Đặc sắc môn đẩy gậy

Ít ai nghĩ, môn đẩy gậy vốn là sản phẩm thể thao đặc trưng của người dân vùng miền núi Tây Bắc thì bây giờ, các VĐV của đồng bằng lại phô diễn sức mạnh của mình thông qua môn thể thao truyền thống này…
Đẩy gậy là môn thể thao khá đặc biệt và thu hút 15 địa phương tham gia đầu tư. Ảnh: Thiên Hoàng
Đẩy gậy là môn thể thao khá đặc biệt và thu hút 15 địa phương tham gia đầu tư. Ảnh: Thiên Hoàng
TPHCM độc bá 
Hiện tại, toàn quốc có trên dưới 15 địa phương đầu tư phát triển môn thể thao đẩy gậy để VĐV thi đấu giải VĐQG. Thực tế, rất nhiều địa phương của vùng miền núi phía Bắc được đánh giá cao chuyên môn nhưng ngôi vị số 1 toàn quốc nhiều năm qua lại là của VĐV TPHCM. Đẩy gậy trở thành môn thể thao được TPHCM đưa vào cho VĐV tập, thi đấu từ Hội khỏe Phù Đổng cho tới đào tạo lên sân chơi cao nhất VĐQG. Nhiều người từng cắc cớ không hiểu vì sao VĐV đẩy gậy TPHCM lại mạnh mẽ luôn chiến thắng mọi đối thủ ở giải đấu trong nước. Một HLV của Hà Nội từng chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá một phần ở công tác đào tạo cũng như sự rèn luyện kỹ thuật, chuyên môn cho cá nhân VĐV nên đơn vị TPHCM có được ưu thế chiến thắng”. 
Năm ngoái, trong 26 nội dung thi đấu tại giải đẩy gậy VĐQG, riêng VĐV của TPHCM giành 11 chiếc HCV để độc tôn đứng nhất. Nhiều VĐV đẩy gậy của TPHCM như Tấn Thành, Đức Đại, Thành Chiến, Hồng Lương, Hữu Phúc, Công Đạt, Hoàng Yến, Bích Hằng, Minh Nhất, Uyên Phương... chỉ nhắc qua thì người trong nghề đều biết năng lực của họ. Với các VĐV trẻ, năng khiếu ở môn đẩy gậy của TPHCM, thành công còn hơn thế. Chúng tôi từng chứng kiến VĐV đẩy gậy TPHCM dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (diễn ra năm ngoái tại Nghệ An) và thấy, sức mạnh ở những cô bé, cậu bé học sinh tuổi mới lớn khi bước vào cầm gậy thi đấu rất mạnh mẽ. Tại cuộc tranh tài ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc đó, VĐV của TPHCM hầu hết vào tới các trận chung kết và có chiến thắng để xếp nhất toàn đoàn. Còn nhớ, tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016, một HLV của Lai Châu (đơn vị vốn có thế mạnh ở môn đẩy gậy) đã chiêm nghiệm “giờ đẩy gậy là môn thể thao phổ thông, VĐV ở miền đồng bằng thi đấu còn mạnh mẽ hơn VĐV ở miền cao. Điều này là thú vị nhưng với các địa phương có truyền thống như chúng tôi sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn”. 
Đừng nghĩ đẩy gậy là dễ
Tiếng trống dồn dập tạo sự hưng phấn. Hai VĐV mỗi người cầm một đầu gậy vào tranh tài trong cung vòng tròn quy định. Ai bị đẩy ra trước khỏi vòng tròn là thua cuộc. Tính chất của trận đấu rất quyết liệt bởi tranh tài luôn là đối kháng loại trực tiếp nên bất kỳ sơ sẩy là dẫn tới thua cuộc đáng tiếc. “Nếu nhìn kỹ thì tưởng chỉ đơn giản là 2 đối thủ đẩy gậy co, kéo nhau đôi bên. Nhưng trong chuyên môn, chúng tôi biết rằng VĐV giỏi là người sẽ có cả kỹ thuật dùng khí lực rồi lúc thi đấu sẽ xoáy gậy, đè gậy... để khiến đối phương bị đánh bật khỏi vòng đấu. Nhìn chung, làm VĐV đẩy gậy không dễ”, HLV Đỗ Ngọc Thanh của đội Hà Nội từng chia sẻ. 
Điểm khác biệt khi VĐV đẩy gậy vào thi đấu đó là họ phải giữ sao cho đế giầy của mình thật sạch. Đế giầy sạch đồng nghĩa không bị trơn, trượt và độ bám tốt để có thế trong lúc thi đấu. Bất kể VĐV đẩy gậy nào cũng được HLV của mình săn sóc kỹ khi liên tục xịt nước (là nước rửa kiếng) để lau mặt giầy sạch nhất lúc vào đấu. Là môn đối kháng trực tiếp và thi đấu theo phân hạng cân, VĐV đẩy gậy cũng thực hiện chế độ ép cân giống nhiều môn thể thao khác. Những phút chiến thắng cầm tấm huy chương trên bục, VĐV của TPHCM hay bất kỳ đơn vị nào đều hân hoan thành công. Phía sau sàn đấu, thử nhìn vào bàn tay VĐV đẩy gậy, những vết chai hằn, vết xẹo của chấn thương rách da gần như thường trực ở môn thể thao ấy. Dù thế, đã đam mê và chơi rồi, chẳng ai chịu rời bỏ chiếc gậy.

Tin cùng chuyên mục