Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm?

“Quái thú phương Đông”, hay “Gã khổng lồ người Nga” Nikolai Valuev vốn đã giải nghệ từ năm 2009, nhưng cho đến thời điểm này, những tranh cãi quanh việc ông có phải là một quyền thủ hạng nặng vô địch thế giới có đẳng cấp thật sự hay không, vẫn chưa hề ngừng lại. Mới đây nhất, cựu HLV của Valuev vừa tiết lộ những sự thật gây sốc về thời đỉnh cao của võ sĩ này.

Valuev chụp hình kỷ nhiệm cùng với ông bầu Don King (trái) và Tổng thồng Mỹ Donald Trump (phải)
Valuev chụp hình kỷ nhiệm cùng với ông bầu Don King (trái) và Tổng thồng Mỹ Donald Trump (phải)

“Kolya búa tạ” và bản chất của tội phạm đường phố “nửa mùa”

Valuev sinh vào ngày 21-8-1973 tại thành phố Leningrad - nơi cực kỳ nổi tiếng trong thời Thế chiến thứ 2 (là thành phố Saint Petersburg ngày nay). Cha ông là người Nga, nhưng mẹ ông lại thuộc tộc người Tatar, vốn nổi tiếng với sự hiếu chiến và máu lửa khi đánh nhau. Cũng vì lẽ đó, máu chiến đấu đã ăn sâu vào từng cơ bắp, trí não của Valuev, bên cạnh vóc dáng khổng lồ và hầm hố. Trước khi gia nhập làng quyền Anh chuyên nghiệp, Valuev sống cuộc đời của một tội phạm đường phố, dù chỉ là "nửa mùa", chuyên bảo kê hàng hóa chợ trời cho vị HLV của ông - Oleg Shalaev.

Vóc dáng khổng lồ, với cả tiết diện đầu quyền lên đến 43 centimet, những cú đấm của Valuev đã trở thành nỗi ám ảnh của giới tội phạm đường phố nhỏ lẻ ở thành phố Leningrad hồi những năm 1990 của thế kỷ 20. Ông được đồn đại là “Chiến binh khổng lồ bước ra từ… truyện cổ nước Nga” hay là “Ngọn núi di động”. Nhưng ở thời điểm đó, các nhân viên công lực của Cục Phòng chống và Kiểm soát tội phạm có tổ chức biết Valuev rõ hơn với cái biệt danh rất “xã hội đen” - “Kolya búa tạ”. Tên tuổi Valuev, với biệt danh “Kolya búa tạ”, thậm chí được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu của Cục, để rồi, khi Valuev nổi tiếng, đại diện truyền thông của ông cũng không hề che giấu một số chuyện phạm pháp của Valuev.

“Vâng, chuyện đó cũng chẳng phải là bí mật gì cả, việc Valuev phải đến và tham gia các trận đấu quyền phi pháp để kiếm tiền. Chuyện này có thể được quy vào những tình tiết đặc biệt của thời đại. Nhưng sự thật là, Valuev không cố tình tham dự các trận đấu quyền kiểu chợ đen này”, đại diện truyền thông của Valuev từng lý giải về những hành động “tội phạm” của Valuev.

HLV đầu tiên của Valuev, ông Shalaev, vốn đã “sát cánh” cùng với “Kolya búa tạ” ngay từ những ngày đầu tranh tối tranh sáng. Ông này, nếu có rắc rối xảy ra về việc buôn bán, tranh chấp địa bàn, thường mang Valuev đến những điểm “nóng”, nơi có khả năng xảy ra đánh nhau. Nhưng thông thường thì, Valuev cũng chẳng cần làm gì cả. Chỉ cần nhìn vóc dáng và gương mặt cô hồn của ông, đám du côn khác đã sợ vãi cả linh hồn, và hò nhau “rút quân”. Là một người bất lịch sự, khắc nghiệt và không khoan nhượng, nhưng Shalaev là cứu tinh của Valuev. Valuev nợ ông này rất nhiều. “Bộ đôi tội phạm nửa mùa” này đã bị theo dõi rất nhiều ở thời điểm đó, dù cuối cùng, họ cũng chẳng tạo ra tội ác nào thật sự nguy hiểm với xã hội, chỉ toàn là đồn thổi. Cũng vì vậy, sau này khi Valuev bỏ rơi Shalaev, họ đã trở thành "kẻ thù"...

