Chuyến hành trình quay lại Hungary đầy cảm xúc của Yusra Mardini

Yusra Mardini không còn phải sống trong sợ hãi. Người ta đang bảo vệ và đối xử với nữ kình ngư 19 tuổi như một VĐV Olympic nổi danh khi cô đang thi đấu tại giải bơi lội VĐTG tại Budapest.
 
Yusra Mardini được đối xử hoàn toàn khác khi quay lại Hungary
Yusra Mardini được đối xử hoàn toàn khác khi quay lại Hungary

Yusra Mardini từng phải ngủ trong sợ hãi trên sàn của một chiếc xe buýt của đồn biên phòng Hungary trong chuyến ghé thăm thành phố Budapets lần đầu tiên khi cô bay khỏi đất nước Syria hồi 2 năm về trước. Giờ đây, Yusra không còn phải sống trong sợ hãi, người ta đang bảo vệ và đối xử với nữ kình ngư 19 tuổi này như một VĐV Olympic nổi danh khi cô đang thi đấu tại giải bơi lội VĐTG tại Budapest. Đã có một thay đổi quá rõ ràng…

Sau vụ thử thách nhớ đời khi bị kẹt lại Hungary trong suốt một tuần lễ, trong chuyến phiêu lưu kéo dài 25 ngày đến Đức, Yusra thật sự không hề mong chờ một chuyến hành trình quay lại thủ đô của Hungary. “Tôi ghét đất nước này, tôi ghét con người ở đây. Tôi sẽ quay trở lại đây một ngày nào đó, trong giàu có, làm một con người bình thường để có thể vào đất nước này như là một con người bình thường”, “Thật là tồi tệ. Tình trạng của những người tị nạn ở Hungary, cả ở những nước khác, họ đã xử lý chuyện này, nhưng ở đây, tình hình phức tạp hơn”, Yusra xúc động tâm sự trong lần trả lời phỏng vấn AP mới đây.

Yusra nói rằng, sự hiếu chiến mà cô phải đối mặt từ cảnh sát Hungary là tồi tệ nhất, và rằng những người cô gặp đều có cách hành xử rất thô lỗ nhưng cũng có thể, có đôi lúc cô gặp được những người tử tế. “Còn giờ đây, khi tôi quay trở lại nơi này, tôi thấy rằng mọi người đều dễ thương, họ hào hứng với giải VĐTG như thế nào. Các chỗ ngồi trên khán đài nhà thi đấu đều chật kín. Tôi nghĩ, như vậy là rất tuyệt vời”, Yusra nhận xét.

Hôm chủ nhật rồi, Yusra đã thi đấu ở vòng loại của nội dung 100m bướm. Cô đạt thành tích 1 phút 7 giây 99, cách khoảng 12 giây so với tốp đầu những nữ kình ngư giành quyền vào vòng sau, bao gồm cả đương kim kỷ lục gia thế giới người Thụy Điển là Sarah Sjostrom. Yusra đã cải thiện thành tích của mình  rất ấn tượng so với thành tích ở Olympic Rio de Janeiro 2016 lên đến 1,22 giây.

Ở Olympic mùa hè năm ngoái tại Brazil, Yusra phải thi đấu trong màu áo của Đội tị nạn. Đó là nhóm VĐV tạm thời không có quốc tịch sau khi phải chạy trốn khỏi nước nhà vì chiến tranh. Tình trạng đặc biệt của những người này đã khiến IOC phải lập riêng một đội thi đấu để tạo điều kiện cho họ tranh tài ở Thế vận hội.

Còn lần này, cô thi đấu ở Budapest trong tư cách một VĐV độc lập nhận được sự bảo trợ của Liên đoàn bơi quốc tế FINA. Quê nhà cô, Syria, vẫn đang ngập tràn trong cuộc chiến tranh, bom đạn và máu lửa...

Ngoài nội dung 100m bướm, Yusra còn tham gia một nội dung thi đấu khác ở giải bơi lội Budapest 2017 là nội dung 200m tự do. Cô không thể vượt qua vòng loại với thành tích khiêm tốn là 2 phút 15 giây 80, xếp hạng 47/52 VĐV.

Hướng về quê nhà vẫn là ước muốn đau đáu của cô gái xinh xắn 19 tuổi quê ở Damacus. Yusra tâm sự: “Một trong những giấc mơ của tôi là được thi đấu thêm một lần nữa cho quê nhà. Nhưng chúng tôi sẽ phải chờ đợi những gì sẽ xảy ra trong tương lai”. 

