Đua thuyền Việt Nam ra mắt ban chấp hành mới kỳ vọng mỗi năm huy động được 800 triệu đồng

Liên đoàn đua thuyền Việt Nam nhiệm kỳ 3 (2022-2027) đã ra mắt qua đó hướng tới các mục tiêu quan trọng về chuyên môn cũng như phát triển mở rộng phong trào tập luyện, thi đấu đua thuyền.

Ban chấp hành khóa mới của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Ban chấp hành khóa mới của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Đại hội đại biểu Liên đoàn đua thuyền Việt Nam nhiệm kỳ lần thứ 3 (2022-2027) đã tổ chức ngày 12-11 tại Hà Nội qua đó bầu mới ban chấp hành gồm 27 ủy viên. Trong đó, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – Giáo sư, tiến sĩ Lâm Quang Thành đã được bầu là Chủ tịch Liên đoàn đua thuyền Việt Nam nhiệm kỳ 3. Ngoài tân Chủ tịch Lâm Quang Thành, ban chấp hành cũng bầu ra 9 thành viên ban thường vụ và 3 Phó Chủ tịch nắm các mảng công việc ở nhiệm kỳ mới nay, trong đó Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế (Tổng cục TDTT) tiếp tục tái cử là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam. Phụ trách bộ môn đua thuyền (Tổng cục TDTT) – bà Dương Hồng Hạnh được bầu vào ban chấp hành và là 1 trong các ủy viên ban thường vụ.

Đánh giá các kết quả hoạt động của nhiệm kỳ lần thứ 2, nguyên Chủ tịch Dương Chí Thành cho biết, Liên đoàn đua thuyền Việt Nam cũng như nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao khác bị ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đua thuyền Việt Nam đã và đang phát triển tốt về thi đấu canoeing, rowing cũng như nhiều nội dung như sailing, windsurfing, kiteboarding, thuyền ván đứng và thuyền rồng…

“Tới đây, mục tiêu của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam vẫn là hướng tới tìm thêm nguồn xã hội hóa đồng hành cùng các hoạt động cũng như mục tiêu thành tích thi đấu là phấn đấu từ 1 tới 2 HCB tại ASIAD 19-2022, có 1 thuyền chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 và trong nhiệm kỳ hoạt động khóa 3, thành tích sẽ đạt từ 200-300 huy chương các loại”, Tổng thư ký Liên đoàn – ông Nguyễn Hải Đường phát biểu. Ngoài ra, ông Đường cũng cho rằng, Liên đoàn nhiệm kỳ mới đặt mục tiêu sẽ huy động nguồn lực từ 600-800 triệu đồng hàng năm qua đó có thêm những chi phí để thực hiện thêm các hoạt động chuyên môn.

Tân Chủ tịch Lâm Quang Thành của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Ở nhiệm kỳ trước, đua thuyền đã được thêm một số đơn vị đầu tư, đào tạo như Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Tiền Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (nội dung rowing) hay Cà Mau, Hậu Giang, Quân khu 9 (môn canoeing).
SEA Games 31 vừa qua, môn rowing giành 8 HCV và môn canoeing giành 8 HCV khi thi đấu trên sân nhà tuy nhiên tại SEA Games 32-2023 ở Campuchia, 2 môn này không nằm trong chương trình thi đấu chính thức.

Tin cùng chuyên mục