Chuyên nghiệp mà… nghiệp dư, cả trong việc chọn đối thủ

“Sự nừa mùa, không chính thống” của Shalaev và Valuev, đã hướng họ đi vào con đường quyền Anh chuyên nghiệp rất… nghiệp dư và không giống ai. Valuev đã đấu trận quyền Anh chuyên nghiệp đầu tiên vào tháng 10-1993, đấm gục John Morton (Mỹ) và thắng bằng KO kỹ thuật ngay từ hiệp 2 của trận đấu dài 4 hiệp trên đất Đức. Tuy vậy, ngay sau đó, ông quay lại và… tiếp tục thượng đài nghiệp dư. Năm 1994, Valuev tham dự Giải quyền Anh nghiệp dư vô địch quốc gia, ông tham gia cả Đại hội Thể thao thiện chí. Sau đó, BTC biết ông đã từng thượng đài chuyên nghiệp và loại ông khỏi giải đấu. Không biết làm gì, Valuev quay lại đánh chuyên nghiệp, và có các trận thắng thứ 2, 3, 4 trước các đồng hương Aleksandr Vasiliev, Aleksei Tsygankov và Sergey Anikeev (tất cả các trận đấu đều chỉ diễn ra chỉ trong 4 hiệp đấu, dù ở cả 2 trận đấu sau, Valuev đều giành được thắng bằng KO ngay từ hiệp đấu thứ 2).

Như vậy là, trong suốt 10 năm đầu đánh quyền chuyên nghiệp, Valuev không nề hà xa xôi, sẵn sàng xách găng cùng Shalaev đi bất kỳ đâu, miễn có đấu và có tiền, từ Đức (Schoneberg), Anh quốc (London), CH Czech (Prague), Australia (Townsville), rồi cả đất châu Á như là Nhật Bản (Tokyo), và Hàn Quốc (Seoul). Thời đó, tên tuổi Valuev bắt đầu “nổi như cồn”, nhưng đa phần khán giả đến xem ông, không phải vì bị mê hoặc với kỹ năng đánh quyền của ông, mà muốn xem “Quái thú phương Đông” này to cao khổng lồ đến mức nào.

Shalaev rất cẩn trọng khi tuyển chọn đối thủ cho Valuev, đó đều là những võ sĩ có thành tích thất bại nhiều hơn chiến thắng, không phải là những đối thủ tên tuổi. Khi mà số trận thắng của Valuev vừa đạt đến con số 20 (Valuev đấm gục James McQueen ngay ở hiệp 1 trận đấu diễn ra tại Prague hồi tháng 6-1999), Valuev bắt đầu chuyển sang lựa chọn cả… những võ sĩ ra mắt làng đánh quyền chuyên nghiệp bằng những trận đấu đầu tiên. Đó là điều mà chưa từng ai có thể nghĩ ra, ở vào thời điểm đó, để nâng cao thành tích “toàn thắng” của mình.

Trước đó, vào ngày 22-6-1999, Valuev đã trở thành nhà vô địch hạng nặng nước Nga sau khi đánh bại Aleksei Osokin bằng KO kỹ thuật ở hiệp đấu thứ 6. Chiến thắng này diễn ra ở sàn đài Casino Conti Giant Hall của thành phố St.Petersburg, quê nhà của chính Valuev. Tất nhiên, chiến thắng này khiến dư luận càng hoài nghi sự thiếu chuyên nghiệp của Valuev và đội hỗ trợ của anh này, khi đối thủ Osokin có thành tích chuyên nghiệp rất “kinh dị” - thắng 5 trận, nhưng cũng thua đến 4 trận và có thêm 1 trận hòa. Đối thủ yếu như vậy, Valuev không thắng mới lạ.

