Đường dài cho các tài năng

Quyết định rút khỏi đội tuyển bơi lội quốc gia và không tham dự SEA Games 31 của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tạo ra không ít hụt hẫng cho người hâm mộ thể thao, cho dù là việc đã biết trước. 

Sự vắng mặt của “tiểu tiên cá” 25 tuổi từng dự 5 kỳ SEA Games ngay lập tức có những tác động: bơi Việt Nam sẽ thi đấu đủ 40 nội dung tại SEA Games 31 nhưng mục tiêu chỉ từ 5-6 HCV, tức là chưa bằng số lượng huy chương mà một mình Ánh Viên giành được ở SEA Games 30.

Sau 3 năm, do điều kiện tập luyện không thuận lợi như trước, khả năng Ánh Viên giành nhiều HCV cho bơi Việt Nam nếu có mặt tại SEA Games 31 cũng không nhiều. Nhưng theo các chuyên gia, nếu sự rút lui của Ánh Viên xuất phát từ việc “nhường sân” cho những người thay thế tài giỏi hơn thì chẳng có gì để nói, nhưng sự vắng mặt này để lại nhiều điều cần phải suy nghĩ.

Lấy câu chuyện của tay vợt Nguyễn Tiến Minh làm ví dụ. VĐV 39 tuổi này sẽ trở thành người duy nhất có mặt tại 2 kỳ SEA Games tổ chức tại Việt Nam (2003 và 2021). Cơ hội giành huy chương của Tiến Minh cũng không cao, nhưng xét trên góc độ cá nhân, ngoài việc vẫn đủ đẳng cấp để tham gia thì Tiến Minh còn có những động lực khác liên quan đến những lợi ích thiết thực cho công việc của mình.

Nghĩa là, ngoài nghĩa vụ đối với quốc gia thì bản thân VĐV cũng cần có những mục tiêu riêng để phấn đấu, nỗ lực. Sự nghiệp của các VĐV tài năng không chỉ gói gọn trong khoảng thời gian thi đấu đỉnh cao, mà các giá trị của họ đem lại cho thể thao nước nhà thường phải dài hơn, bao gồm công tác huấn luyện hay những khía cạnh truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp nối. Có như vậy thì công tác đầu tư cho VĐV tài năng mới thực sự đạt hiệu quả cao, qua đó cũng giúp cho những quyết định liên quan đến ngân sách đầu tư có được sự chính xác, đúng tầm, đạt trọng tâm.

Hay sự kiện mới đây, khi FPT Telecom ký kết hợp tác với LĐBĐ Việt Nam về việc hỗ  trợ tương lai cho các cầu thủ nữ ở đội tuyển quốc gia. Cam kết có mục tiêu là tạo cơ hội nghề nghiệp bền vững cho các nữ cầu thủ sau khi giải nghệ trở về đời thường bằng một kế hoạch kéo dài đến 10 năm. Tham vọng của sự hợp tác này, là với một sự bảo đảm tương lai thì việc thi đấu ở hiện tại của các tuyển thủ sẽ tốt hơn. Một khi không phải lo toan quá nhiều cho cuộc sống hậu bóng đá, thì về lý thuyết, các VĐV sẽ chấp nhận hy sinh nhiều hơn cho những ngày tháng tập luyện và thi đấu đỉnh cao.

Từ chuyện của tạy vợt Nguyễn Tiến Minh và bóng đá nữ, quay lại với kình ngư Ánh Viên, chúng ta sẽ nhìn thấy một thực tế rất rõ ràng: Những gì mà Ánh Viên có được trong sự nghiệp chủ yếu đến từ những thành tích mà cô đạt được khi thi đấu. Phần lớn cũng chỉ là các khoản tiền thưởng dựa trên màu của những tấm huy chương, điều chỉ có được sau khi Ánh Viên đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân để chỉ tập luyện và tập luyện cô độc. Sa sút phong độ hoặc thành tích kém đi, thì cũng chẳng còn lại gì trong tay. Kéo dài quá trình thi đấu theo kiểu này, đến một lúc không thể đạt được thành tích nào, thì muốn bắt đầu cho công việc nào khác để lo tương lai của mình, có khi đã quá trễ.

Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong hơn một thập niên gần đây, nhưng dường như các nhà điều hành thể thao vẫn chủ yếu tập trung cho việc tạo “đường băng” cho tài năng của các VĐV “cất cánh”, mà chưa thật sự chú ý đến chuyện làm sao để họ “hạ cánh” mà vẫn còn đóng góp dài hạn cho thể thao nước nhà.

Sự chuẩn bị cho tương lai các VĐV đỉnh cao nhiều lắm cũng chỉ là một suất làm việc trong ngành, chủ yếu là công tác đào tạo VĐV vốn ít chỗ, kén người. Trong khi đó, việc khai thác hình ảnh, các hoạt động kinh doanh hay quan trọng hơn đó là tạo ra một đời sống thể thao chuyên nghiệp, nhà nghề thì chưa được như trông đợi.

Tin cùng chuyên mục