Đại hội thể thao toàn quốc: Dịp so tài của kình ngư lặn

Môn lặn sẽ bước vào tranh tài trong chương trình thi đấu chính thức Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 và với những người tâm huyết với lặn thì giải đấu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

VĐV lặn của 19 đơn vị đã sẵn sàng tranh tài. Ảnh: HCMfinswimming
VĐV lặn của 19 đơn vị đã sẵn sàng tranh tài. Ảnh: HCMfinswimming

“Mỗi một kỳ Đại hội thể thao toàn quốc là một lần VĐV lặn của các địa phương được cơ hội chứng tỏ về chuyên môn để từ đó từng đơn vị đánh giá lại sự phát triển cũng như khả năng cần đầu tư cho các nhóm môn dưới nước, trong đó có lặn như thế nào. Năm nay, VĐV lặn có cơ hội quan trọng là thi đấu SEA Games 31 vào tháng 5 và trong tháng 12 này tiếp tục đấu Đại hội thể thao toàn quốc. Hai giải lớn cùng năm là dịp hiếm có”, phụ trách bộ môn lặn (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ.

Thực tế, môn lặn không có nhiều VĐV tham dự bởi với đặc thù riêng, chỉ những đơn vị truyền thống với môn thể thao này vẫn có sự đầu tư, đào tạo VĐV lặn hướng tới thi đấu thành tích cao. Con số chỉ có 68 VĐV nữ, 83 VĐV nam dự Đại hội thể thao toàn quốc năm nay đã nói lên điều ấy. “Năm nay, chúng tôi ghi nhận có 19 đơn vị đăng kí thi đấu. Có những đơn vị chỉ 1 VĐV như TT-Huế hay Hà Nam nhưng vẫn góp mặt là sự cảm kích của người làm lặn và thể thao dưới nước nói riêng”, ông Ngọc Anh nói thêm.

Trong các đơn vị tham dự, đông đảo nhất vẫn là TPHCM (15 VĐV) hay Quân đội (14 VĐV) hoặc Thanh Hóa (15 VĐV), Hà Nội (16 VĐV) hoặc Phú Thọ, Quảng Bình và chủ nhà Quảng Ninh (cùng 10 VĐV)... Nhìn lại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã đăng kí 22 tuyển thủ tham gia thi đấu chính thức và giành 10 tấm HCV. Những gương mặt làm nên kết quả đó là Cao Thị Duyên, Phạm Thị Thu, Phạm Thị Kim Thương, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Tâm, Nguyễn Thành Lộc, Kim Anh Kiệt, Đỗ Đình Toàn, Lê Đặng Đức Việt, Nguyễn Duy Anh, Đỗ Thanh Thảo, Đặng Đức Mạnh, Nguyễn Tiến Đạt. Họ tiếp tục có mặt tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022.

Giới chuyên môn đánh giá, về tranh chấp huy chương, những đơn vị có thể mạnh như TPHCM, Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa... Điều quan trọng mà người làm chuyên môn hướng tới là sau mỗi Đại hội thể thao toàn quốc, làm thế nào để con số đơn vị đầu tư vào lặn sẽ tăng thêm cũng đồng nghĩa đơn vị mới phát triển nội dung trở thành một điểm tập luyện mới cho kình ngư môn thể thao này. Tuy nhiên, nói trên lý thuyết là dễ, thực hiện cụ thể là không đơn giản. Bởi vì, thể thao dưới nước thường chỉ tập trung vào môn bơi và rất ít địa phương bỏ kinh phí để làm lặn, bóng nước, nhảy cầu hay bơi nghệ thuật. Nếu có đầu tư nhưng không có giải đấu và khả năng phát triển tốt nhất của VĐV chưa đạt tới, không đơn vị nào mạo hiểm dám làm.

Thành Lộc là kình ngư lặn số 1 nam Việt Nam thời điểm hiện tại và cũng là niềm hy vọng HCV của thể thao TPHCM. Ảnh: HCMfinswimming

Tuy thế, ông Ngọc Anh chia sẻ, môn lặn có tính trạnh tranh thi đấu hấp dẫn và nhà quản lý ở Tổng cục TDTT cùng Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển thêm phong trào tập luyện môn thể thao này cũng như tạo điều kiện tối đa cho VĐV được cơ hội dự giải quốc tế, nếu có.

Trở lại với Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, các kình ngư lặn sẽ tranh tài tại hồ bơi thuộc Cung thể thao dưới nước Quốc gia (Mỹ Đình) là nơi đã phục vụ SEA Games 31. Ban tổ chức môn lặn đưa vào tranh tài 30 bộ huy chương với đủ các nội dung dành cho cá nhân nam, nữ cũng như tiếp sức đối với chân vị và khí tài. 30 bộ huy chương là con số không nhỏ nên 19 đơn vị đã đăng kí thi đấu chính thức hoàn toàn có cơ hội mang về những tấm HCV quý giá nhất cho mình.

Môn lặn là môn thứ 2 thuộc nhóm thể thao dưới nước tại Đại hội thể thao toàn quốc 9-2022 thi đấu (trước đó, môn nhảy cầu đã kết thúc ở Quảng Ninh). Các nội dung của lặn diễn ra từ ngày 5 tới 8-12 theo các buổi sáng và chiều. Các đội đã được làm quen với hồ bơi tại Cung thể thao dưới nước Quốc gia từ đầu tháng 12 và bây giờ đã sẵn sàng tranh tài.

Tin cùng chuyên mục