“Anh ta chẳng làm gì cả”

Ông Shalaev vừa có những tâm sự về toàn bộ sự nghiệp của Valuev, bằng chia sẻ gây sốc: “Anh ta đã làm những gì ư? Anh ta chẳng làm gì cả. Tất cả các võ sĩ mà chúng tôi lựa chọn để đấu với anh ta, đều rất yếu đuối, các trọng tài cũng đã được dàn xếp để nhận việc chấm điểm thi đấu, và họ luôn là những trọng tài chấm điểm theo một chiều. Vì thế, tôi có thể nói gì đây. Anh ta là một võ sĩ với con số 0 tròn tĩnh, chẳng là gì cả. Tôi vẫn luôn nói rằng, trong quyền Anh, võ sĩ không phải là người quyết định câu trả lời. Các trọng tài sẽ can thiệp, tách 2 võ sĩ vào thời điểm cần thiết, để họ không kết liễu trận đấu, vì thế, có những khoảnh khắc nguy hiểm khi họ vừa được tách ra. Tất cả đều ở đó, tất cả… đã được cấp vốn”.

Ngày 21-7-2002, Valuev đấu với võ sĩ người Ukraine Taras Bidenko ở Seoul. Ở vào thời điểm đó, Valuev sở hữu thành tích 28 trận toàn thắng, với 23 trận thắng bằng KO. Ngược lại, vốn như là lẽ thường, Bidenko có thành tích rất đơn sơ, với 3 trận thắng đầu tay trong sự nghiệp. Tuy vậy, một Bidenko mới thượng đài chuyên nghiệp lần thứ 4, và một Valuev “lão luyện”, người ta thấy “Quái thú phương Đông” rất lúng túng, chỉ đánh quyền như một tay mơ, còn Bidenko thì đầy nhanh nhẹn và có kỹ thuật ra quyền rất ấn tượng. Cuối cùng, Valuev lại thắng khi các trọng tài chấm điểm anh thắng tuyệt đối sau 12 hiệp đấu.

Sự thật về chiến thắng của Valuev vẫn gây tranh cãi, và “bại tướng” Bidenko ngày nào, vẫn cảm thấy có gì đó lấn cấn ở đây: “Thực tế, trận đấu đó được tổ chức để dành riêng cho Valuev. Anh ta vốn là nhà vô địch của Hiệp hội quyền Anh châu Á - Thái Bình Dương (PABA). Ban đầu, trận đấu dự kiến diễn ra ở St.Petersburg. Nhưng ở những thời điểm cuối cùng, kế hoạch trận đấu bị thay đổi, và trận đấu đã được chuyển đến Seoul, mà Chủ tịch của PABA, người luôn bảo vệ lợi ích của Valuev, lại cũng là người Hàn Quốc. Tôi chắc chắn, nếu trận đấu được tổ chức với những điều kiện bình đẳng nhất, thì các thành viên ban trọng tài phải nên chấm tôi giành chiến thắng điểm tuyệt đối”.

Bidenko khẳng định thêm: “Chúng tôi đã lựa chọn một phương hướng chiến thuật gần như là hoàn hảo. Đương nhiên, nhiều năm sau kể từ trận chiến với Valuev, khi hồi tưởng lại, tôi có thể sẽ phải thay đổi một số đòn quyền của mình. Tuy nhiên, tổng quan vẫn sẽ là như vậy. Anh ta lập trại tập luyện đặc biệt với một võ sĩ đấu tập người Nga. Còn chúng tôi lại mời những võ sĩ mỏng người hơn vào phòng tập và thực tế, tôi không đánh bại được bọn họ. Tôi chỉ bảo vệ bản thân của mình, phát triển các kỹ năng né đòn, làm chệch hướng các pha ra quyền của đối thủ. Đôi khi, trên võ đài, Valuev như chạm phải 2 võ sĩ cùng 1 lúc. Và mọi thứ đều có thành quả của nó, chắc chắn Valuev không đấm trúng tôi nhiều đâu, dù kết quả lại hoàn toàn khác hẳn”.

