyo 2020. Thứ 3, anh là niềm hy vọng số 1 của nước chủ nhà, trong bối cảnh những ngôi sao điền kinh Anh quốc khác như là Greg Rutherford đã rút lui vì chấn thương, còn Jessica Ennis-Hill đã giải nghệ. Thứ 4, quan trọng nhất, đó là vì anh đặt mục tiêu giành cú đúp HCV trong 2 cự ly 5.000m và 10.000m sở trường.
Giải điền kinh VĐTG London 2017: Farah muốn thắng “cú đúp” ảnh 1 Mo Farag (phải) muốn thắng “cú đúp” tại London.
VĐV người Anh gốc Somalia này đã thống lĩnh đường chạy 5.000m và 10.000m suốt từ năm 2011 cho đến nay. Cùng một lúc, anh đã thắng 5 HCV, vừa ở các giải VĐTG, vừa ở các giải Olympic, trong cự ly 5.000m; trong khi đó, anh đã thắng 4 HCV và 1 HCB trong cự ly chạy 10.000m ở các kỳ giải VĐTG và Olympic. Nhờ khả năng chiếm ưu thế gần như tuyệt đối này, nếu bảo vệ thành công 2 danh hiệu VĐTG tại London, với Farah, đường chạy 5.000m và 10.000m sẽ không còn gì mới lạ nữa. Đó là lý do anh đang bắt đầu tập trung vào các nội dung thi đấu khác, dài hơi hơn, và khắc nghiệt hơn, đó là cự ly bán marathon và đặc biệt là cự ly marathon, nơi anh muốn ghi dấu ấn tại kỳ Thế vận hội 3 năm sau tại Nhật Bản. Trong khi Bolt, 30 tuổi, lựa chọn ngơi nghỉ, Farah, 34 tuổi, lựa chọn thử thách khó khăn hơn…
Trong suốt thời gian “xưng hùng xưng bá” của mình, Farah đã đối mặt với rất nhiều “hảo thủ” chạy đường trường đến từ 2 đất nước sản sinh ra rất nhiều VĐV chạy đường trường danh tiếng là Kenya và Ethiopia. Những đối thủ của anh, có những người được xưng tụng là huyền thoại, bao gồm Paavo Nurmi, Lasse Viren, Emil Zatopek, Haile Gebrselassie và Kenenisa Bekele… Tuy vậy, cũng như “Vua tốc độ”, người luôn giành chiến thắng ở các giải đấu lớn, Farah (có “đế chế” ngắn ngày hơn của Bolt 3 năm, Bolt thành danh năm 2008, đến năm 2011, ở Daegu – Hàn Quốc, Farah mới bắt đầu “danh trấn giang hồ”) là người về đích sớm nhất ở những kỳ giải đình đám như là VĐTG, Olympic. Anh cũng là một huyền thoại trong các huyền thoại, dù cự ly của anh không thể hấp dẫn bằng đường chạy 100m và 200m của Bolt.
Dù mang lại rất nhiều vinh quang cho Anh quốc, nhưng do xuất xứ “không thuần chất” của mình, Farah ít khi được người Anh vinh danh. Chỉ có một lần duy nhất, hồi năm 2011, là anh lọt vào tốp 3 VĐV xuất sắc nhất trong cuộc bầu chọn Nhân vật thể thao của năm do BBC tổ chức. Điều đó khiến cho ngôi sao 3 môn phối hợp Alistar Brownlee cảm thấy bất bình. Nói về Farah, người đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ vào cuối năm ngoái (chung đợt với Andy Murray), nhưng chỉ xếp hạng 4 trong cuộc bầu chọn Nhân vật thể thao của năm 2016, dù đã thắng đến 2 tấm HCV ở Olympic Rio de Janeiro, Brownlee cho biết: “Thật là đáng buồn, bởi vì đối với tôi, anh ấy là một câu chuyện Anh hoàn hảo. Đó là những gì chúng ta nên kể về, một con người đến với Anh khi là một chàng trai trẻ, là một người tị nạn, và được định dạng là một con người rất tuyệt vời, để giờ đây, đại diện cho Anh quốc ở cương vị VĐV điền kinh xuất sắc nhất thế giới. Đó là câu chuyện Anh quốc diệu kỳ”.
Về phần mình, Farah luôn ý thức được những bất lợi mà anh phải đối mặt, không chỉ trong quá khứ khi anh vẫn chưa có tên tuổi, mà còn ở thời điểm hiện tại. Farah cho biết trên “The Big Issue”, một Tạp chí phát hành hàng tuần chỉ chuyên bán cho những người không nhà: “Rất khó để thích nghi với cuộc sống tại thành phố London, nhất là khi bạn mới… 8 tuổi. Nhưng bằng một cách nào đó, bạn phải tìm ra cách thích nghi mà thôi. Bạn kết bạn với mọi người, tôi luôn được chấp nhận khi tìm bạn, tôi nghĩ, đó là vì không bao giờ tôi nghĩ mình khác biệt với những người khác, một màu da khác biệt chẳng hạn. Tôi có những người bạn da màu, và cũng có những người bạn da trắng. Tôi luôn dễ dàng lướt qua mọi thứ. Với những câu bình luận theo các biến cố sự việc, đơn giản, tôi lựa chọn cách không nghe chúng mà thôi. Tôi chạy rất hay, thế nên, những đứa trẻ thích tôi về điều đó. Có lẽ, nếu tôi không bắt đầu chạy, tôi sẽ không thể kết bạn với nhiều người, gặp gỡ nhiều gương mặt, và học hỏi nhiều ngôn ngữ một cách nhanh chóng như những gì tôi từng trải qua”.
Giờ đây, thi đấu đã không còn là ưu tiên hàng đầu của Farah nữa, anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, với vợ là cô Tania và 4 đứa nhóc tì, trong đó có cặp sinh đôi nữ ra đời ngay sau khi anh thắng “cú đúp” HCV ở Brazil hồi mùa Hè năm ngoái. Farah có chút luyến tiếc khi thời nhỏ, anh thiếu tính kỷ luật và ham chơi, nếu không di sản của anh biết đâu cũng sẽ “dài lâu” như những gì Bolt từng trải. “Tôi không tập trung khi 16 tuổi. Tôi chỉ thích đi học vì có thời gian gặp gỡ bạn bè, tôi không chú tâm và nghiêm túc trên đường chạy. tôi không phàn nàn những gì đã xảy ra, nhưng nếu hồi đó tôi nghe lời HLV của tôi, có lẽ, giờ đây tôi đã có thành công to lớn hơn nữa. Tôi đã có thể thắng nhiều HCV hơn nữa”, Farah tâm sự.
Nhưng có khi như vậy, anh đã chẳng phải là chính anh, một người đang tranh đấu cho vinh dự của Anh quốc dù người Anh có thiện cảm hay không và sẽ khuấy động đường đua 5.000m và 10.000m thêm một lần nữa, một lần cuối cùng.
Mo Farah sắp có hợp đồng “khủng”. Anh sẽ chính thức giải nghệ sau giải vô địch thế giới vào tháng 8 tới. Hiện tại, rất nhiều “ông trùm” đường chạy Marathon ở thủ đô London cho biết sẵn sàng đưa ra các bản hợp đồng hàng triệu USD để rước VĐV từng giành 4 HCV Olympic đường chạy 5.000 và 10.000m này.

Tin cùng chuyên mục