Daniil Medvedev không tham gia trại huấn luyện ở Yuzhno-Sakhalinsk, tự bay đến Olympic Tokyo

Đội tuyển quần vợt Nga được xem là một trong những thế lực rất mạnh có thể tranh đoạt nhiều huy chương, thậm chí là HCV, trong môn quần vợt ở kỳ Olympic Tokyo sắp diễn ra. Lần này, hy vọng của họ càng thêm mãnh liệt khi có Daniil Medvedev ở trong đội hình. Tuy vậy, tay vợt số 1 của làng quần vợt Nga không tập trung cùng với các đồng đội ở trại huấn luyện tại thành phố Yuzhno-Sakhalinsk. Thay vào đó, anh đi theo lịch trình riêng và cũng đã bay đến Tokyo.

Vừa bay đến Tokyo, Medvedev đã có buổi tập muộn đầu tiên cùng với các đồng đội
Vừa bay đến Tokyo, Medvedev đã có buổi tập muộn đầu tiên cùng với các đồng đội

Phó Chủ tịch của Liên đoàn quần vợt Nga (RTF), ông Alexey Selivanenko, đã có chia sẻ về vấn đề của Medvedev ngay từ hôm 15-7, ngày đầu tiên tập trung Đội tuyển quần vợt Nga: “Đội tuyển quần vợt quốc gia đã tập trung, tất cả mọi thành viên đều đã đến Yuzhno-Sakhalinsk, ngoại trừ Medvedev. Cậu ấy có chương trình riêng mang tính cá nhân nên sẽ đi riêng đến Olympic…”.

Ngay sau đó, Chủ tịch RTF, kiêm Trường đoàn quần vợt Nga, cũng nói rõ hơn về việc Medvedev không tập trung ở trại huấn luyện cùng các đồng đội nam và nữ của mình và bay đến Tokyo sau đội tuyển: “Chúng tôi hiện có 2 vấn đề, đều liên quan đến thị thực nhập cảnh. Cả Pavlyuchenkova (Anastasia Pavlyuchenkova) lẫn Medvedev đều phải xin thị thực nhập cảnh với hộ chiếu Nga, vì vậy sẽ có trút trì hoãn. Nếu như Pavlyuchenkova nộp đơn xin vào ngày 13-7 thì Medvedev nộp đơn muộn hơn vào 16-7”.

“Đó là lý do Medvedev đã không tập trung ở trại huấn luyện cùng các đồng đội thuộc đội tuyển. Cậu ấy tự chuẩn bị theo chương trình riêng của cá nhân. Tất nhiên, điều đó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Daniil, vì sau tất cả, cho đến khi được đáp máy bay xuống Nhật Bản, cậu ấy sẽ chỉ còn có 5 ngày để chuẩn bị, làm quen sân bãi và trải qua những khâu quan trọng cuối cùng!”.

“Chúng tôi mới vừa trải qua buổi hướng dẫn nghiêm túc, quanh việc thảo luận - giải đáp xem các VĐV Nga sẽ làm gì để có được sự chuẩn bị tối ưu nhất ở Nhật Bản, vốn có điều kiện sân bãi thi đấu và khí hậu hoàn toàn khác biệt so với mùa giải sân cỏ và sân đất nện tại châu Âu. Theo các khuyến nghị, một VĐV từ Nga sẽ phải mất 12 ngày để chuyển giao trạng thái và thích nghi. Như vậy, Medvedev đã tự tiêu tốn hơn phân nửa thời gian, phải tự bắt kịp với nhịp điệu”.

“Nói sâu hơn về chuyện của Medvedev, ngoài vấn đề chúng tôi đã nêu, tôi không có bất cứ ý kiến nào với việc cậu ấy đi theo chương trình riêng của cá nhân và bay đến Thế vận hội sau đội tuyển. Điều đó không quan trọng. Cậu ấy đã tập luyện ở Học viện Mouratoglou, nhiều tay vợt chuyên nghiệp như Medvedev, những người đại diện cho các đội tuyển khác, cũng tập luyện ở trong các Học viện khác nhau và nhiều người bỏ lỡ giai đoạn tập trung cùng đội tuyển nhà!”.

