Có cái để bán

Bản quyền truyền hình Thai-League có thể lên đến 400 triệu USD trong vòng 8 năm là một thông tin gây sốc về con số, nhưng không bất ngờ nếu biết gói bản quyền 3 mùa gần nhất của Thai-League đã vào khoảng 80 triệu USD. 

Mức tăng dự kiến trung bình là khoảng 80% mỗi mùa. Như vậy, nếu đứng ở góc nhìn của bóng đá Việt Nam thì con số thật choáng ngợp, nhưng xét diễn biến kinh doanh của Thai-League kể từ khi họ bắt đầu bán được bản quyền truyền hình từ năm 2011 đến nay, đó là quá trình lũy tiến khả thi. Có bất ngờ hay không chủ yếu là theo đánh giá chủ quan, bóng đá Thái Lan thời gian gần đây giậm chân tại chỗ. Nhưng sự thật đấy là ở cấp độ đội tuyển, còn tại Thai-League, mọi thứ đang ngày càng tốt hơn.

Câu chuyện đáng nói ở đây không phải là ở số tiền, mà ở việc bóng đá Thái Lan “có cái để bán”. Kinh doanh thứ gì cũng vậy, cốt lõi vẫn là “bán cái gì”. 3 năm đầu tiên của Thai-League (từ 2008), bản quyền truyền hình miễn phí. 3 năm tiếp theo, họ bán được hơn 1 triệu USD/mùa. Giai đoạn bùng nổ của truyền hình trả tiền tại Thái Lan đã giúp cho Thai-League bán được 3 năm kế tiếp với trị giá hơn 10 triệu USD/mùa. Rõ ràng, Thai-League ngày một tốt hơn thì mức giá bản quyền của nó mới tiếp tục tăng nhanh như hiện nay và sắp đến. Điều này, tương tự như việc cầu thủ Thái Lan được các CLB Nhật Bản săn đón, việc Thai-League phát triển không liên quan gì đến thành tích sa sút của đội tuyển quốc gia cả. Sự đông đảo của ngoại binh, chất lượng các trận đấu tăng lên, số CLB và trận đấu nhiều hơn thì bản quyền cũng có giá trị hơn trước.

Trong khi đó, kể từ năm 2012, khi Công ty VPF ra đời, tỷ lệ trận đấu được phát sóng trực tiếp lên đến hơn 90%, thế nhưng việc kinh doanh bản quyền V-League vẫn không phát triển, gần như không thu được đồng nào kể cả khi người dân chủ yếu sử dụng hệ thống truyền hình trả tiền. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là không ai mua. Người dân chưa có thói quen trả tiền để mua kênh riêng xem bóng đá nội, các đài cũng không thể bán riêng “gói V-League” để tính toán chính xác doanh thu. 

Công bằng mà nói, VPF cũng chỉ là “nạn nhân”. Bản quyền truyền hình về bản chất cũng giống như bán vé. Một CLB có lượng CĐV trung thành đông đảo thì khi thi đấu sân nhà sẽ bán được nhiều vé; còn nếu đi sân khách sẽ có nhiều người muốn xem qua truyền hình. Ngược lại, nếu đá tại sân nhà mà chẳng ai đến xem, làm sao bán được bản quyền?! Ở đâu cũng vậy, các CLB có doanh thu từ bản quyền nhiều hay ít tùy vào số lượng CĐV của họ. Ví dụ như Man.United dù thi đấu không tốt nhiều năm gần đây nhưng bản quyền truyền hình quốc tế của họ số 1 thế giới nhờ lượng fan khổng lồ.

Nói cho cùng, “cái để bán” không hẳn là việc ghi hình, phát sóng mà là những gì các CLB phải tạo ra cho những CĐV của họ.

Tin cùng chuyên mục