Giá trị của bóng đá trẻ

Đã qua rất lâu thời của việc mua ngôi sao để tìm danh hiệu, những thành công gần đây ở V-League đều liên quan đến bóng đá trẻ. Chuyện này ai cũng thấy, cũng công nhận, nhưng có làm hay không thì… còn tùy.

HLV Phan Thanh Hùng.
HLV Phan Thanh Hùng.

Khi HLV Phan Thanh Hùng bất ngờ trở về Đà Nẵng để thay chỗ của HLV Lê Huỳnh Đức vừa nộp đơn từ chức, thì người ta mới chợt nhớ rằng, lần cuối cùng mà bóng đá Đà Nẵng có được thành tích tốt ở bóng đá trẻ đã cách đây gần 10 năm, với việc vào đến chung kết giải U19 quốc gia năm 2012.

Nhớ như vậy là bởi khi ông Phan Thanh Hùng còn ở Đà Nẵng, bóng đá trẻ nơi đây rất thành công. Ông chính là người giúp SHB Đà Nẵng vô địch giải U21 quốc gia năm 2008, một năm sau đó đội bóng này bảo vệ danh hiệu thành công. Ông Phan Thanh Hùng trước đó, là HLV trưởng của đội 1 SHB Đà Nẵng nhưng bị thay thế bởi HLV Lê Huỳnh Đức. Tuy vậy, những người biết ông Hùng đều thừa nhận, ông là mẫu HLV chuyên xây dựng hệ thống rất giỏi.

Thực tế đã chứng minh, với hệ thống mà ông Phan Thanh Hùng xây dựng, SHB Đà Nẵng dưới quyền HLV Lê Huỳnh Đức đã thi đấu rất thành công giai đoạn từ 2009 đến 2014, với 2 chức vô địch V-League. Cá nhân ông Hùng, khi ra Hà Nội làm HLV trưởng từ năm 2010, cũng đã xây dựng một nền tảng còn thành công vang dội hơn cho đội bóng thủ đô. Năm 2016, ông đến Than Quảng Ninh và cũng lập tức thay đổi toàn diện đội bóng này sau 5 năm làm việc.

Những chức vô địch của Hà Nội FC, Viettel và sự thăng hoa của HA.GL mùa giải này đều là lời khẳng định sự thắng thế của lối làm bóng đá từ gốc, tức là khâu bóng đá trẻ. Các đội bóng đang mạnh nhất V-League hiện nay, đa phần đều có nền tảng đào tạo rất tốt, có lực lượng chính đến từ các tuyến trẻ của mình, và cũng là những đội thống trị ở các giải đấu U.

Giá trị của bóng đá trẻ ảnh 1 HLV Lê Huỳnh Đức và HLV Phan Thanh Hùng.
Ở chiều ngược lại, một số đội bóng mơi gia nhập V-League vài mùa gần đây như CLB TPHCM, Sài Gòn FC, Hà Tĩnh… khá vất vả trong việc tìm kiếm thành tích. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là bất ổn lực lượng. Ví dụ như CLB TPHCM, trong 3 mùa qua đã chuyển nhượng tới - lui 47 con người. Đợi Sài Gòn FC thì đầu mùa này thay đổi đến 2/3 đội hình. Tuyến trẻ không có, thì phải mua cầu thủ ở nơi khác, mà như vậy thì cũng khó đòi hỏi yếu tố màu cờ sắc áo sâu nặng được.

Bài học của SHB Đà Nẵng là rất điển hình. Đây là một trong những làng cầu có truyền thống, có thành tích và có tiếng tăm về bóng đá trẻ. Nhưng chỉ cần lơ là, ngủ quên trên đỉnh cao quá lâu, thì mọi thứ vẫn có thể  đi chệch hướng hoàn toàn. Rất may, với việc mời HLV Phan Thanh Hùng hồi hương, có lẽ bóng đá Đà Nẵng cũng đã nhận ra điểm yếu của mình. Hoặc như trường hợp của SLNA, “lò” đào tạo bóng đá số 1 Việt Nam, cho đến lúc này cũng đang khốn khổ đối diện với nguy  cơ xuống hạng khi họ không còn sản sinh ra những tài năng được nữa.

Tin cùng chuyên mục