Đầu năm nói chuyện “an cư để lạc nghiệp”

Một nghịch lý của bóng đá Việt Nam đó là các CLB chuyên nghiệp có rất ít nguồn thu, nhưng ngay khi có trong tay một cơ hội để kiếm tiền đó là bán vé, thì vẫn không thể nào khai thác hiệu quả vì vướng cái sân.

Hầu hết các SVĐ vẫn đang thuộc quyền quản lý của ngành TDTT địa phương.
Hầu hết các SVĐ vẫn đang thuộc quyền quản lý của ngành TDTT địa phương.

Nếu xem 14 đội bóng ở V-League là những doanh nghiệp bóng đá độc lập, thì chẳng có đội nào sở hữu được sân vận động riêng. Tất cả đều phải đi thuê, điều đó cũng đồng nghĩa, việc khai thác doanh thu từ bán vé cũng rất rủi ro.

Nếu xét về sức chứa, các sân bóng ở V-League đều khá ổn. Ở mùa 2020, thấp nhất là sân Thanh Hóa với 11.000 chỗ ngồi còn nhiều nhất là sân Thiên Trường – Nam Định với 3 vạn chỗ. Sức chứa lớn thì dễ có doanh thu cao, nhưng thực tế thì đa số các đội bóng đều không thể khai thác hiệu quả.

Ví dụ như đội Sài Gòn FC chỉ khai thác trung bình chưa đến 4.000 người/trận trong khi sức chứa của sân Thống Nhất là 25.000. Nếu tính về số lượng khán giả, thì sân Thiên Trường  đông nhất với trung bình 15.000/trận, nhưng nếu nói về hiệu suất khai thác thì những đội như HA.GL hay Thanh Hóa lại có cơ hội kiếm lợi nhuận tốt hơn khi mà tỷ lệ lấp đầy của họ đạt đến 65-70% so với sức chứa. Trong kinh doanh dịch vụ, thì tỷ lệ này quan trọng hơn số lượng người đến sân. Bởi số khán giả càng đông thì chi phí tổ chức sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không phải là phép cộng.

Đầu năm nói chuyện “an cư để lạc nghiệp” ảnh 1 Sân Pleiku do bầu Đức sửa chữa lại nhưng vẫn thuộc quyền quản lý của Sở VH-TT-DL Gia Lai.
Đây là câu chuyện đáng để quan tâm nếu bóng đá Việt Nam nghĩ đến chuyện phát triển bền vững. Một sân bóng có sức chứa lớn chưa chắc kinh doanh tốt bằng sân nhỏ. Sân càng lớn, chi phí tổ chức cũng lớn theo, trong khi đó với một sân vận động nhỏ, thì cũng chỉ cần lực lượng an ninh vừa đủ để kiểm soát. Hơn nữa, hình ảnh các khán đài đông đảo ở một sân bóng nhỏ luôn sống động hơn sân bóng lớn mà trống vắng nhiều chổ.

Xem bóng đá ngoại hạng Anh qua truyền hình, chúng ta luôn có cảm giác sân bóng của họ rất lớn. Thực tế thì sức chứa trung bình của các sân cũng chỉ từ 2 đến 3 vạn chổ ngồi, và nó luôn được lấp đầy, tạo nên bầu không khí rất sôi động. Những khán đài của sân bóng tại Anh thường dựng đứng, sát với sân cỏ, càng tạo cảm giác to lớn.

Chi tiết này được nhiều CLB tại Thái Lan sao chép để xây dựng các sân bóng mới theo hình thức lắp ghép, sử dụng vật liệu nhẹ  để dễ dàng chuyển đổi công năng. Tất nhiên, các sân bóng kiểu này chỉ có qui mô nhỏ.

Rất tiếc là chưa thấy đội bóng nào ở Việt Nam nghĩ đến chuyện xây dựng sân bóng riêng của mình. Ngay như bầu Hiển, đầu tư vào bóng đá đã 14 năm thì hiện cũng vẫn đang đợi triển khai xây dựng sân Hàng Đẫy mới. Còn 10 năm trước, bầu Đức bỏ tiền nâng cấp sân Pleiku thành một "tiểu Emirates” nhưng quyền sở hữu vẫn là của địa phương.

Có lẽ, đội bóng duy nhất từng sở hữu sân riêng là CLB Thành Long của ông bầu đã mất Quách Thành Lai (bầu Hưng). Sân Thành Long khi đó cũng chỉ đủ điều kiện đá hạng nhất, hạng nhì với sức chứa chỉ 3.000 chỗ ngồi.

Đầu năm nói chuyện “an cư để lạc nghiệp” ảnh 2 Sân Thành Long là nơi hiếm hoi thuộc quyền sở hữu của tư nhân.
Việc có sân bóng riêng sẽ đem đến lợi ích rõ ràng với các CLB. Đầu tư một sân bóng chỉ bao gồm khán đài và mặt cỏ, về chi phí cũng không lớn nếu so sánh với việc đi thuê sân. Ngược lại, với sân bóng riêng, có thể áp dụng các ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu cho phí nhân lực, thuận lợi hơn cho công tác bán vé trọn mùa.

Những sân bóng riêng thường có sức chứa nhỏ nhưng điều kiện vật chất thì tốt hơn, dễ quản lý chổ ngồi và cũng tốt cho các hoạt động chăm sóc khán giả trung thành. Đấy là chưa kể, với sân bóng riêng, các CLB có thể kiếm thêm tiền từ việc cho thuê sân tổ chức sự kiện giải trí hoặc kinh doanh mặt bằng khi chưa vào mùa giải.

Cuối cùng, nếu một CLB dám đầu tư xây dựng sân bóng riêng thì cũng là một lời cam kết đầu tư lâu dài cho bóng đá, nên ít nhiều thì cũng sẽ được sự hổ trợ của địa phương về giá thuê đất lâu năm…

Tin cùng chuyên mục