Đừng nghĩ về thành tích, hãy động viên nhau tiếp tục cống hiến!

Công nghệ VAR tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi sau khi Việt Nam thất bại 1-3 trước chủ nhà Oman ở bảng B thuộc vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng...
Dù thi đấu cố gắng, nhưng Việt Nam vẫn không trán được thất bại trước chủ nhà Oman. Ảnh: OFA
Dù thi đấu cố gắng, nhưng Việt Nam vẫn không trán được thất bại trước chủ nhà Oman. Ảnh: OFA

Đầu tiên, chúng ta cần phải nhắc lại VAR chỉ là công nghệ hỗ trợ trọng tài, tức có nghĩa mọi quyết định cuối cùng đều thuộc về trọng tài chính, và VAR đứng ra làm công cụ để trọng tài tham khảo. Việt Nam cũng được hưởng những quyết định có lợi lẫn bất lợi sau khi trọng tài “nhờ” đến VAR. Một khi áp dụng VAR vào bóng đá, FIFA đã muốn chuẩn luôn về luật, và chỉ nói về luật để trọng tài đưa ra quyết định.

Tôi lấy ví dụ về hai tình huống vung tay trúng mặt cầu thủ Oman trong vòng cấm của Hồ Tấn Tài và Đỗ Duy Mạnh. Trọng tài Việt Nam khi cầm còi ở V-League có thể không thổi phạt và bỏ qua tình huống (một phần vì V-League chưa có VAR). Nhưng khi ra đấu trường châu Á thì áp dụng theo luật, và trọng tài sẽ bắt phạt đền. Vậy nên, việc tranh cãi về VAR không phải vấn đề lớn, và Việt Nam buộc chấp nhận.

Đừng nghĩ về thành tích, hãy động viên nhau tiếp tục cống hiến! ảnh 1 FIFA muốn hoàn chỉnh về luật khi áp dụng công nghệ VAR. Ảnh: MINH TUẤN
Bỏ qua những vấn đề về VAR, xét tính chuyên môn thì thật sự Oman mạnh hơn Việt Nam. Đối thủ đã nghiên cứu kỹ và đọc quá rõ về toàn đội. Họ khóa mọi đường tấn công của Việt Nam, và việc các cầu thủ phối hợp dẫn đến bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh là điều đáng khen. Đã vào đến vòng loại cuối cùng World Cup, khi gặp các đối thủ đều thuộc tốp đầu châu Á sẽ khiến Việt Nam không thể phô diễn hết được. Người hâm mộ Việt Nam ghi nhận toàn đội thi đấu bằng sự cố gắng, nỗ lực hết mình và tinh thần không bỏ cuộc. Còn đòi hỏi các cầu thủ phải làm tốt hơn nữa thì quả thật bài toán cực khó. Trình độ của Việt Nam so với các đối thủ chỉ đến vậy thôi! Chúng ta cần thêm thời gian để thu hẹp khoảng cách.

Lần đầu tham dự vòng loại cuối cùng ở một kỳ World Cup mà khiến các đối thủ chật vật giành chiến thắng là tín hiệu tốt cho tương lai. Bốn trận đấu vừa qua, dù thất bại, nhưng Việt Nam vẫn xuất hiện một vài điểm sáng về cá nhân. Sự trưởng thành của Nguyễn Hoàng Đức, hay Tiến Linh quá tiến bộ khi liên tiếp ghi bàn vào lưới những đối thủ mạnh, đóng góp vào lối chơi chung. Bên cạnh Nguyễn Quang Hải dù bị kèm chặt, nhưng phong độ vẫn ổn định. Những bàn thắng của Việt Nam luôn có dấu ấn của Quang Hải. Cầu thủ Việt Nam có tốt chất, nhưng gặp đối thủ mạnh hơn thì chúng ta phải chấp nhận, và không nên nặng nề nữa!

Đừng nghĩ về thành tích, hãy động viên nhau tiếp tục cống hiến! ảnh 2 Điểm sáng Tiến Linh của Việt Nam
Vào tháng 11, Việt Nam tiếp đón Nhật Bản và Saudi Arabia. Dù có lợi thế sân nhà, nhưng lại gặp hai đối thủ cực mạnh, và ứng viên cho tấm vé tham dự World Cup 2022. Các cầu thủ hãy cố gắng động viên nhau mà thi đấu, cứ tính từng trận một chứ đừng suy nghĩ hay căng thẳng vấn đề gì. Người hâm mộ cũng không nên tạo áp lực, và để ban huấn luyện điều chỉnh lại mặt nhân sự và có tính toán phù hợp. Tôi vẫn luôn tin tưởng vào khâu chuyên môn của Việt Nam. Lúc này, các bạn cố gắng cống hiến những trận cầu hay, hết mình cho khán giả đã là tuyệt vời!

Tin cùng chuyên mục