Đằng sau sự trở lại của La Liga

Tây Ban Nha bị Covid-19 “tàn phá” nặng nề hơn hẳn nước Đức, nơi có Bundesliga là giải đấu đầu tiên trong nhóm 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đưa bóng đá trở lại. Nhưng ở Tây Ban Nha, sự trở lại của bóng đá cũng rất ngoạn mục.
Các cầu thủ Sevilla giành chiến thắng trong trận đấu sớm nhất của La Liga ngày trở lại
Các cầu thủ Sevilla giành chiến thắng trong trận đấu sớm nhất của La Liga ngày trở lại

Chiều 28-4, trụ sở của Ban Điều hành La Liga đặt tại Madrid như ở trong tình trạng chiến tranh. Trong khi các quan chức của La Liga vẫn đang ngồi viết kế hoạch để giải đấu có thể trở lại, thì Thủ tướng Pháp tuyên bố kết thúc các giải bóng đá tại nước này. Như sét đánh ngang tai. Ligue 1 của Pháp là một trong 5 “ngũ đại gia” châu Âu và tình hình Covid-19 của Pháp cũng tương đương Tây Ban Nha thời điểm đó. Quyết định của Pháp có thể tạo ra phản ứng dây chuyền đến bóng đá Tây Ban Nha, bởi đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Thể thao Maracineanu vận động hành lang để các quốc gia khác thực hiện điều tương tự nhằm “chia sẻ” với nước Pháp. 

Chủ tịch La Liga, Javier Tebas thừa nhận: “Trong đầu tôi đã nghĩ đến điều tồi tệ sẽ xảy ra và ngay lập tức, tôi phải trấn an đội ngũ của mình, rằng quyết định của Pháp là một sai lầm. Chúng tôi cần quay lại ngay với công việc bằng những cách nhanh nhất có thể để ngăn chặn một phản ứng dây chuyền”. Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez có lịch trình xuất hiện trên truyền hình vào buổi tối để đưa ra những công bố mới nhất về Covid-19.

Theo kế hoạch, ông Tebas đã báo cáo tình hình chuẩn bị của La Liga cho Thủ tướng biết trước, nhưng thông báo của nước Pháp rõ ràng là một tình huống bất ngờ. Rất may, người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, các hoạt động xã hội trên toàn quốc sẽ được trở lại theo tình huống “bình thường mới”, cầu thủ được phép luyện tập trở lại theo hình thức cá nhân kể từ ngày 11-5. Cũng cần biết rằng, tại thời điểm đó, Tây Ban Nha đang là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến quyết định đưa La Liga trở lại. Đầu tiên, đó là quyết tâm của chính những người điều hành. La Liga là giải đấu hăm hở nhất trong việc đưa ra các thời điểm tái đấu. Họ chuẩn bị các kịch bản khó khăn nhất, ví dụ như đá 3 ngày/trận, để bằng mọi giá kết thúc giải đấu. Kế đến, Chính phủ Tây Ban Nha cũng “cùng chiến tuyến” với La Liga. Họ chưa từng tính đến phương án hủy bỏ.

“Chúng tôi đóng góp khoảng 1,37% GDP của Tây Ban Nha và tạo ra một thị trường lên đến 180.000 lao động. Về khía cạnh hình ảnh, La Liga được chọn là biểu tượng hồi sinh của Tây Ban Nha trong cuộc chiến với Covid-19. Chúng tôi không được phép thất bại”, ông Tebas nói.

Xét về chuyên môn, việc hủy bỏ La Liga để lại các hậu quả khó giải quyết. Cuộc đua vô địch giữa Real và Barca chỉ hơn kém nhau 2 điểm, tính quyết liệt cao nhất so với mọi giải đấu khác, chưa kể sự hấp dẫn của nó đối với người hâm mộ toàn cầu. Trong khi đó, có đến hơn 6 đội khác vẫn đang đua tranh 2 chiếc vé dự Champions League mùa sau. Những điều đó đã được ông Tebas nhấn mạnh trong cuộc họp kín kéo dài 8 giờ cùng với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha và Bộ trưởng Thể thao Tây Ban Nha.

Cuộc họp này diễn ra 10 ngày trước tuyên bố của nước Pháp, đề cập đến thiệt thại lên tới 1 tỷ EUR nếu La Liga bị hủy. Đó là chưa tính đến việc thể thao Tây Ban Nha sẽ mất đi khoảng đóng góp 200 triệu EUR trong vòng 4 năm từ La Liga, cũng như những thiệt hại không thể đong đếm của nghành du lịch.

Những quyết định mang tính lịch sử đó đã được đền đáp. Khi các CLB trở lại tập luyện, trong số 2.500 mẫu thử chỉ có 8 ca dương tính. Ngày 1-6, Tây Ban Nha ghi nhận lần đầu tiên không có người tử vong trong ngày. Tuy nhiên, cho dù trở lại, thì các nhà điều hành La Liga cũng hiểu rằng, những nỗ lực của họ có thể vô nghĩa nếu xuất hiện các ca dương tính trong thi đấu. Một chế độ kiểm tra nghiêm ngặt được đưa ra. Đúng19 giờ, sẽ có các cuộc gọi đến từng CLB để kiểm tra các biện pháp phòng dịch. “Biệt đội phản ứng nhanh” sẽ được thành lập ngay 1 giờ sau khi phát hiện ca nghi nhiễm nào. Một tổ công tác riêng cũng được triển khai theo dõi mọi hoạt động trên mạng xã hội, bảo đảm các thành viên La Liga không ai được “phá luật”. Cách làm của La Liga đang được 40 quốc gia cử đại diện đến để học hỏi trực tiếp, bởi không chỉ quyết tâm trở lại, giải đấu này còn hướng đến mục tiêu đưa khán giả trở lại sân ngay từ đầu mùa giải năm sau.

Tin cùng chuyên mục