Dòng chảy tham vọng

Hôm qua (26-6), mùa bóng 2021 của V-League chính thức trở lại sau 3 tháng tạm ngưng để nhường sân cho hoạt động của các đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23.
Các cầu thủ CLB TPHCM tập luyện chuẩn bị cho ngày V-League 2022 trở lại. Ảnh: P.NGUYỄN
Các cầu thủ CLB TPHCM tập luyện chuẩn bị cho ngày V-League 2022 trở lại. Ảnh: P.NGUYỄN

Việc tạm dừng này vấp phải không ít phản ứng từ dư luận, khi cho rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quá coi trọng các đội tuyển mà bỏ qua quyền lợi CLB cũng như vai trò của V-League. Các phản ứng này cũng có lý, bởi đây không phải là lần duy nhất mà V-League phải “hy sinh” cho các đội tuyển. Có mùa giải phải tạm ngưng đến 7 lần, khiến V-League chỉ thi đấu thực tế khoảng gần 5 tháng so với mức trung bình là 7 tháng.

Ở buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng đã thừa nhận có những “xung đột lợi ích” với các CLB. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Hoài Anh thì ngay chính Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng bị động với vấn đề lịch thi đấu. Chính vì lý do đó, mà từ năm 2023, AFC yêu cầu các tổ chức thành viên của mình phải chuyển đổi thời gian hoạt động theo mô hình của bóng đá châu Âu.

Mùa giải sẽ “vắt” sang 2 năm, các sự kiện cấp đội tuyển sẽ diễn ra tập trung trong mùa hè, những trận giao hữu theo đúng lịch thi đấu FIFA Days. Dự kiến AFF Cup hay SEA Games cũng có thể sẽ đổi thời gian sang hè chứ không còn cuối năm như trước.

Do đặc thù về khí hậu, bóng đá Việt Nam thường thi đấu vào các mùa xuân - hè, từ sau Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 9 để tránh thời tiết nhiều mưa bão cuối năm. Tuy nhiên, nếu đá theo cách này thì lại phát sinh các khoản thời gian tạm ngưng V-League khi mà các sự kiện quốc tế dành cho đội tuyển cũng hay diễn ra ở khung thời gian mùa hè. Việc áp dụng mùa giải theo kiểu châu Âu sẽ khiến V-League đối mặt với thách thức thời tiết, nhưng qua đó cũng cho thấy chúng ta đã thực sự nghĩ đến việc hòa nhập vào dòng chảy tham vọng với bóng đá thế giới.

Thực tế cho thấy, từ năm 2018 đến nay, tần suất thi đấu quốc tế của bóng đá Việt Nam tăng đột biến nhờ sự tiến bộ của đội tuyển lẫn CLB. Ví dụ như năm 2021, đội tuyển quốc gia đá đến 15 trận, còn năm 2022 này đội U23 đá đến gần 20 trận. Ở cấp CLB, Việt Nam đã có suất dự chính thức tại AFC Champions League sau 5 năm phải đá play-off. Với đà tiến bộ hiện nay, nhiều khả năng mỗi mùa giải sẽ có đến 3-4 CLB của Việt Nam dự các cúp châu Á.

Đó là chưa kể các CLB Việt Nam cũng đã mang tâm thế khác khi đấu quốc tế, không còn kiểu “chưa đá đã thua”, vì vậy mà tổng thời gian thi đấu quốc tế cũng sẽ tăng lên. Ngoài ra, cơ hội xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam đang ngày một lớn. Nếu đá theo lịch hiện nay, thì rất khó cho cầu thủ Việt tiếp cận với thời điểm tuyển dụng của các CLB lớn tại châu Âu…

Muốn dự World Cup, muốn vào tốp 10 châu lục, thì chẳng còn cách nào tốt hơn là phải trải nghiệm thi đấu quốc tế nhiều hơn. Việc VFF sẵn sàng chuyển đổi lịch thi đấu là bước đi cần thiết để tiếp tục đưa ra những chiến lược tham vọng hơn trong tương la.

Tin cùng chuyên mục