Cô gái đến từ Damacus là một trong những VĐV bơi lội có triển vọng nhất của Syria. Cô từng đại diện cho Syria tham gia thi đấu ở giải bơi lội hồ ngắn VĐTG tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi năm 2012 trong các nội dung 200m và 400m tự do. Sau đó, gia đình cô đã phải di chuyển khắp nơi để né tránh bom đạn của chiến tranh. Cuối cùng, họ quyết định rời khỏi quê nhà. Trước đó, Yusra đã phải từ bỏ bơi lội.

“Tôi là một người không quyết định dừng lại. Nhưng vẫn còn chiến tranh và vì thế, tôi nhận thấy mọi thứ không còn có thể tiếp tục được nữa. Đó cũng là một lý do khiến tôi phải rời khỏi Syria. Tôi vẫn có thể sống ở đó, ngay bên cạnh của chiến tranh, nhưng không còn chút tương lai nào nữa”, Yusra cho biết trên AP.
Chuyến hành trình quay lại Hungary đầy cảm xúc của Yusra Mardini ảnh 1 Khát khao bơi lội đã giúp Yusra Mardini quay lại hồ bơi

“Hôm qua, cô ấy nói với bạn rằng, liệu ngày mai cô ấy sẽ chết trên đường phố hay trong chính căn nhà của mình”, “Ở đó, chiến tranh giống như là điều bình thường. Còn với chúng tôi, chiến tranh là bất thường đến kinh khủng”, ông Sven Spannenkrebs, HLV bơi lội đầu tiên của Yusra ở Berlin, người cũng đã đi cùng cô đến giải VĐTG tại Budapest, kể lại về những gì mà cô bé đã nói với bà.

Yusra và chị gái rời khỏi Syria hồi đầu tháng 8-2015, tham gia cùng làn sóng tị nạn. Đầu tiên họ đến Liban, sau đó đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ phải trả tiền cho các tàu buôn lậu để người ta chở họ nhập cư lậu vào đất nước Hy Lạp. Yusra đã kể câu chuyện về chuyến hành trình đầy hiểm nguy của mình trên biển Aegean rất nhiều lần, về những lần phải tự bơi, không vì thành tích mà vì mạng sống, khi chiếc thuyền chở lậu người có dấu hiệu chìm xuống vì quá tải…

“Động cơ thuyền bị bỏng, và chúng tôi phải bơi hơn 3 tiếng đồng hồ qua bờ bên kia. Tôi, chị tôi và 2 gã trai khác. Chị tôi nhảy xuống trước, sau đó tôi nhảy theo. Chúng tôi không bơi như bình thường. Chúng tôi bám một tay vào thành tàu, tay kia thì bơi, và chân thì quạt nước”, Yusra kể lại.

Những nỗ lực vừa để bơi tự cứu mình, vừa để kéo chiếc thuyền chậm chạp tiến lên, cuối cùng đã giúp họ đến được bờ của hòn đảo Lesbos thuộc Hy Lạp. Khi đi dọc theo đường bộ ở Macedonia, Serbia và Hungary, Yusra cũng trải qua những khoảnh khắc tồi tệ nhất về điều kiện sống. Họ lẩn trốn cảnh sát, bị bắt ở biên giới, đồ đạc bị lấy mất, và phải bỏ tiền mua vé khi chính phủ Hungary từ chối cho phép xe lửa đi qua… “Hungary thật khủng khiếp. Hungrary chính là nỗi sợ to lớn nhất của tất cả những người dân tị nạn”, Yusra thẳng thắn thừa nhận.

Cuối cùng, gia đình của Yusra đã đến được Berlin, nơi một dịch giả Ai cập ở khu tị nạn giúp họ liên lạc với một CLB bơi lội địa phương. Ở đây, Yusra đã gặp ông Spannenkrebs. Ông nhanh chóng nhận ra tiềm năng của cô bé, giúp cô tiếp cận IOC để thuyết phục họ lập nên Đội tị nạn ở Rio hồi năm ngoái.

“Không có điện, không có nước ở quê nhà. Nhưng vẫn có cuộc sống, dù gần như là những cuộc sống cận kề cái chết vì bạn không thể biết được chuyện gì sẽ diễn ra trong 1 phút, 1 giây. Nhưng giờ đây, nước Đức cũng là đất nước của tôi. Họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ chăm sóc cho tôi và cho nhiều người. Họ mở rộng cánh cửa cho chúng tôi”, Yusra nói về quê nhà và cũng gửi lời cám ơn đến nước Đức, đất nước đã mang lại cho cô sự bình yên để theo đuổi khát vọng bơi lội của mình.

Tin cùng chuyên mục