Thực tế, cả 3 trọng tài đều đưa ra quyết định chấm điểm Nikolai Valuev giành chiến thắng áp đảo sau 12 hiệp đấu, với điểm số lần lượt là 118-111, 116-112, và 117-111. Sau khi các trọng tài trưng ra kết quả và tuyên bố Valuev đánh bại Taras Bidenko, qua đó, đã bảo vệ thành công đai hạng nặng của PABA, đám đông khán giả người Hàn Quốc (đương nhiên là những người “không cùng phe” với Chủ tịch PABA) đã la ó om sòm trong khán phòng tổ chức trận đấu.

Phản bội Shalaev

Sự nghiệp của Valuev bắt đầu cất cánh vào năm 2003. Sau đó, ông ký hợp đồng với một công ty quảng bá của Đức - Công ty tổ chức sự kiện quyền Anh Sauerland Event, mà không cho Shalaev biết. Kể từ thời điểm đó, Shalaev, HLV kiêm nhà quản lý của Valuev bị Valuev bỏ rơi. Shalaev, trong nỗ lực cứu vãn tình hình, đã cố gắng đàm phán để kết nối lại với Valuev, cả bằng những vận động ở ngoài hành lang, và thông qua việc kiện cáo lên Tòa án.

Shalaev nhớ lại và nói: “Đó là một sự xấu hổ với một đất nước nơi luật pháp không hoạt động. Tại sao không một võ sĩ hàng đầu nào của chúng ta có những người quản lý, hay là các công ty quản lý của Nga? Tôi đã đệ đơn lên Tòa án để hy vọng người ta công nhận quyền quản lý của tôi với Valuev suốt thời gian dài, nhưng tôi không tìm thấy công lý ở đó. Tất nhiên, vẫn còn một số hợp đồng quảng bá có giá trị mà Valuev ký kết với công ty của tôi. Nhưng hóa ra, Tòa án của chúng ta lại đi ủng hộ những công ty quảng bá ngoại quốc, những kẻ bình thản cướp đi các nhà vô địch của nước Nga. Về phần Valuev, anh ta bí mật ký hợp đồng với họ và lên đường sang Đức”.

“Kể từ đó, anh ta tránh mặt tôi. Lên báo, anh ta luôn nói: “Vâng, tôi nợ ông ấy rất nhiều". Anh ta thậm chí còn nói rằng vẫn giữ liên lạc với tôi. Tất cả những chuyện anh ta nói, đều là giả dối. Gần đây, tôi có gặp lại anh ta trong đám tang của võ sĩ huyền thoại Gennady Shatkov. Tôi đến bên cạnh Vaulev và nói: “Nikolai, chúng ta cần phải đóng lại một câu hỏi vẫn chưa được trả lời và sau đó giải tán như những người bình thường khác”. Sau đó, chúng tôi có trao đổi số điện thoại với nhau”, ông Shalaev cho biết.

“Rồi tôi gọi cho anh ta, nhưng anh ta lại nói: “Chẳng có lý do gì để gặp mặt cả”. Tôi còn có thể nói gì, thật là bệnh hoạn. Anh ta đã sống với tôi trong 8 năm, tôi đã nuôi ăn anh ta, mua đồ cho anh ta mặc, và dẹp bỏ mọi chướng ngại vật chắn đường trước mắt anh ta. Anh ta giống như em trai nhỏ bé của tôi vậy. Anh ta không bị tước đoạt bất kỳ thứ gì. Tôi đầu tư rất nhiều tiền vào anh ta, tôi không biết một sự nghiệp như của Valuev là thế nào nữa. Anh ta đến với tôi khi mang đôi giày sờn rách, ngón chân thò cả ra ngoài, anh ta ngất xỉu vì đói. Mọi người ai cũng biết điều đó. Còn họ, họ đã tách con người tuyệt vời khỏi cơ thể của anh ta”, Shalaev kể.

