Đội bóng của những cảm xúc

Sau chuyến làm khách ở Thái Lan, xuất hiện những ý kiến đa chiều đánh giá về lối chơi của đội tuyển Việt Nam, về phong độ của một vài cầu thủ, ngợi khen cũng có mà chê bai không thiếu. Vì đã lường trước mọi điều có thể xảy đến, cho nên HLV Park Hang-seo và học trò bình thản đón nhận, thậm chí coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc hành trình tìm kiếm vinh quang cho bóng đá Việt ở đấu trường quốc tế.

Ông Park và đội bóng không ganh tị

Thói quen không bao giờ bỏ của HLV Park Hang-seo khi bước vào bất cứ buổi họp báo sau trận đấu luôn là: “Tôi xin cảm ơn các cầu thủ!”. Câu nói đó xuất phát từ phong cách lịch thiệp của một người Hàn Quốc như ông Park, đã khích lệ các học trò rất nhiều, chứ không phải lời nói suông.

Các cầu thủ như những chiến binh lao vào trận chiến, quả cảm để giành giật từng khoảng trống trên sân cỏ, phơi bày khát vọng chiến thắng và vươn lên ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, thì cảm ơn họ là điều rất nên làm, đặc biệt là đối với nhà cầm quân như ông Park. Chưa kể, ông Park luôn bảo vệ học trò đến cùng trước mọi kiểu công kích, sau khi đã tin tưởng đặt cầu thủ của mình vào một trận đấu, một cuộc chiến.

Đội bóng của những cảm xúc ảnh 1 Người hâm mộ nước nhà luôn được sống trong những cảm xúc tuyệt vời cùng đội tuyển Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Học trò nể ông, người ngoài nhìn vào quý mến ông, còn giới chức bóng đá Việt mừng khôn xiết, bởi nhiều chuyên gia đã đến và đi nhưng chưa ai giỏi vận dụng “Đắc nhân tâm” như nhà cầm quân này, có lẽ là kể từ thời điểm “người đột phá bóng đá Việt Nam” Karl Heinz Weigang xuất hiện vài thập niên trước.

Sự xuất hiện của ông Park không chỉ giúp bóng đá Việt Nam lột xác về phong cách chơi bóng, ở cả cấp độ trẻ lẫn đội tuyển, mà còn giải quyết luôn vấn đề “chia phe, kết nhóm” tồn tại bấy lâu, từng không ít lần vùi dập bóng đá nước nhà xuống vũng lầy của sự thất vọng.

Trong cách dụng quân của ông Park, chẳng có gì là bất biến, không ai được xem mình là ngôi sao, vì đội tuyển chỉ tồn tại một tinh thần đồng đội và thái độ lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp. Tiền đạo Công Phượng (người sở hữu lượng CĐV kỷ lục trên các trang mạng) hay tiền vệ Quang Hải (cầu thủ được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong lối chơi của đội tuyển) không là ngoại lệ.

Nhiều người bảo nhìn ông Park cầm quân, bóng đá Việt Nam luôn giống như đang “khởi nghiệp”, đầy hào hứng và khát khao đi về phía thành công…

Phía sau là “Cầu thủ thứ 12”

Sự cuồng nhiệt chưa hề dừng lại trong bất cứ trận đấu nào của đội tuyển quốc gia, vì trên các khán đài nơi đất khách, không ít thì nhiều vẫn luôn có những “tình yêu áo đỏ” đồng hành. Chỉ tiếc rằng sức chứa của sân Mỹ Đình quá nhỏ bé so với nhu cầu của hàng triệu trái tim người hâm mộ hướng về đội tuyển, muốn được trở thành nhân chứng ở những thời khắc lịch sử mà bóng đá Việt Nam đang trải qua.

