Chuyện của Phan Thanh Hậu

Năm 2014, khi lứa Công Phượng, Xuân Trường còn chưa tỏa sáng thì tiền vệ 17 tuổi Phan Thanh Hậu đã được tờ Guardian (Anh) xếp vào 40 tài năng triển vọng của bóng đá thế giới.

Thực tế thì ở thời điểm đó, cầu thủ người Quảng Ngãi này chơi rất tốt trong màu áo U.19 Việt Nam dự giải châu Á 2014 và sau đó, vào năm 2015, anh được đưa lên đội 1 của HA.GL cùng với các cầu thủ thuộc khóa 1 Học viện HA.FL - Arsenal JMG (Thanh Hậu là học viên khóa 2).

Nếu tính cả lần bị loại khỏi đội U.23 Việt Nam dự vòng loại U.23 châu Á mà HLV Park Hang-seo vừa công bố hôm qua thì Phan Thanh Hậu đã bị loại ít nhất 4 lần kể từ sau khi dự U.20 World Cup 2017 đến nay ở các đội tuyển quốc gia, U.23. Điều này có nghĩa, xét về chuyên môn thì Phan Thanh Hậu vẫn có được ấn tượng nhất định, nhưng dường như cầu thủ 22 tuổi này không đủ tốt cho các trận đấu quan trọng.

Mọi thứ có thể do thể hình khiêm tốn của anh. Với chiều cao chỉ 1m7, khá “mỏng cơm”, cân nặng dưới 60kg, Phan Thanh Hậu không đủ sức để tranh chấp khi đá ở khu vực trung tuyến. Điều đáng nói là thời điểm 2014, Thanh Hậu lại có thể lực vượt trội so với các đàn anh Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…, nhưng từ đó đến nay lại không thấy phát triển, dù được biết ở HA.GL có chế độ dinh dưỡng tốt cho cầu thủ.

Trong bóng đá hiện đại, tài năng giỏi đến mấy mà không có thể lực thì cũng khó phát triển. Trường hợp của Phan Thanh Hậu gần như là bản sao của “thần đồng” Phan Như Thuật của SLNA trước đây.

Tiếc cho Phan Thanh Hậu, nhưng cũng qua đó lại lo cho bóng đá Việt Nam. Mới đây, sau giải U.19 quốc gia, đội tuyển chọn U.19 Việt Nam được thành lập để đá giải quốc tế với 23 cầu thủ thì hết 13 cầu thủ có chiều cao dưới 1m70, khiến chiều cao trung bình toàn đội chỉ là 1m69. Cá biệt có đến 7 cầu thủ chỉ từ 1m61 - 1m63, tức là duới chuẩn trung bình người Việt Nam.

Thông thường, đội U.19 tuyển chọn này cũng là nòng cốt của U.19 Việt Nam dự các giải quốc tế. Thể hình đã thấp - bé - nhẹ cân, cơ hội thi đấu quá ít ỏi, thật khó tin là bóng đá trẻ Việt Nam trong vài ba năm nữa sẽ có một thế hệ cầu thủ duy trì được vị thế ở tốp 10 - 15 châu Á như tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt.

Chuyện của Phan Thanh Hậu, của U.19 tuyển chọn Việt Nam, của những trận đấu phải ngồi dự bị nơi xứ người của Công Phượng, Xuân Trường…, cho chúng ta một cái nhìn không mấy sáng sủa đằng sau những thành công trong năm 2018. Đó là một khoảng trống quá lớn về chất lượng con người, là sự thiếu chiều sâu trong khâu tuyển chọn và đào tạo. 

Từ trước đến nay, chúng ta chưa từng lo lắng về trình độ kỹ thuật cũng như tư duy chơi bóng của cầu thủ Việt Nam, nhưng ai cũng thấy các hạn chế về thể hình. Thấy, nhưng lại không hề có bất kỳ sự thay đổi nào trong hoạt động tuyển sinh cũng như chế độ dinh dưỡng. Đã vậy, các cầu thủ trẻ ở tuổi 19 - 20 còn bị ca ngợi quá mức về tài năng, bị tận dụng một cách triệt để, khiến họ không còn thời gian để hoàn thiện những yếu tố về tâm lý, thể chất, vốn mang tính quyết định đến khả năng thi đấu lâu dài của họ sau này.

Tin cùng chuyên mục