“Dù là có bất cứ chuyện gì, chúng tôi vẫm giám sát họ, không chỉ có Medvedev, những tuyển thủ khác như là Igor Andreev, Igor Kunitsyn… đều thường xuyên liên lạc, kết nối với Liên đoàn và Ban huấn luyện để thảo luận về các phương hướng, kế hoạch tập luyện cụ thể, để chúng tôi có thể đưa ra những điều chỉnh cần thiết cho trạng thái của riêng từng người. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi đã hoàn thành 70% khối lượng công việc - còn phần còn lại sẽ được làm ở Tokyo”.

Trong sự nghiệp của mình, Medvedev chưa từng tham dự đấu trường Olympic. Dù vậy, "những tiền bối, đàn anh, đàn chị" của anh đã tạo ra dấu ấn không nhỏ trong suốt quãng thời gian quần vợt trở thành khách mới chính thức ở Thế vận hội, đặc biệt trong Thế kỷ 21. Ở Olympic Sydney 2000, Yevgeni Kafelnikov đã thắng HCV đơn nam sau khi đánh bại Tommy Haas (Đức) trong trận chung kết với điểm số kịch tính sau 5 ván đấu marathon 7-6 (7-4), 3-6, 6-2, 4-6 và 6-3. Cũng ở sự kiện này, Elena Dementiva giành HCB nội dung đơn nữ sau khi để thua Venus Williams (Mỹ) sau 2 ván đấu ở chung kết.

Ở Olympic Beijing 2008, Dementieva thậm chí còn biến “Bạc” thành “Vàng” khi giành HCV ở nội dung đơn nữ. Cô đánh bại chính tay vợt đồng hương Dinara Safina với điểm số 3-6, 7-5, 6-3. HCĐ ở nội dung này cũng thuộc về một người Nga - Vera Zvonareva. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1908, các VĐV đến từ một quốc gia đã quét sạch cả 3 loại huy chương ở cùng nội dung. Và cũng trong cái năm đáng nhớ đó, Nga xếp hạng 1 trên Bảng Tổng sắp huy chương quần vợt.

Ở Olympic London 2012, Nga giành được 1 HCB (Maria Sharapova - đã thua tan nát Serena Williams trong trận chung kết đơn nữ) và 1 HCĐ (bộ đôi Maria Kirilenko và Nadia Petrova xếp hạng 3 đôi nữ). Còn ở kỳ Thế vận hội mới nhất, kỳ Olympic tại Rio de Janeiro - Brazil, hồi 5 năm về trước, bộ đôi Ekaterina Makarova và Elena Vesnina cũng mang về một tấm HCV khác cho Đội tuyển quần vợt nước Nga, ở nội dung đôi nữ, sau khi thắng Timea Bacsinszky và Martina Hingis (Thụy Sỹ) với điểm số 6-4 trong cả 2 ván đấu ở trận đấu cuối cùng. Thành tích rất ấn tượng.

Hiện tại, với Medvedev, anh sẽ mang đến tham vọng - hy vọng gì cho quần vợt Nga ở Olympic Tokyo 2020?

Hình ảnh các VĐV Nga từng giành HCV quần vợt ở Olympic
Daniil Medvedev không tham gia trại huấn luyện ở Yuzhno-Sakhalinsk, tự bay đến Olympic Tokyo ảnh 1 Kafelnikov giành HCV Olympic Sydney
Daniil Medvedev không tham gia trại huấn luyện ở Yuzhno-Sakhalinsk, tự bay đến Olympic Tokyo ảnh 2 Bộ 3 Dementieva (HCV), Safina và Zvonareva càn quét huy chương đơn nữ ở Olympic Beijing
Daniil Medvedev không tham gia trại huấn luyện ở Yuzhno-Sakhalinsk, tự bay đến Olympic Tokyo ảnh 3 Bộ đôi Makarova và Vesnina thắng HCV đôi nữ ở Olympic Rio de Janeiro

Tin cùng chuyên mục