Trở thành nhà vô địch thế giới gây tranh cãi, cả Holyfield cũng bị ép

Sauerland Event đã thuê nhiều chuyên gia giỏi hỗ trợ Valuev. Manvel Gabrielyan trở thành HLV mới của ông. Valuev liên tục thăng hoa bằng hàng loạt trận thắng trên đất Đức. Ông giành đai Liên châu lục hạng nặng của WBA và bảo vệ nó thành công sau hàng loạt trận thượng đài. Ngày 17-12-2005, tiếp tục giành chiến thắng gây tranh cãi khác, lần này sự tranh cãi còn lớn hơn nhiều so với trận đấu với Bidenko. Đó là chiến thắng bằng điểm số tương đối sau 12 hiệp đấu trước võ sĩ người Mỹ John Ruiz, qua đó giành đai WBA, đai vô địch thế giới đầu tiên trong sự nghiệp. Ông cũng đã trở thành người Nga đầu tiên vô địch thế giới quyền Anh hạng nặng chuyên nghiệp.

Chiến thắng gây tranh cãi hồi năm 2005 đã tạo ra một khái niệm mới trong làng quyền Anh chuyên nghiệp thế giới, khái niệm “Trọng tài người Đức”. Đó là khi bạn là một võ sĩ thách đấu và cho dù cố gắng đạt được kết quả hòa, thì “Trọng tài người Đức” vẫn sẽ trao chiến thắng cho một võ sĩ “địa phương”. Dù Valuev là người Nga, nhưng khi đó, ông được một công ty Đức tên tuổi hậu thuẫn ở phía sau lưng…

Nhận ra tiềm năng của Valuev, ông bầu Don King, khi đó cũng đang là ông bầu của Ruiz, đã đến rù quến, và sau đó, trở thành đồng đại diện của Valuev, bên cạnh Công ty Sauerland Event. Don King kể lại về tình huống đó: “Khi cậu ta đến với tôi, cậu ta đơn giản là không biết đánh quyền, chỉ có được cái vóc dáng cao to khổng lồ. Cậu ta có thể nghiền nát các đối thủ với sức mạnh kinh khủng của mình, nhưng lại không có kỹ thuật ra quyền. Tôi đã nói với cậu ta: “Nikolai, chúng tôi sẽ biến cậu thành một võ sĩ quyền Anh thực thụ. Chúng tôi sẽ biến cậu thành một nhà vô địch”.

“Và Nikolai đã chính xác trở thành người như vậy. Cậu ta trở thành một trong số những người chúng tôi, cậu ta bắt đầu học hỏi từ những người giỏi nhất. “Hãy dạy tôi những thứ đen tối của ông”, cậu ta nói, “Tôi muốn có thể khiêu vũ như ông vậy”. Và cậu ta đã học hỏi được. Giờ đây, chúng tôi đang sở hữu một gã khổng lồ người Nga, nặng suýt soát 1 tạ rưỡi, người chẳng biết làm gì ngoài… khiêu vũ, khiêu vũ và múa may trên sàn đài. Giờ đây, cậu ta là bất khả chiến bại, là người giỏi nhất của những người giỏi nhất. Tôi là King, còn Valuev chính là Kong của tôi (chơi chữ để ám chỉ đến hình tượng quái thú King Kong trong điện ảnh Hollywood)”, Don King hồi tưởng lại.

