Chelsea thua đau Tottenham: Bài học xương máu "trận Wembley"

Đây không phải là lần đầu tiên mà Chelsea thua đau Tottenham Hotspur ở đấu trường Premier League; qua đó, giúp cho Sư tử Xanh thành London đúc kết được nhiều bài học. Nhưng nếu như trong những lần trước, Chelsea đều rút ra được những kinh nghiệm xương máu, siết chặt lại đội ngũ và điều chỉnh chiến thuật, từ đó thẳng tiến đến ngôi vô địch, còn lần này thì sao?

Jorginho (phải) và HLV Sarri phải nhanh chóng rút ra bài học về "trận Wembley"
Jorginho (phải) và HLV Sarri phải nhanh chóng rút ra bài học về "trận Wembley"

Chelsea từng thua đau Tottenham trong 2 năm vô địch Anh gần đây

Ở mùa giải năm 2014-2015, mùa giải thứ 2 trong “vương triều thứ 2” vô cùng đáng nhớ của HLV cá tính người Bồ Đào Nha – Jose Mourinho, tại sân Stamford Bridge, Chelsea cũng đã từng phải nếm trải… “một cú hóc xương cực kỳ đau đớn” trước “Gà trống thành London” – là Tottenham Hotspur.

Đó chính là thời điểm Chelsea của Mourinho đang có chuyến hành trình khởi đầu mùa giải cực kỳ mạnh mẽ, chỉ thua 1/19 trận đấu mở màn (thua Newcastle United 1-2), trong đó đã thắng 14/19 trận đấu đầu tiên (Chelsea của Mourinho cũng đã thắng Tottenham 3-0 trong trận đấu lượt đi tại sân nhà Stamford Bridge, Eden Hazard, Didier Drogba – người mới giải nghệ hồi tuần trước, và Loic Remy là những người lập công cho Chiến binh Xanh).

Tuy nhiên, đến trận đấu diễn ra trên sân cũ của Tottenham, sân White Hart Lane ngay vào ngày đầu năm mới 1-1-2015, những va vấp đáng sợ đã xảy ra. Chelsea thi đấu cứ như thể hàng hậu vệ của họ “đang ban phát quà tặng trong năm mới”, cộng với một ngày thi đấu tuyệt luân của Harry Kane, Tottenham đã khiến Chelsea phải “hóc xương gà ngay dịp đầu năm” bằng chiến thắng đẹp mắt với tỷ số 5-3, trong đó, Harry “ma thuật” đã lập cú đúp.

Trận thua đó tuy không khiến Chelsea đánh mất vị trí dẫn đầu, nhưng đã khiến Mourinho giật mình trước những hiểm họa xung quanh, ông đã cho siết lại đội ngũ, điều chỉnh chiến thuật, đưa Chelsea quay trở lại với lối đá “thủ cứng, phản nhanh” từng thành danh từ thời xa xưa, bên cạnh việc yêu cầu các cầu thủ Chelsea tuân thủ kỷ luật tối đa. 

Kể từ “bài học trận White Hart Lane đầu tiên” trở đi, Chelsea đã thắng 12/18 trận đấu cuối mùa (trong đó có đến 8 chiến thắng chỉ bằng cách biệt tối thiểu là 1 bàn thắng, đa phần với các tỷ số 1-0 và 2-1), chỉ nhận thêm đúng 1 trận thua – thua West Bromwich Albion trong hình thế đã chắc chắn vô địch mùa giải năm đó. Rõ ràng, trận thua muối mặt ngay đầu mùa giải năm mới đã mang về một bài học xương máu cho Chelsea hồi 3 năm về trước.

Còn ở mùa giải 2016-2017, mùa giải đầu tiên trong “vương triều duy nhất” cũng rất đáng nhớ của nhà cầm quân người Ý là Antonio Conte, Chelsea ngay sau… 2 trận thua liên tiếp trước Liverpool (thua 1-2) và Arsenal (thua đậm 0-3) đã bắt đầu “phản ứng”. HLV Conte đã điều chỉnh sơ đồ chiến thuật từ 4-2-3-1 kiểu truyền thống sang 3-5-2, hoặc 3-4-3 tùy theo tình hình, và đã mang lại hiệu ứng tích cực.

