Chuyện ở các liên đoàn

Cách đây vài ngày, Đại hội thành lập Liên đoàn Thể thao điện tử TPHCM nhiệm kỳ I (2021-2025) và Đại hội đại biểu Liên đoàn Muay TPHCM nhiệm kỳ III (2021-2026) đã diễn ra cùng thời điểm, phần nào phản ánh sự sôi động của các liên đoàn, hội thể thao thời gian qua. Đây còn được coi là xu hướng phát triển có lợi, giúp thu hút thêm các nguồn lực xã hội cho cộng đồng thể thao nói chung.
Đại hội thành lập Liên đoàn Muay TPHCM vào ngày 26-11. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đại hội thành lập Liên đoàn Muay TPHCM vào ngày 26-11. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Thể thao điện tử (eSports) đang dần lớn mạnh tại Việt Nam. Riêng tại TPHCM có hơn 40 CLB và hơn 600 VĐV tham gia tập luyện, thi đấu ở các giải quốc gia cũng như các đấu trường quốc như: Vô địch thế giới AWC 2019, Vô địch Đông Nam Á, SEA Games 30.

eSports đã manh nha du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000. Nếu như những ngày đầu tiên đây chỉ có thể coi là phong trào tự phát thì đến nay eSports Việt Nam đã bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa. Ông Phan Đăng Dũng (Tổng Thư ký Liên đoàn Thể thao điện tử TPHCM) cho hay: “eSports đang dần có được sự công nhận của thế giới là một bộ môn thể thao thực thụ, thậm chí có sức hút chẳng kém gì những môn truyền thống. Thế nhưng, tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng khái niệm này còn khá mơ hồ với nhiều người, họ không phân rõ được đâu là môn thể thao điện tử và đâu là trò chơi điện tử (game online) thông thường. Điều này khiến các VĐV eSports chưa có được sự thừa nhận xứng đáng từ cộng đồng dù rằng họ đạt những thành tích cao ở SEA Games hay các đấu trường thế giới khác”.

Cũng theo ông Dũng, sự ra đời của Liên đoàn Thể thao điện tử thành phố được coi là đáp ứng nguyện vọng của các CLB, VĐV, những người yêu thích eSports, đánh dấu bước tiến mới cho thể thao điện tử TPHCM. Liên đoàn được thành lập hứa hẹn thúc đẩy phong trào tập luyện, thi đấu thể thao điện tử, tạo môi trường hoạt động trong sạch, lành mạnh, giúp các phụ huynh an tâm, tạo điều kiện cho con em mình tham gia. Từ đó, các tài năng eSports sẽ được phát hiện để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, trọng tài, HLV và VĐV có trình độ chuyên môn cao, nâng cao thành tích tại các giải đấu trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Liên đoàn Muay TPHCM giai đoạn 2017-2021 đã gặt hái được những thành công trong quá trình phát triển phong trào tập luyện bộ môn cũng như khía cạnh thể thao thành tích cao. Muay được xem là một trong các môn thể thao được người dân thành phố ưu tiên lựa chọn để rèn luyện sức khỏe, ý chí khi tham gia tập luyện tại các trung tâm TDTT, phòng tập võ thuật tổng hợp, CLB… Hiện nay có hơn 3.000 người tham gia tập luyện Muay thường xuyên tại TPHCM. Ngoài ra, liên đoàn còn phát triển hệ thống thi đấu các giải Muay, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng thành phố. Trong giai đoạn 2017-2021, Liên đoàn đã tổ chức hơn 10 lớp đào tạo và bồi dưỡng cho lực lượng HLV, hướng dẫn viên, trọng tài, qua đó công nhận hơn 1.000 lượt HLV, trọng tài đạt chuẩn.

2. Trái ngược với sự nở rộ của các hội thể thao trong xã hội, nhiều liên đoàn thể thao quốc gia đang “mất lái”.

Hơn 1 năm qua, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam khuyết vị trí chủ tịch, sau khi ông Trần Gia Thái bất ngờ xin rút dù nhiệm kỳ cũ vẫn chưa kết thúc (2018-2022). Việc “thuyền trưởng” của bóng bàn nói lời chia tay rất dễ dẫn đến hiểu lầm cho rằng năng lực hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp này “đang có vấn đề”.

Bóng bàn vốn là môn chơi hấp dẫn, một thời lẫy lừng với hàng loạt giải đấu uy tín trong nước lẫn quốc tế được tổ chức (giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân, giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng), kéo theo là vô số nhà tài trợ tham gia đầu tư cho các CLB địa phương hoặc tỉnh, thành và ngành (Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Hà Nội T&T, Petrosevco, Bưu điện…). Nhưng càng về sau này, bóng bàn ít được quan tâm, không còn sản sinh ra nhiều tay vợt đẳng cấp nữa nên hình ảnh cũng giảm đi ít nhiều. Người trong giới bóng bàn thừa nhận rằng tính hấp dẫn của hệ thống giải quốc gia không được như trước, cần có một chiến lược mang tính đột phá khác từ Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam để giúp làng bóng bàn tìm lại chính mình.

Cũng phập phù tương tự bóng bàn là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, tổ chức mà trong vòng 10 năm trở lại đây đã nỗ lực cải tổ “đội hình” quản lý nhưng vẫn không thoát khỏi được tình trạng trì trệ và mất phương hướng, dần mất đi những nhà tài trợ thân thiết như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, PV Gas. Người đứng đầu của Liên đoàn Bóng chuyền hiện nay luôn “nhấp nhổm” chạy đua vào Liên đoàn Bóng đá, nên cả nhiệm kỳ qua chưa tạo được chút dấu ấn trong chính liên đoàn mình quản lý. Còn trong nội bộ, các thành viên Ban chấp hành liên đoàn không mấy khi tìm được tiếng nói chung; lại thêm chuyện lình xình về việc phó chủ tịch Liên đoàn tìm cách cô lập và “đuổi khéo” tổng thư ký khỏi bộ máy, dù ông tổng thư ký được làng bóng chuyền đánh giá là người có tư duy cấp tiến, muốn giúp bóng chuyền nước nhà mạnh hơn, vươn đến tầm châu Á.

Việc ra đời của các liên đoàn, hội thể thao là xu hướng tất yếu để phát triển thể thao và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao. Nhưng để đạt được mục tiêu lớn đó, các tổ chức này cần chủ động và năng động hơn, mà trước hết là có sự đồng lòng, chung chí hướng của những người “cầm lái”. Cùng đó, không chỉ chú trọng đến phát triển thể thao đỉnh cao, mà các liên đoàn, hội thể thao cũng cần quan tâm hướng hoạt động đến thể thao phong trào, tạo nền tảng vững chắc cho thể thao đỉnh cao vươn tầm.

Các liên đoàn, hiệp hội thể thao là tổ chức xã hội nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế tương ứng. Hiện tại, thể thao TPHCM có khoảng 30 liên đoàn, hội thể thao đã được thành lập. Trong đó, đa phần các tổ chức đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động TDTT, huy động được nhiều nguồn lực về chuyên môn và kinh phí để hỗ trợ tổ chức các giải thi đấu, giúp cho vận động viên, huấn luyện viên có điều kiện thi đấu để nâng cao trình độ, cũng như góp phần không nhỏ vào việc phát triển phong trào TDTT quần chúng.

Tin cùng chuyên mục