Đua thuyền giải bài toán cần thêm điểm tập ở khu vực miền Nam

Liên đoàn đua thuyền Việt Nam khóa 3 đã ra mắt ban chấp hành mới cùng những nhân tố mới ở vị trí quản lý. Trên hết, người làm nghề kỳ vọng, trong một tương lai gần, đua thuyền Việt Nam cần hơn nữa có những trung tâm đào tạo, tập luyện VĐV ở phía Nam đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

VĐV đua thuyền Việt Nam đang tập luyện chủ yếu tại khu vực phía Bắc và các giải đấu diễn ra nhiều hơn ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc Đà Nẵng. Ảnh: THANH NGA
VĐV đua thuyền Việt Nam đang tập luyện chủ yếu tại khu vực phía Bắc và các giải đấu diễn ra nhiều hơn ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc Đà Nẵng. Ảnh: THANH NGA

Không ai muốn điều đau lòng lại xảy ra

Những nhà quản lý cùng bạn bè và giới chuyên môn đua thuyền Việt Nam trong tháng 10 vừa qua không khỏi xót thương khi sự cố xảy ra với trường hợp 2 VĐV Võ Hoài Nhân và Thạch Đà Rô của thể thao Bến Tre trong thời gian tập luyện tại Hà Nội không may mắn gặp tai nạn và đã không qua khỏi. Đó là điều không may mắn và không ai muốn chuyện đau lòng xảy ra.

Đưa ý kiến của mình, ủy viên ban chấp hành Liên đoàn đua thuyền Việt Nam khóa 3 – ông Trần Chí Quân bày tỏ “Nếu có nơi tập ở khu vực miền Nam, các em VĐV tại đây sẽ không phải di chuyển nhiều ra phía Bắc tập luyện. Sự cố của các em VĐV canoeing Bến Tre là điều khiến mọi người phải suy nghĩ. Chúng tôi đã làm việc về thể thao nhiều năm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và có thể thấy rằng với đặc điểm của nơi đây có nhiều vùng sông nước phù hợp cho việc phát triển, xây dựng trung tâm huấn luyện đua thuyền thì ngàng thể thao cũng nên hướng tới đầu tư phù hợp tại đây. Bởi lẽ,  nếu có trung tâm huấn luyện, đào tạo đua thuyền ở khu vực miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long được đầy đủ cơ sở vật chất thì việc di chuyển của VĐV ở khu vực này ra miền Bắc tập luyện sẽ giảm thiểu, không tốn kém chi phí đồng thời lại thuận tiện về huấn luyện chuyên môn”. Từng nhiều năm đảm trách vai trò Giám đốc Trung tâm HLTTQG Cần Thơ trước đây, ông Quân cho biết, qua nhiều lần khảo sát cùng lãnh đạo ngành thể thao, địa phương An Giang đang là nơi có địa điểm có thể làm cơ sở vật chất tốt cho việc đào tạo huấn luyện đua thuyền.

Trên cả nước, các địa phương ở khu vực phía Nam đang đào tạo, huấn luyện môn rowing có An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc TRăng, Tiền Giang, TPHCM trong khi về canoeing thì An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, TPHCM có số lượng HLV, VĐV rất đáng kể. Riêng TPHCM còn đào tạo cả môn sailing. Những con số để phản ánh, việc cần có cơ sở chuyên biệt về đào tạo, huấn luyện đua thuyền ở khu vực miền Tây Nam Bộ đang là cần thiết. Ông Quân cũng đưa con số trong 16 HCV mà đua thuyền Việt Nam giành được ở rowing, canoeing tại SEA Games 31 vừa qua thì VĐV của khu vực miền Nam góp công sức trong 11 tấm.

Trên thực tế, nếu có những trung tâm đào tạo, huấn luyện đua thuyền quốc gia ở khu vực này, chắc chắn những sự cố đáng tiếc như trường hợp của 2 cố VĐV Võ Hoài Nhân, Thạch Đà Rô sẽ được hạn chế đáng kể.

Có cơ hội mở rộng

Chia sẻ về ván đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn khẳng định việc cần có những trung tâm đào tạo, huấn luyện đua thueyenf ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ phù hợp bởi tận dụng được nhân lực ở đó cũng như thuận tiện cho VĐV tập luyện. “Đua thuyền Việt Nam cũng phải cám ơn những trung tâm tập huấn, tập luyện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng bởi đây là những nơi VĐV đã và đang tập luyện, được huấn luyện chuyên môn chuyên biệt nhất. Và việc tập luyện tại khu vực miền Tây cũng có giá trị về chuyên môn”.

Liên đoàn đua thuyền nhiệm kỳ 3 sẽ có nhiều công tác phải làm, đặc biệt là tiến tới tìm cơ hội xây dựng và có một điểm tập luyện thi đấu quy mô ở khu vực miền Nam. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Theo con số thống kê, những giải thi đấu thuộc hệ thống quốc gia diễn ra ở rowing, canoeing hay sailing thì địa điểm tổ chức vẫn chỉ quen thuộc tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội hoặc có thể ở Hải Dương, Vĩnh PHúc, Thái Nguyên. Tuyệt nhiên, các địa điểm của khu vực miền Nam không phải nơi tổ chức các giải đấu do chưa có trung tâm huấn luyện, đào tạo có trang thiết bị và cơ sở phù hợp nhất.

Ông Phấn cho rằng, vấn đề đầu tư phát triển để tạo thêm cơ hội cho địa phương đầu tư vào thể thao đua thuyền cũng như VĐV, HLV thêm địa điểm tập luyện thi đấu là điều luôn được tính tới. Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở bài toán nguồn lực đầu tư. Dù vậy, với địa hình và cơ hội phát triển về các nội dung đua thuyền đang rất rộng mở thì trong tương lai một trung tâm về thi đấu, huấn luyện đào tạo đua thuyền ở Đồng bằng sông Cửu Long được ra đời là rất khả quan.

Với sự kêu gọi của bộ môn đua thuyền (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn đua thuyền Việt Nam, tính tới ngày 5-11, các cá nhân và tổ chức đã ủng hộ quyên góp được hơn 286 triệu đồng để ủng hộ gia đình 2 cố VĐV Võ Hoài Nhân và Thạch Đà Rô gặp sự cố không may mắn vừa qua.

Tin cùng chuyên mục