Nhưng rồi thì, Valuev không giữ thành tích bất khả chiến bại quá lâu. Tháng 4-2007, ông thua trận đầu tiên trong sự nghiệp trước võ sĩ Uzbekistan Ruslad Chagaev. Tuy vậy, chiến thắng của Chagaev cũng rất sát sao. Trong khi 1 trọng tài chấm điểm hòa, 1 trọng tài chấm Chagaev dẫn điểm tối thiểu, người thứ 3 cuối cùng đã đưa ra kết quả đúng đắn khi chấm Chagaev thắng áp đảo 117-111. Valuev mất đai WBA. Tuy vậy, Valuev đã tìm lại đai vô địch của mình khá nhanh. Sau 2 trận thắng, ông lại có cơ hội đấu với Ruiz, để tranh đai WBA đang bỏ trống. Lần này là trận thắng thuyết phục nhất trong sự nghiệp của Valuev - thắng điểm tuyệt đối sau 12 hiệp đấu. Nhưng sau đó, lại là kết quả gây tranh cãi khi đấu với tượng đài của làng đánh quyền hạng nặng thế giới - Evander Holyfield...

Trận đấu đó diễn ra vào tháng 12-2008. Với Valuev, đó là trận bảo vệ đai WBA, nhưng với một người như Holyfield (năm đó cũng đã… 46 tuổi), đó là trận tranh đai vô địch thế giới thứ 2, kể từ khi quay lại sàn đài. Nhiều nhân chứng tin rằng, Holyfield dù tuổi cao nhưng chưa sức yếu, có đẳng cấp hơn hẳn Valuev. Nhưng các trọng tài lại nghĩ khác dư luận thêm một lần nữa, khi lần lượt chấm Valuev thắng điểm tương đối, là 114-114, 116-112 và 115-114.

Dù sở hữu vai vế là một tay đấm huyền thoại, Holyfield vẫn thừa nhận sự thật, ông đã bị cướp đi chiến thắng và đai vô địch WBA: “Quan điểm của tôi về kết quả của trận đấu khác với các trọng tài. Tôi không buồn với màn trình diễn của mình. Tôi tung ra nhiều đòn quyền chính xác hơn. Tôi nghĩ rằng, tôi đã giành chiến thắng trong trận đấu này. Những trọng tài chấm điểm ở trong trận đấu này, người ta nên tước hết giấy phép của họ”.

Thua Haye, đàm phán với Klitschko “anh” và… bất ngờ giải nghệ

Trận đấu sau trận với Holyfield đã trở thành trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của Valuev. Vào ngày 7-11-2009, Valuev đấu với võ sĩ người Anh David Haye (thời đó vẫn chưa nổi với biệt danh “Ôi ngón chân”). 12 hiệp đấu hôm đó cũng chứng kiến Haye hành Valuev lên bờ xuống ruộng, thậm chí, Haye suýt nữa đã đấm KO võ sĩ người Nga ở trong hiệp đấu cuối cùng. Ngay cả như thế, bằng một cách kỳ diệu nào đó, một trọng tài vẫn chấm cho Valuev có điểm hòa sau 12 hiệp đấu (!!?), nhưng 2 người khác đã công tâm và nói không với màn trình diễn như ở rạp xiếc của Valuev. Ông mất đai WBA.

Kể từ khi lấy đai WBA, dù phải tồn tại song song với “Triều đại của anh em nhà Klitschko” - đó là Vitali Klitschko và Wladimir Klitschko, nhưng Valuev vẫn khôn khéo tránh né được 2 võ sĩ người Ukraine. Nhưng khi đã mất đai WBA, muốn quay trở lại, Valuev buộc phải vượt qua những thử thách đó. Đầu năm 2010, có tin đồn Valuev muốn thách đấu đai WBC của Vitali. Cả 2 bên đã ngồi vào bàn đàm phán thậm chí Klitschko “anh” (hiện là Thị trưởng của Kiev) đã gọi cả điện thoại video cho Valuev, nhưng mọi chuyện không thành.

