Công lao và công bằng

“Bầu Đức sang tận Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo”, “Bầu Đức là người trả lương cho HLV Park Hang-seo”… Rất nhiều điều như thế được nghe thấy trong những ngày rạo rực sau chức vô địch AFF Cup 2018.
Bầu Đức là người trả lương cho HLV Park Hang-seo. Nguồn: VOV
Bầu Đức là người trả lương cho HLV Park Hang-seo. Nguồn: VOV

Không có một thành công, chiến tích lớn lao nào mà không có công lao của những người thầm lặng cả. Chúng ta đã thấy hình ảnh thủ thành Đặng Văn Lâm một mình ôm cột khung thành khóc, để tự đáy lòng mình thầm lặng nói lời cảm ơn đến những người đã ủng hộ và tin tưởng anh suốt hành trình từ Nga về Việt Nam lập nghiệp. Chúng ta thấy trên chiếc áo mừng công của Xuân Trường có ghi tên của 2 đồng đội Văn Thanh, Tuấn Anh. Chúng ta thấy những trợ lý người Việt Nam của HLV Park Hang-seo như Lư Đình Tuấn, Nguyễn Đức Cảnh lao ra đường biên hét khan cả giọng, phản ứng trọng tài khi cần thiết để tránh cho HLV trưởng không chịu các án phạt từ trọng tài…

Có nhiều thứ chúng ta thấy, nhưng không phải điều gì cũng được nhớ đến khi nói về thành công tại AFF Cup 2018. Chiến công ấy đương nhiên thuộc về những con người trực tiếp tham gia, thường xuyên xuất hiện. Nhưng cũng phải công bằng với những người không thể ghi tên trên tấm màn nhung chiến thắng.

Công lao của bầu Đức có không? Có chứ, thậm chí là rất lớn. Cái công lao ấy còn phải tính từ thời điểm của hơn 10 năm trước, khi ông đổ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Học viện HA.GL - Arsenal, tạo một sự thay đổi tận gốc rễ về công tác đào tạo cũng như truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân khác âm thầm đầu tư cho bóng đá. Nếu lịch sử bóng đá Việt Nam có một chương dành riêng cho các ông bầu, thì bầu Đức phải nằm ở những trang đầu tiên.

Nhưng đừng vội nói rằng “không có bầu Đức thì không có HLV Park Hang-seo”, đừng vội kết luận “Lương của HLV Park là do bầu Đức trả”. Nói như vậy là vừa không công bằng, còn vừa tạo ra sự chia rẽ nguy hiểm.

Cái không công bằng ở chỗ bầu Đức tham gia tuyển chọn hay lo tiền lương cho HLV Park Hang-seo vì đó là việc ông phải làm với tư cách của một vị Phó Chủ tịch tài chính VFF. Nói đúng hơn, ông đại diện cho VFF và thực hiện công việc mà nhiều người đã đặt niềm tin vào ông. Hãy nhớ rằng, những người tín nhiệm bầu cho bầu Đức vào VFF khóa 7 vừa qua cũng đã góp phần công lao của họ.

Họ đã tin ông kể cả khi có những thời gian, bầu Đức đã gây “náo loạn” VFF khi đòi sa thải HLV Miura hay ra mặt ủng hộ HLV Hữu Thắng. Hãy thử tưởng tượng, nếu bầu Đức không phải là Phó Chủ tịch VFF, liệu ông có đủ tiếng nói để cùng những lãnh đạo khác đi đến quyết định chọn HLV Park Hang-seo hay không? Và nếu bầu Đức có chọn lựa sai, thì những thành viên VFF đương nhiên cũng liên đới trách nhiệm.

Câu chuyện trả lương cho HLV Park Hang-seo cũng vậy, đó là trách nhiệm của người lo chuyện tiền bạc của VFF mà bầu Đức là đầu tàu. Không có bầu Đức, có thể sẽ không có HLV Park Hang-seo, nhưng tiền lương cho các HLV nào khác, cũng sẽ do VFF chi trả.

Thực tế, ngân sách nhà nước cũng luôn có khoản tiền chi cho các chuyên gia, nhưng thông thường khoản này không đủ để thuê các HLV trong môn bóng đá, luôn có chi phí cao hơn các môn khác. Bây giờ, chúng ta nói là bầu Đức trả lương cho HLV Park Hang-seo, vậy thì bao đời HLV trước đây, ai trả? Nên, hiểu cho đúng thì có thể bầu Đức đã tài trợ (hoặc vận động tài trợ) khoản tiền lương này, tương tự như Honda từng tài trợ lương cho HLV Toshiya Miura hay bầu Thắng từng “tặng” HLV Calisto cho đội tuyển 10 năm trước. Đấy là sự đóng góp mà chúng ta cần cảm ơn, nhưng đừng nói rằng không có bầu Đức thì không có HLV Park Hang-seo, vì như vậy hóa ra đã phủi sạch lòng tin, sự kỳ vọng mà ban chấp hành VFF thay mặt giới làm bóng đá đặt vào bầu Đức hay sao!

Còn hơn thế, nếu suy rộng ra, tôn vinh công lao một mình bầu Đức chẳng khác nào sự chia rẽ một đội tuyển đang có sự đoàn kết tuyệt vời nhất từ trước đến nay. HLV Park Hang-seo không phải là một thầy phù thủy để biến không thành có. Ông may mắn có trong tay một thập thể tuyệt vời, những cầu thủ giỏi chuyên môn, tốt đạo đức. Họ không phải từ hành tinh khác đến.

7 cầu thủ thường xuyên đá chính đến từ CLB Hà Nội, đội bóng mà chúng ta khi bực tức, lại bảo đó là “của bầu Hiển”, nhưng khi thăng hoa thì lại chẳng ai nhớ “ông chủ” thật sự, người đã mạnh dạn đưa Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh… đá V-League từ tuổi 21 theo đúng chủ trương của VFF. Chắc chẳng ai hiểu vì sao Nguyễn Văn Quyết, đàn anh của nhóm cầu thủ Hà Nội ấy sẵn lòng ngồi dự bị khi lên tuyển.

Đây là điều chưa bao giờ xảy ra ở đội tuyển quốc gia, nơi mà trước đây tính địa phương, quân anh - quân tôi luôn làm tiêu hao nội lực. Chúng ta tôn vinh bầu Đức và HA.GL mà không hề nhắc đến những người đào tạo trẻ của bóng đá Hà Nội cùng các đồng lương ngân sách ít ỏi và điều kiện vật chất nghèo nàn. Hãy hỏi Văn Lâm, Xuân Trường và cả HLV Park Hang-seo… rằng công lao thuộc về ai? Dám chắc họ sẽ nói về những người chưa từng nói về công sức của mình.

Tin cùng chuyên mục