Cùng nhìn về một hướng

Không ít những dấu ấn của V-League 2018 được nhắc đến ở ngay vòng khai mạc, nhưng có lẽ khán giả mới là câu chuyện ấn tượng nhất. 
Đông đảo khán giả trên sân Pleiku ngày khai mạc
Đông đảo khán giả trên sân Pleiku ngày khai mạc
Lần đầu tiên tính từ 4 mùa bóng gần nhất thì V-League 2018 đã đón nhận số lượng khán giả nhiều nhất ở vòng đấu đầu tiên. Theo đó, số khán giả đến sân tính trung bình của vòng 1 là 12.000 người, một con số đáng mơ ước của ban điều hành và nhất là các câu lạc bộ.
Mùa bóng 2015, hiệu ứng nóng từ lứa U.19 đang hừng hực với hiện tượng vỡ sân Pleiku khi Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… ra sân thì số khán giả trung bình đến sân cũng chỉ 7.600 người/trận. Mùa bóng 2016, khán giả đến sân vòng 1 có tăng lên khi con số trung bình là 10.000 người/trận. Đến 2017, con số này giảm còn 8.500 người. Và đến 2018, sự kiện sân Thiên Trường ngày đón câu lạc bộ Nam Định trở lại V-League với 22.000 khán giả đến sân đã tạo nên một kỷ lục mới cho V-League. Lý do dễ thấy nhất là hiệu ứng từ đội tuyển U.23 đã giúp cho các sân đầy ắp khán giả. Các câu lạc bộ sở hữu tuyển thủ U.23 thi đấu đều chứng kiến sự háo hức đón đợi của người hâm mộ. Điển hình là CLB Hà Nội đã khiến cho khán đài sân Hàng Đẫy phải “gồng mình” đón đến 13.000 khán giả đến chứng kiến trận đấu của chủ nhà với CLB Hải Phòng. Hàng Đẫy nhiều mùa bóng qua luôn phải chịu cảnh khán đài trống trải, nhưng giờ đây những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… cùng đồng đội đã không phụ lòng người xem khi chính họ là động lực quan trọng đưa người xem đến sân từ hiệu ứng thành công của đội tuyển U.23. 
Thực tế, ở các sân không có sự xuất hiện các tuyển thủ U.23 thi đấu thì khán giả không chiếm ưu thế, nhưng con số trung bình vẫn cao hơn nhiều các mùa giải trước. Điều này chứng tỏ ngoài hiệu ứng U.23 thì V-League 2018 trở lại cũng đã mang theo nhiều tín hiệu mới, mà quan trọng nhất là người hâm mộ cảm thấy tin tưởng hơn. Không khỏi có những trục trặc ban đầu, như vấn đề sóng truyền hình hay khán giả đốt pháo sáng trên sân… nhưng rồi mọi việc đều được ban điều hành giải quyết ổn thỏa. Chẳng hạn, câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình tưởng chừng khó hòa giải, nhưng rồi các bên đã kịp thấu hiểu và cùng ngồi lại để tìm hướng ra phù hợp nhất. Ban điều hành cũng đưa ra cách nhìn mới hơn về nạn đốt pháo sáng trên sân mà theo quy định đây là hành vi nghiêm cấm.
Theo quan điểm của VPF, hành vi đốt pháo sáng trên khán đài gây ảnh hưởng tiêu cực đến trận đấu đã diễn ra nhiều lần ở các mùa giải qua. Ban kỷ luật cũng đã đưa ra nhiều án phạt nghiêm khắc bằng tiền cũng như nhiều biện pháp khác, nhưng rồi mọi thứ vẫn không thay đổi. Điều này cho thấy, những nhà điều hành V-League cần có cái nhìn mới hơn. Đó là cần nắm bắt tâm tư tình cảm của khán giả, kêu gọi tinh thần tự giác, tinh thần cổ vũ đẹp ở mọi người. Và quan trọng hơn là làm sao chất lượng các trận đấu phải ngày càng được nâng lên để khán giả đến sân ai cũng hài lòng dù đội nhà có thắng hay thua.
Vòng đấu đầu tiên chưa thể nói lên tất cả, nhưng nó báo hiệu cho những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Việc ghi nhận số lượng khán giả đến sân tăng kỷ lục cũng như khán giả xem qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác cho thấy V-League 2018 bước đầu khởi sắc. Ngoài ra, những yếu tố khác từ các câu lạc bộ, ban điều hành, nhà tài trợ… đều cùng cho thấy họ đã nhìn về một hướng để đưa V-League trở lại quỹ đạo phát triển.

Tin cùng chuyên mục