Valuev sau này đã lý giải lý do “từ chối” Vitali, không phải vì ông “hèn nhát”: “Ở thời điểm đó, tôi đã có thể thông qua một số điều khoản nhất định. Nhưng chúng tôi không đồng ý. Đánh bại Klitschko (đánh bại được ư?), tôi có thể trở thành nô lệ của anh ta với rất nhiều trận đấu liên quan đến báo thù ở phía trước. Điều đó không khiến tôi ham muốn, nhưng tôi suýt nữa đã đồng ý. Tôi muốn quản lý của anh ta phải đứng ở ngoài trại huấn luyện của tôi. Cuối cùng, mọi thứ dừng lại ở việc thiếu sự đồng thuận về thỏa thuận”.

Về phần mình, Vitali nói “sự không thành” vì ông bầu Don King: “Khi đó, tôi đang là nhà vô địch thế giới. Valuev, thậm chí còn không phải Kẻ thách đấu đai vô địch. Trong suốt quá trình bảo vệ tự do, tôi quyết định sẽ trao cho ai cơ hội để thách thức đai vô địch của tôi. Tôi quyết định trao cơ hội cho Nikolai. Tôi gọi cho anh ta và đưa ra đề nghị. Anh ta đặt ra khoản tiền anh ta muốn có để thượng đài”.

“Tôi đề nghị lại một khoản tiền, nó phù hợp hơn với… kích thước vật lý của anh ta. Valuev nói, anh ta cần thời gian để suy nghĩ. Vài ngày sau, tôi lại gọi cho anh ta. Anh ta đề nghị tôi tiếp tục đàm phán thêm với Don King. Valuev nói với tôi rằng, mọi quyết định đều được Don King tạo ra. Vì vậy, tôi chỉ có thể thông cảm với Nikolai mà thôi”, Vitali đánh giá.

Cuối cùng, Valuev tuyên bố giải nghệ trong năm 2010. Sau đó 9 năm, đến năm 2019, ông mới tiết lộ lý do giải nghệ của mình, không phải vì sợ phải đối đầu với anh em nhà Klitschko, mà vì ông cần phải sớm điều trị căn bệnh to đầu chi (bệnh rối loạn do kết quả của hóc môn tăng trưởng dư thừa), vốn là lý do dẫn đến cơ thể của Valuev to cao kinh khủng.

Với nhiều chuyên gia, lối đánh của Valuev là "phản boxing", chỉ chuyên trị lấy thịt đè người, dùng sự to lớn về hình thể để nghiền bẹp võ sĩ nhỏ người hơn hẳn. Riêng truyền thông Anh quốc, còn gọi Valuev là Nhà vô địch quyền Anh chuyên nghiệp tệ hại nhất trong lịch sử, sau trận thua Haye (thực tế sau này cho thấy, Haye cũng chỉ là "quyền thủ hạng 2" nếu so sánh với anh em nhà Klitschko...).

Nhưng có những thứ, người ta luôn phải khẳng định: Thứ nhất, Nikolai Valuev là võ sĩ cao to và mạnh nhất của lịch sử của đánh quyền hạng nặng, với chiều cao lên đến 2 mét 13 (chiều cao mà ngay cả một võ sĩ khổng lồ như là Tyson Fury cũng phải “ngước nhìn), sải tay dài 216 centimet, nặng gần 150 kg; Thứ hai, Valuev từng được ông bầu Don King coi như “báu vật” và sau chiến thắng trước John Ruiz hồi đáng 12-2005, qua đó, giành đai hạng nặng của WBA, Valuev trở thành võ sĩ Nga đầu tiên trong lịch sử giành đai vô địch quyền Anh hạng nặng chuyên nghiệp thế giới.

Một số hình ảnh về Quái thú phương Đông Nikolai Valuev
Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm? ảnh 1
Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm? ảnh 2
Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm? ảnh 3
Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm? ảnh 4
Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm? ảnh 5
Cựu HLV của Nikolai Valuev: Sự thật về Quái thú phương Đông - chỉ chọn đối thủ yếu, dàn xếp trọng tài để được lợi điểm? ảnh 6

Tin cùng chuyên mục