Chelsea sau đó đã có chuỗi 13 trận thắng liên tiếp (cân bằng với thành tích kỷ lục của Arsenal trong “mùa giải thần thánh” 2004-2005), trong đó có khá nhiều chiến thắng hấp dẫn bằng các tỷ số 2-0, 3-0, 4-0, thậm chí là… 5-0. Chuỗi thành tích đó chỉ bị chận đứng bởi “người quen cũ” – “Gà trống thành London” Tottenham. Ngày 4-1-2017, Tottenham với cú đúp của Dele Alli đã đánh bại Chelsea 2-0 và chấm dứt những ngày tháng say sưa trên chiến thắng của Conte.

Sau kết quả này, Conte – cũng như Mourinho – đã cẩn trọng lại rất nhiều, siết chặt đội hình, đưa Chelsea đi vào quỹ đạo của tính kỷ luật và làm việc tập thể, chú trọng phòng ngự chặt, phản công nhanh, và chỉ thua 2/18 trận đấu cuối mùa, trong đó, có đến 14 trận thắng, để giành ngôi vô địch Premier League một cách thuyết phục. “Bài học trận White Hart Lane thứ 2” đã ảnh hưởng rất nhiều đến chuyến hành trình chinh phục ngôi vương của Conte và học trò.

“Bài học” nào cho “trận Wembley”?

 Việc Chelsea để thua Tottenham 1-3 trong trận đấu diễn ra vào rạng sáng ngày hôm nay, Chủ nhật 25-11 là một kết cục hoàn toàn hợp lý, dù phía Chelsea có thể than phiền về chuyện trọng tài ngó lơ nhiều tình huống Hazard bị phạm lỗi từ phía sau, trong đó có một tình huống anh bị đốn hạ trong vòng cấm. Có thể, nếu Chelsea được hưởng phạt đền trong tình huống đó, thế trận đã khác đi. Nhưng, nếu những cú dứt điểm khác của Tottenham chính xác hơn thì sao?

Chelsea trong trận thua Tottenham đã bộc lộ hoàn toàn những nhược điểm vốn đã được giới chuyên môn, và đặc biệt là giới mộ điệu dự báo trước đó, trong những trận hòa Manchester United 2-2 (Ross Barkley gỡ hòa may mắn ở phút thứ 90+6), hay trong trận hòa mới đây nhất với tỷ số 0-0 trước HLV tinh quái người Bồ Đào Nha – Marco Silva. Đó là trận đấu Everton dù bị đánh giá thấp hơn cả về thực lực lẫn phong độ, nhưng có chiến thuật hợp lý và sở hữu những con người nhiệt huyết, liên tục tạo pressing cao độ theo kiểu không biết mệt mỏi, rốt cuộc đã khiến “lối đá cầm bóng mà chơi” của Maurizo Sarri đi vào ngõ cụt.

Tất nhiên, đỉnh điểm của những nhược điểm đã được thể hiện một cách “trần trụi” trong trận thua Tottenham, dù đối thủ này đã nhập cuộc không khác gì mấy so với những lần đối đầu gần đây với Chelsea – luôn dồn lên tấn công phủ đầu ngay từ những phút đầu tiên, tạo sức ép liên lục lên các vị trí cầm bóng chủ chốt của đối thủ. Lối đá cầm bóng, thoát pressing nhưng không phải thuộc dạng “đỉnh cao chiến thuật” như của Manchester City, rốt lại đã bộc lộ quá nhiều sai số khi mà các đối thủ chủ động tạo sức ép lớn khủng khiếp, hơn cả những gì mà cả Sarri lẫn các học trò mong chờ.

Jorginho chính là mắt xích “yếu nhất” trong cả 3 trận đấu tệ hại gần đây của Chelsea. Trong trận đấu với MU, trong suốt hiệp đấu thứ 2, “Vua chuyền bóng Premier League” (đương nhiên, chỉ tính đến thời điểm đó) là người chuyền hỏng nhiều nhất trước sự “quấy phá” của một cựu binh Chelsea là Juan Mata. Trong trận đấu với Everton, vì không thể thoát pressing và để mất bóng nguy hiểm, anh đã phải phạm lỗi ngay trước vòng cấm địa để nhận thẻ vàng, một pha xử lý trái ngược hoàn toàn với phong cách của anh. Còn trong trận đấu sáng sớm hôm nay, đã có tình huống Jorginho mất tự chủ và lao vào đối phương, phạm lỗi khá thô thiển.

Khi mắt xích quan trọng nhất, điểm mạnh nhất của Chelsea lại trở thành điểm yếu, như kiểu chiếc chiến đấu cơ J5 ngày xưa của Trung Quốc đã trở nên… lỗi thời ngay từ khi được đưa vào sử dụng, Sarri sẽ làm gì trước những ngày giông bão sắp tới, khi nhiều vị trí xung quanh anh, vì thế, cũng bộc lộ hàng loạt sai lầm, như David Luiz, như chính N’Golo Kante, còn hàng công vẫn… hiếm muộn như lẽ thường?