Nguồn động lực từ “cầu thủ thứ 12” ấy - điều mà trong chiến lược phát triển của mình, FIFA xác định đặc biệt quan trọng - đã khích lệ, nuôi dưỡng khát vọng của tuyển thủ Việt Nam. Cho đến giờ, khi hồi tưởng khoảnh khắc cả biển người chào đón thầy trò ông Park trở về từ Thường Châu, cảm xúc tự hào vẫn như đang len lỏi trong từng thớ thịt của chúng ta.
Có đôi khi chợt thấy tên mình bị chê bai, thì cầu thủ cũng đừng lấy đó làm phiền muộn, bởi lẽ phải say đắm bóng đá, yêu đội tuyển và mong mỏi chiến thắng nhiều đến cỡ nào thì mới trăn trở như vậy. Chỉ trích một ai đó là việc không khó. Vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều khiến chúng ta đáng tự hào. Và có đôi khi nghe mình được “thổi tới mây xanh”, thì cầu thủ cũng đừng lấy đó làm đích đến, bởi sự nghiệp còn đằng đẵng ở phía trước và thành công đến rồi đi luôn thoáng chốc.
Người hâm mộ cần những “bữa tiệc” bóng đá, cần một lối chơi đầy bản sắc “bất khuất Việt Nam” từ thầy trò ông Park, thì họ đã nhận được món quà đó trong suốt 2 năm qua và có lẽ sẽ kéo dài thêm nữa một khi nhà cầm quân này triển hạn hợp đồng với VFF, tiếp tục nhiệm vụ cách tân cả nền bóng đá Việt.

Bạn của giới truyền thông

Trên đất Thái Lan, HLV Park Hang-seo lại vừa “ghi điểm” với giới truyền thông Việt Nam, ngay trong buổi họp báo trước cuộc đại chiến Thái Lan - Việt Nam ở sân Thammasat.

Ông nhắc nhở giới chức bóng đá Thái Lan nên mở lòng và trân trọng sự tác nghiệp của báo chí Việt Nam, vì họ vẫn đang góp phần tích cực để gia tăng vẻ đẹp của “trận derby vùng Đông Nam Á”, chứ không phải làm nó hoen ố và trở nên xấu xí mà cấm đoán. Đấy là phong cách của vị chiến lược gia này, bắt đầu từ lúc ông làm quen và dấn thân vào thử thách cùng bóng đá Việt Nam hồi năm ngoái.

Còn nhớ, ở vòng chung kết giải U23 châu Á 2018, sau khi đánh bại U23 Qatar để giành quyền vào chung kết, HLV Park Hang-seo đã được Ban tổ chức mời vào khu vực trả lời phỏng vấn nhanh (Mixed Zone). Nhưng do nơi này khá hẹp, lại phải ưu tiên cho máy quay của AFC và các hãng thông tấn lớn, các phóng viên Việt Nam bị đẩy ra khá xa.

Nhưng khi ông Park đến, lập tức yêu cầu phải ưu tiên cho phóng viên Việt Nam, rồi bỏ vị trí quy định để tìm đến trả lời truyền thông Việt Nam khiến các hãng thông tấn khác bất ngờ. Ông Park thủng thẳng: “Các bạn cứ đợi một chút vì tôi sẽ dành phần trả lời cho các phóng viên của đội bóng chúng tôi”, khiến hầu hết những ai có mặt đều ấm lòng.

Không chỉ có thế, khi dẫn dắt đội tuyển dự Asiad 2018, đấu AFF Cup 2018 và vòng loại U23 châu Á 2020, HLV người Hàn Quốc luôn dành sự ưu ái cho báo chí Việt Nam, bởi theo ông, các phóng viên chính là những người bạn, dù vất vả nhưng nhiệt tình đồng hành và hiểu rất rõ giá trị của từng cá nhân ở đội tuyển, chia sẻ niềm vui khi đội bóng chiến thắng và cảm thông nỗi buồn của các HLV và cầu thủ khi nếm trải thất bại…

Tin cùng chuyên mục