Chạy tiếp sức tìm tài năng trong bóng đá

Có những nơi chỉ chuyên đào tạo bóng đá trẻ như trung tâm PVF là rất quý, nhưng để cho công tác tìm kiếm tài năng được hiệu quả, cần có thêm những hành động tiếp sức trong cuộc chạy đua tìm kiếm tài năng bóng đá Việt.
PVF là nơi đào tạo ra khá nhiều cầu thủ trẻ tốt cho bóng đá Việt Nam.
PVF là nơi đào tạo ra khá nhiều cầu thủ trẻ tốt cho bóng đá Việt Nam.

Trung tâm bóng đá trẻ PVF vừa làm lễ tốt nghiệp cho 20 cầu thủ và bàn giao về 5 đội bóng, trong đó có 2 CLB ở V-League và 3 ở giải hạng nhất theo các hình thức chuyển nhượng hoặc cho mượn. Dù chi phí đào tạo ước tính lên đến hơn chục tỷ đồng, nhưng toàn bộ tiền chuyển nhượng được PVF chuyển về cho gia đình các cầu thủ. Như vậy, PVF đóng vai một doanh nghiệp cộng đồng, đào tạo cầu thủ và tặng lại cho xã hội.

Đấy là một câu chuyện đẹp, nhưng kết thúc có hậu hay không, thì chưa biết. Những gì mà VPF làm là tạo ra một “sản phẩm” chất lượng cao, nhưng sử dụng nó ra sao, tạo ra giá trị gia tăng thế nào, lại nằm ngoài công việc của PVF. Có thể cầu thủ xuất thân từ lò PVF có văn hóa tốt, đời sống sau đó cũng ổn định, đại loại là trở thành một công dân tốt. Nhưng nói cho cùng, bóng đá là một lĩnh vực đặc biệt, ở đó không chỉ cần tốt mà phải là rất tốt, rất giỏi, rất xuất sắc thì cuối cùng, đội tuyển Việt Nam mới được hưởng lợi.

Nên câu chuyện để một tài năng trở thành một cầu thủ giỏi, là cuộc chạy tiếp sức mà bộ phận nào cũng quan trọng như nhau. Xuất phát tốt, nhưng khâu tiếp gậy bị lỗi, thì người chạy kế tiếp sẽ chậm và ảnh hưởng đến người chạy sau đó nữa. Những cầu thủ của PVF hay bất kỳ “lò” đào tạo nào “xuất” ra, cho dù có tốt, thì cũng cần môi trường và điều kiện sự dụng tương xứng.

Lấy ví dụ, số cầu thủ ở đợt tốt nghiệp vừa qua chỉ có 8 người được tiếp nhận bởi các CLB V-League. Trong số này, cơ hội ra sân chắc cũng chỉ 2-3 người. Nếu trong 2 năm tới, mọi thứ không thay đổi, thì có thể dẫn đến toàn bộ lứa cầu thủ sẽ không tạo ra được sự khác biệt giữa một nơi đầu tư lớn như PVF với các cơ sở nhỏ hơn tại địa phương.

Trong khi đó, một địa phương bị xem là “nghèo” trong lĩnh vực bóng đá như Khánh Hòa, từng có nhiều lứa cầu thủ thành danh, không chơi cho địa phương thì chuyển nhượng đến đâu cũng thích ứng và nhiều người lên tuyển quốc gia tỏa sáng như Hoàng Anh Tuấn, Đặng Đạo, Tấn Tài, Quang Hải, Tuấn Mạnh… Rõ ràng, đào tạo là một chuyện, nhưng làm sao để kết quả của việc đào tạo đó có hiệu quả, được sử dụng lâu dài và cống hiến nhiều cho quốc gia, mới là điều cốt lõi trong công tác phát triển con người bóng đá.

Ghi nhận tấm lòng của những nhà đầu tư tại PVF là một chuyện, nhưng cũng không khỏi băn khoăn về hiệu quả của những đồng tiền đầu tư. Bởi đằng sau PVF là Vin Group, tiềm lực lớn như vậy nhưng nếu chỉ tạo ra những công dân  tốt thì có phải là sự uổng phí hay không?

Hay nói đúng hơn, cần có thêm những doanh nghiệp lớn khác tiếp nối những gì PVF đã làm. Ví dụ như có thêm tiền đầu tư cho hệ thống thi đấu bóng đá trẻ, có thêm những CLB sở hữu nhiều tuyến U, có thêm những giải đấu quốc tế để cầu thủ trẻ cọ xát…Những việc ấy rất quan trọng đối với một cuộc chạy tiếp sức tìm kiếm tài năng.

Tin cùng chuyên mục