Nên chuyển về lại với sơ đồ 4-2-3-1

 Sơ đồ 4-2-3-1 từng gắn liền với nhiều thành công trong quá khứ của Chelsea, là “thứ vũ khí” vinh danh Mourinho trên đảo quốc sương mù, đã trở nên lạc hậu và được Conte “đưa vào viện bảo tàng” sau trận thua Tottenham ở mùa giải 2016-2017. Nhưng trong bóng đá, không hề có chiến thuật “lạc hậu mãi mãi”. Tùy theo từng thời kỳ, tùy theo nhân lực, các HLV sẽ biết cánh ứng dụng lại những sơ đồ tưởng chừng “đã chết”, khiến nó sống lại với thời gian.

Một trong những dấu hỏi to lớn suốt mấy ngày qua là có nên đưa Kante trở về vị trí thấp nhất trên tuyến tiền vệ hay là không, vì nếu tận dụng khả năng đeo bóng bền bỉ và những tình huống đánh chặn thông minh – hiệu quả của anh, có khi Chelsea đã không thua vỡ mặt Tottenham chỉ sau 16 phút đầu tiên trong trận đấu sáng nay. Nhưng lối chơi của Sarri cần một còn thủ then chốt điều phối bóng từ sâu bên phần sân nhà, vậy sao không tận dụng cả J5 lẫn Kante đá song song với nhau ngay trước hàng hậu vệ?

Khi đó, Kante sẽ nhận trọng trách làm “bộ giáp” bảo vệ Jorginho khỏi sự công kích và sức ép từ các mũi nhọn tấn công của đối thủ (điều mà Nemanja Matic đã làm rất tốt để bảo vệ “chân phất bóng số 1” Cesc Fabregas trong chiến dịch vô địch giải Anh lần thứ 3 của Mourinho). Nhờ vậy, J5 vẫn sẽ được thoải mái sáng tạo và điều khiển nhịp điệu lên bóng của Chelsea, Kante sẽ làm “cận vệ trưởng” của anh, và cũng gánh vác trọng trách làm lá chắn mỗi khi Chelsea mất bóng, bị dòn áp lực mạnh mẽ lên khu vực trước vòng cấm địa.

Và dĩ nhiên, phải mua sắm nữa

 Đương nhiên, với đội hình hiện tại, dù Sarri có tìm ra cách vượt qua lối đá khắc chế thế công của đối phương, ông cũng không có đủ “bảo bối” để chạy đua với những Manchester City (đội bóng ông thừa nhận là “chiếu trên” so với tất cả các đội bóng còn lại của Premier League, thậm chí để cạnh tranh với Liverpool cũng còn rất khó. Chelsea chỉ có bàn danh dự nhờ vào một cầu thủ… đã không ghi bàn từ hơn 7 tháng nay. Do vậy, Chelsea cần một trung phong săn bàn cho ra hồn, thay vì cứ phải đưa một cầu thủ mà suốt thời gian hiện diện trên sân, anh này ngã xuống mặt cỏ và rơi vào tư thế việt vị còn nhiều hơn số lần tung ra những cú dứt điểm.

Một trung vệ giỏi, và một người chạy cánh giỏi cũng là thứ mà Chelsea cần phải bổ sung, sau màn trình diễn “dễ thương” tiếp theo của Luiz. Trong cả 3 trận đấu tệ hại gần đây của Chelsea, Luiz đều phạm những sai lầm rất đáng trách, nhưng lần này, nó càng tệ hơn khi Chelsea thua vỡ mặt trước Tottenham.

Hai “bài học” trong quá khứ từng giúp Chelsea chấn chỉnh đội hình để đăng quang ngôi vô địch. Lần này, người hâm mộ chỉ cần Chelsea chấn chỉnh lại đội ngũ, loại bỏ sai sót, vượt qua bế tắc ở những trận đấu bị đối phương tạo sức ép để khắc chế, duy trì lối đá đẹp mắt, giành một vị trí thuộc tốp 4 và thắng một danh hiệu khác trong mùa giải năm nay. Mùa giải năm sau, sẽ là câu chuyện khác, và “lý lịch” chưa từng giành danh hiệu, ngay cả khi ở Napoli, của Sarri, chắc chắn sẽ bị “soi” nếu ông không đạt được thành tích cụ thể nào…

Tin cùng chuyên mục